Quan Tổng đốc Hoàng Diệu – vị quan trấn thành Hà Nội kiên trung
Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tí (1829) trong một gia đình có truyền thống Nho giáo tại làng Xuân Đài (Diên Phước, Quảng Nam). Gia đình ông có bảy anh em thì một người đỗ phó bảng, ba người đỗ cử nhân và hai người đỗ tú tài trong các kì thi dưới thời vua Tự Đức.
Chân dung Tổng đốc Hoàng Diệu – Tranh tư liệu
Ông được đánh giá là một vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng hết sức vì nước vì dân và từng lập được nhiều quân công.
Sau khi đại uý quân đội Pháp Garnier cùng một phần toán binh sĩ chiếm thành Hà Nội trúng mưu Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm, rơi vào ổ phục kích và tử trận, liệu đường không giữ nổi những vùng đất Bắc đã chiếm đóng được, Pháp buộc phải kí hoà ước trả lại thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định cho Việt Nam. Tuy nhiên, dã tâm tiến quân tái chiếm Hà Nội của Pháp là điều mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được.
Trước dã tâm của Pháp, việc trấn giữ thành Hà Nội trở thành nhiệm vụ cấp bách, khó khăn và nguy hiểm. Nhiệm vụ ấy được vua Tự Đức giao phó cho Hoàng Diệu.
Được phong làm Tổng đốc Hà Ninh, vừa ra đến Hà Nội, Hoàng Diệu đã bắt tay ngay vào việc xây dựng, sửa chữa và củng cố thành luỹ, huấn luyện binh sĩ sẵn sàng nghênh địch.
Nhận thấy lực lượng trấn thành binh mỏng khí thô, Hoàng Diệu nhiều lần dâng sớ xin triều đình tri viện. Nhưng khi ấy, Pháp đã chiếm gọn Nam Bộ, triều đình ở Huế hoảng loạn, nội tình mâu thuẫn rối ren, phe chủ bại lấn lướt phe chủ chiến. Bởi vậy, sớ dâng của Hoàng Diệu không được hồi âm.
Thấy triều đình nhà Nguyễn đã run sợ, Pháp tìm cách gây sự hòng đưa quân ra Bắc. Năm 1882, lấy cớ Việt Nam vi phạm Hiệp ước 1873 giao thiệp với Trung Hoa và dung túng quân Cờ Đen ngăn trở việc đi lại của người Pháp trên sông Hồng, Pháp phái 400 quân sĩ dưới sự chỉ huy của đại tá Henri Rivière ra Bắc, đóng tại Đồn Thuỷ cách thành Hà Nội 5km về phía Bắc sẵn sàng chờ lệnh.
Biết rằng người Pháp đang “giở trò”, một mặt, Hoàng Diệu hạ lệnh giới nghiêm thành Hà Nội, yêu cầu các tỉnh xung quanh sẵn sàng chiến đấu, mặt khác, ông yêu cầu triều đình Huế gửi viện binh.
Lúc này, nhà vua cùng phe chủ bại chỉ lo làm mất lòng người Pháp sẽ không bảo toàn được ngai vàng và triều đình. Để xoa dịu người Pháp, không những không gửi thêm viện binh, vua Tự Đức còn hạ chiếu quở trách Hoàng Diệu.
Thấy rõ triều đình Huế đã rệu rã tinh thần chiến đấu, ngày 25 tháng 4 năm 1882, đại tá Henri Rivière nghênh ngang cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, gửi tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu tự phá hệ thống phòng thủ trong thành, giải giới binh sĩ và đúng 8 giờ, các vị quan trên dưới trong thành phải ra trình diện, tạo điều kiện để quân Pháp vào thành “kiểm kê”.
Để tránh thương vong, Hoàng Diệu phái quan Án sát Tôn Thức Bá đi điều đình. Nhưng Henri Rivière không hề đếm xỉa tới. Đúng 8h15 phút, không thấy các quan thủ thành ra trình diện, Henri Rivière hạ lệnh cho các tàu chiến nã pháo vào thành yểm trợ cho quân binh đổ bộ chiếm thành.
Thấy quân Pháp nã pháo vào thành, Tôn Thức Bá hoảng sợ trốn chạy. Sau đó, người này thân tìm đến nơi quân Pháp đồn trú xin thông báo tình hình trong thành hòng mong được người Pháp đoái công. Chẳng những thế, Bá còn tự tay thảo sớ dâng vua đổ tội cho Hoàng Diệu, xin Pháp cho được làm Tổng đốc Hà Ninh thay Hoàng Diệu.
Trước đó, chính Tôn Thức Bá đã cùng với quan Tổng đốc Hoàng Diệu và các bạn đồng liêu là Tuần phủ Hoàng Hữu Xung, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyển và Lãnh binh Lê Trực uống máu ăn thề quyết tử với thành Hà Nội.
Dẫu biết rằng có người tâm phúc tạo phản và hoả binh Pháp mạnh hơn nhiều lần, nhưng Hoàng Diệu vẫn chỉ đạo quân dân quyết chiến bảo vệ thành. Sự kháng cự quyết liệt của quân dân thành Hà Nội khiến quân Pháp thiệt hại nặng nề. Chúng phải lui binh ra ngoài tầm bắn của quân dân Hà thành để bảo toàn lực lượng.
Tuy vậy, một biến cố bất ngờ xảy đến khiến đội quân của Hoàng Diệu rối ren – kho thuốc súng trong thành nổ tung khiến khói bụi mịt mù bao phủ khắp thành. Quân Pháp thừa cơ tấn công mạnh mẽ. Chỉ trong chốc lát, cổng Tây thành Hà Nội bị phá tan tành.
Trong lúc quân ta chưa kịp định thần, quân Pháp đã ùa cả vào thành. Quan binh dưới chướng Tổng đốc Hoàng Diệu cả kinh bỏ thành chạy thoát thân.
Dù quyết tâm bảo vệ thành, nhưng trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng hơn, cuối cùng, Hoàng Diệu đành hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.
Còn lại một mình, Hoàng Diệu quay vào hành cung cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Sau đó, ông ra trước Võ miếu dùng khăn quấn đầu thắt cổ tự vẫn để không rơi vào tay giặc. Trong bức di biểu gửi nhà vua, Hoàng Diệu viết:
“Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng…”.
Khâm phục trước tấm gương quan Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu thà chết chứ không chịu luồn mình dưới chân giặc, nhân dân và sĩ phu Hà thành lập bàn thờ ông bên cạnh vị quan Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa.
Tôn Thất Thuyết – một sĩ phu nổi tiếng theo đường lối chống Pháp – thương tiếc Hoàng Diệu mà viết lên đôi câu đối:
“Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm”
Nghĩa là:
“Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước
Bình sinh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”.
Ngày nay, tên của ông được chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội kính cẩn đặt thành tên con đường chạy phía Tây thành cổ, song song với phố Nguyễn Tri Phương. Bàn thờ ông cũng được lập bên cạnh bàn thờ quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn quanh năm mở cửa để nhân dân lúc nào cũng có thể tới thắp nhang tri ân hai vị anh hùng quên mình vì thành Hà Nội.
Tượng thờ Tổng đốc Hoàng Diệu trên vọng lâu Bắc Môn