Câu chuyện về Nguyên phi Ỷ Lan
Câu chuyện về người con gái tài sắc vẹn toàn Nguyên phi Ỷ Lan cho đến nay vẫn còn nhiều giai thoại, nhưng những công lao và đóng góp của bà cho nền thịnh trị nước nhà thì không ai có thể phủ nhận.
Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày mùng 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗ (sau này đổi là Siêu Loại), nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ỷ Lan là một cô gái xinh đẹp và chăm làm.
Cho đến nay, tên thật của bà cũng chưa được xác định rõ. Có sách ghi là Lê Thị Yến, cũng có sách chép là tên của bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Chỉ biết rằng, cho đến tận ngày này, mọi người vẫn nhắc đến bà với cái tên đầy trang trọng và kính mến: Nguyên phi Ỷ Lan.
Nguyên Phi Ỷ Lan
Hai chữ “Ỷ Lan” là do vua Lý Thánh Tông đặc biệt đặt riêng cho bà. Cái tên như để ghi nhớ lại kỉ niệm của buổi đầu gặp gỡ. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa nhà vua và người thôn nữ như một cuộc gặp gỡ tình cờ mà lãng mạn, hợp ý trời. Tục truyền rằng, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Và trong một lần đi cầu tự ở Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), khi đi qua hương Thổ Lỗi, ngài vén rèm nhìn ra thấy người dân dâng sụp lạy, duy chỉ có một người con gái đang dựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo.
Cuộc gặp gỡ như duyên tiền định, bắt đầu cho một trang lịch sử của đất nước có dấu ấn của người con gái mang tên Ỷ Lan. Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau này là vua Lý Nhân Tông), được phong làm Nguyên phi, cùng giúp vua trị nước bình thiên hạ.
Bà không chỉ là một người con gái đẹp mà còn là một người tài cao, thông minh, sắc sảo và có bản lĩnh. Những câu chuyện, những giai thoại về bà cho đến nay vẫn còn lưu truyền rộng khắp. Người người mọi thế kỉ qua đều nhớ ơn đức của bà, mà tôn vinh bà là “Quan Âm nữ”. Quần thể di tích Ỷ Lan nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội chính là nơi tôn thờ và tưởng nhớ đến bà, Nguyên phi Ỷ Lan, một danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc, một phụ nữ sáng danh của lịch sử nước nhà.