Ngô Xương Ngập

Trên đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài, cách chân cầu Thăng Long hơn 2km về phía Bắc là vùng đất xã Nam Hồng, huyện Đông Anh.

Xã hiện có 4 thôn gồm thôn Đoài, Đìa, Vệ và Tằng My. Nơi đây có những cánh đồng màu mỡ tốt tươi bên cạnh khu công nghiệp Bắc Thăng Long với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Hẳn ít ai có thể hình dung trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Hồng luôn như một cái “gai” trong mắt bọn giặc Pháp. Nam Hồng ở gần cơ quan đầu não điều hành cuộc chiến tranh của giặc Pháp. Lúc đó, nơi đây là tiền đồn vùng tự do của ta, một cửa ngõ quan trọng nối chiến trường đồng bằng Bắc Bộ với chiến trường trung du. Vùng này ta và địch ở thế cài răng lược, giành giật, giằng co quyết liệt.

Nam Hồng là một địa điểm chiến lược đặc biệt quan trọng của cả ta và địch. Ta kiên quyết giữ vững vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm tiêu hao, quấy rối hậu phương của địch. Địch cũng luôn muốn đánh bật lực lượng kháng chiến của ta, bình định, củng cố và mở rộng vùng chiếm đóng.

Nam Hồng thực hiện triệt để đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ …” và phương châm: “Mỗi thôn xóm là một pháo đài, mỗi nhà là một tổ tác chiến, mỗi người dân là một chiến sỹ”, “cả nhà là du kích, cả nhà tham gia đánh giặc.”

Quân dân Nam Hồng không phân biệt già trẻ, gái trai đều tích cực tham gia tạo dựng nên một làng kháng chiến, một khu du kích anh hùng, đánh địch quyết liệt và tích cực đóng góp cho kháng chiến.

Trong những năm kháng chiến, Nam Hồng không còn một ngôi nhà nguyên vẹn, dân số xã không lớn nhưng có tới 113 liệt sĩ là cán bộ, du kích và quân chúng trung kiên bị địch sát hại. Địch đã càn quét 254 lần vào xã, trong đó có những trận càn lớn, chúng huy động cả máy bay, xe tăng…, 2017 nóc nhà bị địch tiêu hủy, 346 tấn thóc bị địch cướp phá.

Trong hoàn cảnh cực kỳ gay go, ác liệt, nhưng toàn Đảng, toàn dân Nam Hồng vẫn đoàn kết một lòng, tin theo sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Quân và dân Nam Hồng đã trực tiếp chiến đấu 308 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 357 tên địch, làm bị thương 153 tên, bắt sống, bắt hàng 146 tên, thu nhiều quân trang, quân dụng.

Nam Hồng đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen các loại. Liệt sĩ Nguyễn Quang Cơ của xã là chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952, Đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới trao cờ lưu niệm cho xã Nam Hồng. Trong hội nghị sơ kết phong trào chiến tranh du kích của Tổng quân ủy (1952), Nam Hồng được vinh dự cử đại biểu đến dự và báo cáo kinh nghiệm chiến tranh du kích.

Xã Nam Hồng có bốn bà mẹ Việt Nam anh hùng và vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đến thăm khu di tích Nam Hồng càng thấy vị trí xã Nam Hồng nổi bật trong sự phối hợp các chiến dịch như Chiến dịch Trung du (1950-1951), chiến dịch Hòa Bình (1952), chiến trường Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông Xuân (1953 – 1954).

Vào giai đoạn cuối kháng chiến, Nam Hồng trở thành hạt nhân của khu du kích miền Tây Đông Anh, một khu du kích lớn của tỉnh Phúc Yên và chiến trường cận trung du lúc bấy giờ.

Nguyễn Hữu Mùi

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button