Lễ đăng quang trong chế độ phong kiến Việt Nam

Đối với các quốc gia quân chủ chuyên chế Phương Đông, nhà vua người nắm quyền cấp cao nhất có quyền trị vì cả quốc gia, xã tắc. Vua là thiên tử được trời giao nhiệm vụ tối cao, được lên ngôi vua là ý trời. Việc lên ngôi trị vì của một vị vua là một sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, lễ Đăng quang có ý nghĩa đánh dấu bắt đầu thời kỳ nhiếp chính của một vị vua và là nghi lễ quan trọng trong hệ thống nghi lễ triều hội.

Để tìm hiểu về Lễ Đăng quang, trước hết chúng ta hiểu về những từ như Đăng quang, đăng cực, tức vị. Đăng quang (登光), đăng cực  (登極), tức vị  (卽位),  đăng cơ [登基] (vua) đều có ý nghĩa là lên ngôi vua. Ngoài ra còn một số từ có cùng ý nghĩa với từ lên ngôi như “lên ngôi vua” như: đăng cực (lên ngôi vua), đăng vị登位 (lên ngôi), đăng cơ (lên ngôi), tiễn cực踐極  (vua lên ngôi),…Như vậy, có rất nhiều từ Hán Việt có ý nghĩa là lễ lên ngôi vua tuy nhiên những từ như đăng vị, đăng cơ, tiễn cực… hiện nay ít dùng nên chúng tôi thống nhất sử dụng từ Đăng quang.

Tại sao lễ Đăng quang là một trong những lễ triều hội quan trọng nhất trong hệ thống nghi lễ cung đình? Vì sự kiện vua lên ngôi đánh dấu sự mở đầu của một triều vua hoặc một triều đại trong chế độ quân chủ phong kiến. Mà đặc trưng tiêu biểu của chính thể quân chủ là quyền lực tối cao trong một nhà nước thuộc về một người là vua. Vua được xem là con trời – thiên tử, “thế thiên hành đạo”, thay trời trị dân hoặc là người nhận sứ mệnh cai quản dân từ thượng đế và cũng vì vậy chịu trách nhiệm trước trời, trước thượng đế, đối với dân. Về mặt chính trị, quyền lực tối cao của vua thể hiện ở chỗ: Vua thống nhất lực lượng vũ trang toàn quốc, có quyền quyết định việc chinh phạt, quyền sinh, quyền sát. Ý chí và mệnh lệnh của vua là pháp lệnh, là pháp luật. Về mặt kinh tế, nhà vua nắm số đông các nô lệ và tuyệt đại bộ phận đất đai trong nước.

Người đứng đầu nhà nước quân chủ chuyên chế (vua, quốc vương, hoàng đế) thường được kế truyền theo ba nguyên tắc: 1) Trọng nam, theo đó ưu tiên truyền ngôi cho con trai, không có con trai mới truyền ngôi cho con gái; 2) Trọng trưởng, ưu tiên truyền ngôi cho con trai trưởng, trừ trường hợp con trai trưởng có những khiếm khuyết về trí tuệ, tài năng hoặc đức độ; 3) Lãnh thổ bất khả phân, ngai vàng chỉ truyền cho một người để đảm bảo lãnh thổ không bị phân chia.

Việc chọn người kế vị ngai vàng có yếu tố quyết định trong việc sự tồn vong của một triều đại thậm chí của đất nước. Nghi lễ Đăng quang là sự kiện quan trọng đánh dấu sự lên ngôi của một bậc hoàng đế trong lịch sử phong kiến của một quốc gia, tuyên bố với toàn thể nhân dân, xã tắc, các nước láng giềng về sự trị vì đó. Đó là sự công nhận cả về mặt thần quyền: vua là con trời thay trời hành đạo dân và nhân quyền là cả nước đã được thông báo về sự trị vì trên. Chính vì vậy, lễ Đăng quang là nghi lễ quan trọng nhất trong hệ thống nghi lễ triều hội của một chế độ phong kiến trung ương tập quyền.

 Trong lịch sử các vị vua từ nhà Lý đến hết nhà Lê Trung hưng thì có tổng số thì có 9 vị vua triều Lý, 12 vị vua thời Trần, 10 vị vua thời Lê sơ, 26 vị vua thời Lê Trung hưng (trong đó có 1 vị vua lên ngôi 2 lần). Trong những lần Đăng quang của các vị vua Lý, Trần, Lê, ngoài một số trường hợp không có người nối ngai vàng hoặc xảy ra binh biến, lật đổ để lên ngôi vua thì có thể chia làm 2 hình thức chính: lễ lên ngôi của vua nối nghiệp (trong trường hợp vua mất) và lễ nhận ngôi và lên ngôi (vua nhường ngôi).

1. Lễ Đăng quang triều Lý

Năm 1009 vua Ngọa Triều băng ở tẩm điện nên vua Lý Công Uẩn tự lập làm vua. Và cuối triều Lý, năm Vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, chính thức xác lập lên vương triều nhà Trần. Trong suốt triều đại nhà Lý, việc lên ngôi vua chủ yếu dưới hình thức là vua mất và thái tử được truyền ngôi.

Trang phục Cổn Miện thời Lý – Trần dựa theo phù điêu Ngô thị gia bi (Tranh: Lý Tiệp).  Nguồn Ngàn năm áo mũ – Trần Quang Đức

–  Vua Lý Thái Tông: Mậu Thìn, [Thuận Thiên] năm thứ 19, [ 1028]. Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu Tuất, vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin thái tử vâng di chiếu lên ngôi[1]. Vua nhân việc mới lên ngôi, xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ (ngày 15 Canh Thân)[2]. Việt sử lược cũng có nhắc đến: Ngày hôm đó, vua lên ngôi ở trước linh cữu, đại xá thiên hạ, cải nguyên, lấy năm thứ 19 hiệu Thuận Thiên làm năm đầu hiệu Thiên Thành[3].

– Vua Lý Thánh Tông: Giáp Ngọ, [Sùng Hưng Đại Bảo] năm thứ 6 [1054]. Tháng 9, ngày Mậu Dần, vua không khỏe. Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân. Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ 1. Truy tôn tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông, mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Ban quan tước cho các bề tôi cũ ở Đông cung theo thứ bậc khác nhau[4].

– Vua Lý Nhân Tông: Năm 1072, Tháng giêng, mùa xuân. Lý Thánh Tông mất. Nhà vua mất ở điện Hội Tiên; đặt tên thụy là Ứng Thiên sùng nhân chí đạo uy khánh long tường minh văn duệ vũ hiếu đức thánh thần hoàng đế, miếu hiệu là Thánh Tông, ở ngôi 17 năm, thọ 50 tuổi. Thái tử Kiền Đức lên ngôi, đổi biên hiệu mới tức là Lý Nhân Tông. Tôn mẹ già (đích mẫu) là Thượng Dương thái hậu Dương thị làm hoàng thái hậu, mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi (không rõ họ là gì) làm hoàng thái phi[5].

– Vua Lý Thần Tông: Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ 1 [[1127] Tháng 12. Vua không khỏe… Ngày Đinh Mão, vua băng ở điện Vĩnh Quang. Hoàng thái tử lên ngôi trước linh cữu…Ngày Nhâm Ngọ, các quan dâng biểu xin quàn linh cữu ở điện Hồ Thiên. Ngày Quý Mùi, các quan mặc áo trở ở ngoài gác Vĩnh Bình. Ngày Giáp Thân, các quan dâng biểu xin vua ngự chính điện. Ngày Ất Dậu, vua bắt đầu ngự điện Thiên An coi chầu[6].

– Vua Lý Anh Tông: Mậu Ngọ, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 6 [1138].  Tháng 9, vua không khỏe… Ngày 26, vua băng ở điện Vĩnh Quang, quàn ở thềm phía tây điện ấy. Các quan dâng tôn hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông. Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi. Đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu[7].

– Vua Lý Cao Tông: Ất Mùi, [Thiên Cảm Chí Bảo] năm thứ 2 [1175]. Mùa xuân, tháng giêng, sách lập Long Trát làm Hoàng thái tử, ở Đông cung. Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thụy Quang….Thái tử Long Trát lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu[8].

– Vua Lý Huệ Tông: Canh Ngọ Trị Bình Long Ứng năm thứ 6 [1210]. Mùa đông, tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu vào nhận mệnh ký thác. Ngày Nhâm Ngọ vua băng ở cung Thánh Thọ[9]. Hoàng thái tử Sảm lên ngôi ở trước linh cữu bấy giờ mới 16 tuổi. Tôn mẹ là Đàm thị là Hoàng thái hậu, cùng nghe chính sự.

– Vua Lý Chiêu Hoàng: Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 4 [1224], Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn…

Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương hữu đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng[10].

Theo điển lễ cổ thì khu vua băng hà phải định ngay người nối ngôi. Khi đã chôn quàn rồi, thì phải lập người nối ngôi. Sau đó sang năm mới đổi niên hiệu. Tuy nhiên từ đời Hán về sau, thái tử lên ngôi trước linh cữu lấy ngày thay cho tháng, đổi niên hiệu. Hầu hết các vua nhà Lý đều lên ngôi do vua băng hà và lên ngôi trước linh cữu ảnh hưởng bởi điển lễ từ nhà Hán.

  1. Lễ Đăng quang thời Trần

Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của nhà Trần có công trong việc ổn đinh xã hội sau khi giành được quyền lực từ nhà Lý. Ông là người khai mở nhiều đường lối, chính sách và các quy định để xây dựng và ổn định đất nước trong đó có chế độ Thái thượng hoàng và chính sách này xuyên suốt cả thời gian tồn tại của vương triều Trần.

Thái thượng hoàng là từ ngữ chỉ người cha của vua dù đang còn sống hay đã mất. Thái thượng hoàng (chữ Hán: 太上皇), cũng gọi Thái thượng hoàng đế (太上皇帝), giản xưng Thượng Hoàng (上皇), là một tước vị mang ý nghĩa là “Hoàng đế bề trên”, địa vị cơ bản được xem là trên danh vị Hoàng đế. Ở Trung Quốc, danh xưng Thái thượng hoàng được xuất hiện vào thời nhà Tần. Theo Sử ký Tư Mã Thiên năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã truy tôn cha là Trang Tương vương làm Thái thượng hoàng. Còn ở nước ta, dưới thời vua Lý Thần Tông (1128-1138), danh xưng Thái thượng hoàng lần đầu tiên được xuất hiện nhưng sự suy tôn này hình thức là sự phong hiệu thể hiện sự tôn kính (tương tự với những lễ tấn tôn Thái thượng hoàng dưới thời Lê). Đến thời Trần thì danh hiệu Thái thượng hoàng đã không còn chỉ là danh hiệu mà đi kèm với cả đó là quyền lực chính trị. Thái thượng hoàng đã có một vị  trí đáng kể đóng vai trò lãnh đạo tối cao trong triều. Các vua Trần đã quyết định nhường ngôi cho con lên ngôi Thái thượng hoàng. Trên thực tế, quyền lực của Thái thượng hoàng là vô thượng, bao trùm lên cả quyền lực của nhà vua đang tại vị, tham gia  trực tiếp hoặc gián tiếp các công việc triều chính, từ những việc trọng đại như kế sách đánh giặc, đối ngoại bang giao đến công việc hàng ngày.

– Vua Trần Thái Tông: Năm 1225, tháng 12, ngày 11 Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế[11].

– Vua Trần Thánh Tông: Năm 1258, tháng 2, ngày 24, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Hoảng, lui ở Bắc Cung. Thái tử lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiệu Long năm thứ 1. Đại xá. Vua tự xưng là Nhân Hoàng, tôn thượng hoàng là Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế[12].

Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép rằng: Tháng 2, nhà vua truyền ngôi cho Hoàng thái tử là Hoảng. Sau khi Thái Tử lên ngôi, tôn nhà vua làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái thượng hoàng đế. “Thái tử đã lên ngôi, xưng hiệu là Nhân Hoàng; bầy tôi dâng tôn hiệu là Kiến Thiên thể Đại Minh, Quang Hiếu Hoàng đế (tức là Thánh Tông). Lời bàn của Ngô Sĩ Liên – Gia pháp họ Trần, khi Thái tử đã khôn lớn thì cho nối ngôi chính thống ngay, mà vua cha thì lui về ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cha con vẫn cùng nhau giữ chính quyền trong nước. Thực ra, chỉ truyền ngôi vua để phòng nếu khi vội vàng thì ngôi vua sau này đã được ổn định đó thôi, còn các công việc đều do Thượng hoàng quyết đoán. Khi Thượng hoàng còn thì ông vua nối ngôi sau này cũng không khác gì Thái tử. Việc này có lẽ theo nghĩa trong kinh dịch là quẻ Kiền lui về tây bắc mà quẻ Chấn tiến lên phương đông vậy. Phép truyền ngôi vua này của nhà Trần cũng hay, có thể bắt chước được[13].

– Vua Trần Nhân Tông: Mậu Dần năm thứ 6 [1278], mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho thái tử Khâm. Khâm lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hiểu Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế, tôn Thiên Cảm hoàng hậu làm Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu. Bầy tôi dâng tôn hiệu là pháp Thiên Ngực Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế[14].

– Vua Trần Anh Tông: Quý Tỵ, [ Trung Hưng] năm thứ 9 [1293], mùa xuân, tháng 3 ngày mồng 9, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử Thuyên. Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ 1, đại xá, tự xưng là Anh Hoàng, tôn Thượng hoàng làm Hiên Nghiêu Quang Thánh Thái Thương Hoàng Đế, tôn Bảo Thánh hoàng hậu làm Khâm Từ Báo Thánh hoàng thái hậu. Quần thần dâng tôn hiệu là Ứng Thiên Quảng vân Nhân Minh Thánh Hiếu Hoàng Đế. Phong bà phi làm Văn Đức phu nhân, rồi lại phế đi, lấy em gái Văn Đức làm Thánh Tư phu nhân[15].

– Vua Trần Minh Tông: Giáp Dần, [Hưng Long] năm thứ 22 [1314]. Mùa xuân, tháng 3. Ngày 18, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Mạnh. Thái tử Mạnh lên ngôi hoàng đế, đổi biên hiệu là Đại Khánh năm thứ 1. Đại xá. Vua tự xưng là Ninh Hoàng, tôn Thượng hoàng là Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái Thượng Hoàng Đế; tôn Thuận Thánh hoàng hậu là Thuận Thánh Bảo Từ Thái Thượng hoàng hậu. Quần thần dâng tôn hiệu là Thể Thiên Sùng Hóa Khâm Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế[16].

– Vua Trần Hiến Tông: Kỷ Tỵ năm thứ 6 [1329]. Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 7, sách phong Đông cung thái tử Vượng làm Hoàng thái tử. Ngày 15, vua nhường ngôi, Vượng lên ngôi hoàng đế, đổi biên hiệu là Khai Hựu năm thứ 1. Đại Xá. Vua tự xưng là Triết Hoàng, Tôn Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế. Tôn Lệ Thánh hoàng hậu làm Hiến Từ thái thượng hoàng hậu (Hiến có sách chép là Huệ)[17].

– Vua Trần Dụ Tông: Tân Tỵ [Khai Hựu] năm thứ 13 [1341], ngày 21 tháng 8, cùng năm, Thượng hoàng ra chỉ lập Trần Hạo lên nối ngôi, tự xưng làm Dụ Hoàng (裕皇).[1] Vì ông lên ngôi khi còn nhỏ, mọi việc đều do Thượng hoàng quyết định.

– Vua Trần Nghệ Tông: Năm 1370, khi đất nước rơi vào tay Dương Nhật Lễ, Trần Phủ cùng Tuyên vương Kính và công chúa Thiên Ninh đem quân về kinh sư. Khi đến phủ Kiến Hưng (phía Tây Nam Định) tuyên chiếu phế truất Dương Nhật Lễ làm Hôn đức công. Ngày 15 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Nghĩa Hoàng tức Nghệ Tông, đổi niên hiệu là Thiệu Khánh.

Vua Trần Duệ Tông: Ít lâu sau khi lên ngôi, Trần Nghệ Tông lên làm Thái thượng hoàng vào năm 1372, nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông. Nhâm Tý, [Thiệu Khánh] năm thứ 3 [1372]. Tháng 11, ngày mồng 9, vua nhường ngôi cho hoàng thái tử Kính. Kính lên ngôi hoàng đế. Đại xá. Vua tự xưng là Khâm hoàng. Các quan dâng tôn hiệu là Kế thiên ứng vận khâm minh hoàng đế. Truy tôn mẹ sinh ra là Quang Hiến thần phi là Đôn Từ hoàng thái phi. Phong bà phi họ Lê làm Hiến Trinh thần phi[18].

– Vua Trần Thuận Tông: Mậu Thìn, Xương Phù năm thứ 12 [1388], Tháng 6, ngày 27 Thượng hoàng lập con út là Chiêm Định Vương Ngung làm hoàng đế. Ngung lên ngôi đổi niên hiệu là Quang Thái năm thứ 1, đại xá tự xưng là Nguyên Hoàng[19].

– Vua Trần Thiếu Đế: Mậu Dần, Quang Thái năm thứ 11 [1398], mùa xuân, tháng 3, ngày 15. Lê Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An[20]. Vua nghe lời, rồi Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo vào cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại, mời vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho Hoàng thái tử. Tờ chiếu nhường ngôi đại lược nói: Hoàng tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ 1. Đại Xá. Tôn Khâm Thánh hoàng hậu là Hoàng thái hậu. Khi ấy Thái tử mới lên 3 tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy, Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho thái tử lạy theo[21].

Như vậy, trừ trường hợp Vua Trần Nghệ Tông lên ngôi và Trần Thuận Tông bị ép nhường ngôi cho Trần Thiếu Đế thì dưới thời Trần, thì các Thái Thượng hoàng vẫn nắm trong tay quyền lực chính trị rất mạnh, vẫn quan tâm đến chính sự và vẫn có quyền hành, kể cả quyền phế truất vua nọ, lập vua kia. Thượng hoàng ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ. Cũng có khi Thượng hoàng đột xuất lên kinh đô để kiểm tra công việc chính sự của vua. Đời nhà Trần, từ Thái Tông về sau, đều làm theo lối nhường ngôi, vua thừa tự lên ngôi, toàn dùng lễ vui mừng, đó là gia pháp riêng của triều đại ấy mà không giống các triều đại khác. Lễ lên ngôi dưới thời Lý và thời Trần có tính chất khác nhau rất rõ rệt. Dưới thời Lý, khi vua băng hà định người nối ngôi, các vua Lý rất chú trọng đến việc nuôi dạy, tu dưỡng các hoàng tử để chọn lựa ra người xứng đáng nhất vào vị trí đứng đầu một nước. Những lời chăn chối cuối cùng của vua được các vị đại thần thực hiện trong lúc đồng thời tổ chức lễ quốc tang và cho thái tử lên ngôi. Còn dưới thời Trần, chế độ nhường ngôi của nhà Trần có tác dụng tích cực trên nhiều mặt đối với vương triều Trần. Không chỉ đào tạo nên những người trị vì đất nước tài giỏi và có đạo đức trong việc cai trị và quan lý đất nước. Sự tồn tại của chế độ này đã giúp cho vương triều Trần ổn định thịnh trị, đảm bảo sự thống trị của chế độ nhà nước trung ương tập quyền huyết thống.

  1. Lễ Đăng quang thời Lê

Vào thời Lê sơ, việc Đăng quang của các vua Lê cũng dưới hình thức tương tự như dưới thời Lý, chủ yếu là vua băng hà thì hoàng tử được nối ngôi.

Mở đầu triều đại Lê sơ đánh dấu bằng sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi lên ngôi vua mở đầu triều đại nhà Lê. Mậu Thân Thuận Thiên năm thứ 1 (1428), Mùa hạ, tháng 4, vua từ điện tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (tức là thành Thăng Long[22]. Các vua thời Lê sơ khi tình hình chính trị khá ổn định nên nghi lễ Đăng quang diễn ra giống thời Lý, chủ yếu các hoàng tử được lên ngôi theo chiếu của nhà vua.

– Vua Lê Thái Tông: Ngày 22 tháng 8 âm lịch năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời. Ngày 8 tháng 9 âm lịch năm 1433, thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi vua. Ông cho đại xá thiên hạ và quyết định đổi niên hiệu thành Thiệu Bình từ năm sau.

– Vua Lê Nhân Tông: Năm 1442Lê Thái Tông đi tuần miền đông. Ngày 4 tháng 8 âm lịch (7 tháng 9 dương lịch), hoàng đế đột ngột qua đời ở vườn Vải, huyện Gia Định, khi đó mới 20 tuổi. Ngày 12 tháng 8 âm lịch (15 tháng 9 dương lịch) năm 1442, các tể tướng, đại thần Lê KhảLê ThụLê XíLê LiệtLê Bôi lập Lê Bang Cơ (2 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thái Hòa (大和), sử gọi là Lê Nhân Tông (黎仁宗)[23]

– Vua Lê Thánh Tông : Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, niên hiệu Diên Ninh thứ 6, Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân đang đêm bắc thang lên tường thành, rồi chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân Tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế, Canh Thìn, Quang Thuận năm thứ 1 (1460), Tháng 6, ngày mồng 6, các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xưỡng nghĩa diệt bọn phản nghịch Đòn, Ban. Giáng Nghi Dân xuống tước hầu. Đón Gia vương lên ngôi Hoàng Đế. Ngày mồng 8, vua lên ngôi ở điện Tường Qua ng, đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, đại xá thiên hạ.

– Vua Lê Hiến Tông: Năm Hồng Đức thứ 28 (1497), tháng giêng, Lê Thánh Tông qua đời, Thái tử Lê Tranh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu, đại xá, lấy ngày sinh làm Thiên Thọ thánh tiết, tự xưng là Thượng Dương động chủ (上陽洞主)

– Vua Lê Túc Tông: Năm Cảnh Thống thứ 2 [1499], tháng 3 được lập làm Hoàng thái tử. Đến khi Hiến Tông băng, liền lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thái Trinh, lấy ngày sinh làm Thiên minh thánh tiết, tự xưng là Tự Hoàng, sau được truy dâng tôn thụy, miếu hiệu là Túc Tông. Vua lên ngôi, xưng là Tự Hoàng làm lễ cáo trời đất tông miếu. Tôn tổ mẫu Trường Lạc hoàng thái hậu là Thái hoàng thái hậu[24].

– Vua Lê Uy Mục: Đến khi Lê Túc Tông mất, Huy Gia Thái hoàng thái hậu không chịu lập ông lên ngôi, mà muốn truyền ngôi cho người trong hoàng tộc là Lã Côi vương. Nguyễn Kính phi cùng đại thần Nguyễn Nhữ Vy bày mưu lừa Thái hoàng thái hậu ra khỏi thành, đóng cửa và nhanh chóng sắp xếp mới có thể đưa được ông lên ngôi. Thái hoàng thái hậu quay về không vui, bà cho rằng mẹ ông là người thấp hèn, nên ông cũng sẽ chẳng ra gì, điều này khiến Lê Tuấn oán hận Thái hậu.

Ngày 18 tháng 12, năm 1504, Lê Tuấn lên ngôi, tự xưng làm Quỳnh Đô động chủ (瓊都洞主), đặt niên hiệu là Đoan Khánh (端慶), đại xá thiên hạ.

– Vua Lê Tương Dực: Ngày 4 tháng 12, năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh tự lập làm Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Thuận (洪順). Ông lấy ngày sinh làm Thiên Bảo thánh tiết (天保聖節), tự xưng là Nhân Hải Động chủ (仁海洞主).

Đến thời Lê Trung hưng, tình hình chính trị rất phức tạp. Vua Lê là nắm ngôi nhưng quyền lực thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Đất nước rơi vào tình trạng lưỡng đầu chế, chúa Trịnh là người điều hành đất nước thậm chí việc lên ngôi của các vua Lê cũng là do chúa Trịnh điều khiển. Nhiều trường hợp do tranh giành quyền lực mà được lập đưa lên ngôi vị. Ngoài những vua mất và thái tử nối ngôi thì có nhiều trường hợp vua Lê nhường ngôi, như:

– Vua Lê Thần Tông: năm Dương Hòa thứ 9 (1643), xuống chiếu nhường ngôi cho Hoàng thái tử là Duy Hựu. Thái Tử lên ngôi ở điện Cần Chính.

Vua Lê Hy Tông: năm Chính Hòa thứ 26 (1705), mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu nhường ngôi cho hoàng thái tử là Duy Đường.

– Vua Lê Dụ Tông: năm Bảo Thái thứ 10 (1729), mùa hạ, tháng tư, nhường ngôi cho hoàng thái tử là Duy Phường. Thái tử lên ngôi tức Hôn Đức Công.

– Vua Lê Ý Tông: năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), tháng 5, nhường ngôi cho cháu là Duy Diêu, Duy Diêu lên ngôi đổi niên hiệu là Cảnh Hưng.

Nghi thức lên ngôi vua thời Lê và thời Lê Trung hưng có sự khác nhau rõ rệt. Do sự biến đổi chính trị rất phức tạp thời Lê Trung hưng thì bối cảnh của Lễ Đăng quang cũng thay đổi do sức ép chính trị của chúa Trịnh cho sự cầm quyền của vua Lê. Hay có thể nói, dưới thời Lê, Lễ Đăng quang diễn ra dưới cả hai hình thức: vua mất – hoàng tử lên ngôi và vua nhường ngôi – hoàng tử nhận ngôi. Nhà Lê từ Trung hưng về sau, bỏ vua nọ lập vua kia, quyền ở chúa Trịnh cả. Vua mất đi, thường thường tùy theo ý chúa muốn lập ai thì lập, con đích hay con thứ, ít tuổi hay nhiều tuổi, không cần gì cả. Như khi Thế Tông mất, thì bỏ thái tử mà lập con thứ; khi Thần Tông mất, thì qua 2 tháng mới lập vua; nắm lấy buông ra, quyền ở trong tay, không ai dám nói gì cả. Đương lúc bấy giờ, vua chỉ ngồi làm vì thôi. Gọi là định ngôi vua nối nghiệp, thì trong lúc ốm liên miên chưa từng được tự do, cho nên việc lập vua nối ngôi đại để quy công cho vương phủ cả. Như vậy, có thể thấy, đến thời Lê Trung hưng việc truyền ngôi và lễ Đăng quang của vua Lê chịu ảnh hưởng rất lớn từ quyền lực của các chúa Trịnh. Nghi lễ Đăng quang nói riêng và các nghi lễ cung đình nói chung có thể bị ảnh hưởng về quy mô, mức độ hoành tráng. Tuy nhiên, về diễn tiến của Lễ Đăng quang thì chỉ còn ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí và Lê triều hội điển nên đây là một tư liệu rất quý giá để chúng ta thấy được các bước nghi thức Lễ Đăng quang.

* Nghi thức Đăng quang thời Lê Trung hưng

 Nghi thức Hoàng tử được nhường ngôi, lên ngôi ban chiếu và vua nhận ngôi và ban chiếu (khi vua trước băng hà) có nét tương tự. Chỉ khác là vua lên ngôi ban chiếu (vua trước băng hà) thì có chép trước khi làm lễ lên ngôi thì sai làm lễ tế cáo trời đất và các điện miếu. Còn việc tế cáo điện miếu thần từ ở Thanh Nghệ và tứ trấn, truyền cho quan Tam ty lấy tiền công mua lễ vật mà làm. Quan hai ban văn võ, quan Ty lễ giám, quan Nhị ty các xứ, quan Phủ doãn và các quan trong kinh đều dâng lễ mừng theo thứ bậc.

Về nghi thức giống nhau của 2 hình thức này như sau:

Không gian nghi lễ: (về lễ lên ngôi dưới hình thức được nhận ngôi không ghi rõ là tổ chức ở điện nào nhưng khả năng lớn vẫn tổ chức ở điện Thị Triều vì thời Lê Trung Hưng, điện Kính Thiên đã trở thành nơi thờ trời đất). Ty Thượng thiết đặt tọa ngự ở giữa điện Thị Triều, đặt sập Ngự ở bên tả, đặt bảo án ở phía đông tòa Ngự. Cục thừa dụ bày bàn hương phía nam điện. Ty Nghi vệ bày án để đạo chiếu và bốn chiếc tán vàng ở bên tả sân Đan Trì. Cục Thừa dụ bày hai chiếc kỷ gỗ để đạo chiếu bên tả sân Đan Trì (hơi lui xuống phía tây). Tướng sĩ Tam ty thủ vệ bày biện cờ phướn theo nghi thức. Ty giáo phường bày dàn bát âm ở hai bên sân Đan Trì. Tướng sĩ và Thiên bá hộ ty Nghi vệ nâng tàn vàng đứng ở hai bên án để chiếu.

Văn võ bá quan chuẩn bị: Sáng sớm hôm đó, Thiết chế phủ vâng chỉ của Chúa thượng thân đưa các vị công, thần, hầu, bá quan văn võ đầy đủ phẩm phục đến sân điện. Quan Đạo lễ bẩm với Tiết chế phủ rồi vào ngồi tạm ở các điếm tả hữu. Bá quan đứng ở ngoài cửa Đoan Môn. Quan Triều yết đứng ở ngoài cửa Càn Nguyên.

Các quan chấp sự tham gia nghi lễ:  Các viên Chấp sự tiến vào trước. Hai viên Dẫn chiếu án[25] (dùng quan Hàn lâm), một viên Tuyên chiếu (dùng quan Đông các), hai viên Mở chiếu (dùng quan Hàn lâm), một viên Điển lễ (dùng quan Bộ Lễ) đều đứng ở phía tây Đan Trì. Một viên Đại Trí từ[26] (dùng quan Thị lang) đứng bên hữu Đan Trì (cũng hướng đó). Hai viên Tự ban đứng ở hai bên, ngoài cửa Đoan Môn (cùng hướng). Một viên ty Nghi vệ đứng bên tả sân Đan Trì. Hai viên nhạc quan đứng ở hai bên sân Đan Trì, chỗ đặt dàn đại nhạc (hướng bắc). Bốn viên vút roi đứng ở hai bên phía Nam sân Đan Trì.

  • Các bước diễn ra nghi lễ:

Rước vua từ điện Vạn Thọ lên ngai: Quan Ty lễ giám đứng ở điện Vạn Thọ chờ Hoàng thượng nhận chiếu truyền ngôi xong thì quỳ xuống tâu xin Hoàng thượng lên kiệu rồng. Hoàng thượng đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào đai ngọc. Khi kiệu đi, quan Bưng đến sân điện Kính Thiên, chuông bắt đầu gióng lên. Quan Điệu lễ đưa Tiết chế phủ đến phía Đông sân Đan Trì (hơi chếch sang bắc). Hai viên Tự ban đưa quan đại thần dẫn đầu bá quan vào đứng hai bên sân Đan Trì. Hai viên quan dẫn triều yết ở bên ngoài cửa Đan môn. Hai viên Tự ban (đều ở hướng bắc) dẫn quan Bưng chiếu đứng ở cuối thềm. Rước Hoàng thượng lên ngai. Quan Bưng ấn đặt ấn lên án. Ngừng vút roi và gióng chuông.

Các quan hành lễ: Quan Thông tán (dùng quan Cáp môn) xướng: “Bài ban”. Quan điệu lễ đi ra vị trí cũ, cùng bá quan sắp xếp theo ban. Quan Thông tán xướng “ban tề” (Ngoại tán cũng xướng như vậy) lại xướng “Cúc cung bái” (Vái bốn lần) “Hưng, bình thân”.

Tuyên chiếu: Quan Bưng chiếu đến giữa đường Ngự đạo quỳ tâu xin truyền chỉ, phủ phục xuống Một viên quan Ty lễ giám bưng chiếu trao cho quan Bưng chiếu rồi đi chếch ra phía đông đứng. Quan Bưng chiếu đặt đạo chiếu lên án. Hai viên quan Dẫn chiếu dẫn bốn viên Tự ban vào nâng án để đạo chiếu lên, bốn viên Thiên hộ, Bá hộ nâng tán vàng che hộ vệ, từ bên tả sân Đan trì đi hơi quá lên, đặt ở giữa đường Ngự đạo. Quan Bưng chiếu đến bên án nhận chiếu. Quan Tuyên chiếu, quan Mở chiếu đều đứng lên trên chiếc kỷ gỗ, quan Bưng chiếu, trao chiếu cho quan Tuyên chiếu qua Tuyên chiếu nhận chiếu hô “Hữu chiếu”[27]. Quan Thông tán xướng: “bá quan giai quỵ” (Ngoại tán cũng xướng như vây”. Quan Tuyên chiếu lấy chiếu trao cho quan mở chiếu. Quan Mở chiếu nhận lấy mở ra. Quan Tuyên chiếu tuyên chiếu xong, cầm chiếu trao cho quan Bưng chiếu. Quan Tuyên chiếu, quan Mở chiếu đều xuống khỏi kỷ, đi ra vị trí cũ đứng. Quan Bưng chiếu đến giữa đường Ngự đạo quỳ xuống dâng lên. Quan Tư lễ giám nhận chiếu đặt lên án, đi chếch ra phía đông đứng. Quan Bưng chiếu phục xuống rồi đứng lên đi ra vị trí cũ. Hai viên quan Dẫn chiếu dẫn bốn viên Tự ban bâng án để đạo chiếu, các viên Thiên, Bá hộ nâng tán vàng che hộ vệ, đưa đến đặt lại ở bên tả sân Đan trì rồi phủ phục xuống. Quan Thông tán xướng: “cúc cung bái” (Vái bốn vái) “Hưng, bình thân” (Ngoại tán cũng xướng như vậy).

– Văn võ bá quan tâu chúc mừng: Quan Đại trí tự đến giữa đường Ngự đạo quỳ xuống. Quan Thông tán xướng bá quan giai quỵ”. Quan Đại trí tự tâu rằng: “Thần là Khâm sai tiết chế thủy bộ chư doanh vâng chỉ của Chúa thượng đưa các vị công, thủy bộ chư doanh vâng chỉ của chúa thượng đưa các vị công, hầu, bá và văn võ bá quan đến kính cẩn dâng lời rằng, nay khâm phụng Hoàng thượng bệ hạ lên ngôi báu, xuống chiếu ban ân, mọi người đều vui, muôn chúc cùng chung. Chúng thần khôn xiết hân hoan, hết lời chúc tụng. Kính chúc “vạn vạn tuế” rồi phủ phục xuống, xong đứng lên đi ra vị trí cũ. Quan Thông tán xướng: “Phủ phục, hưng, cúc cung bái, “Hưng, bình thân”.

Văn võ bá quan chúc mừng: Lại xướng “Cúc cung” (nhảy múa ba lần). Lại xướng “Tung hô” ba quan đều giơ tay trước trán hô theo “Vạn tuế” (Khi xướng Tung hô, các hiệu quân và nhạc cung cùng hô theo “vạn tuế”). Lại xướng: “Phủ phục, hưng bình thân” (vái bốn vái) “Hưng, bình thân”. Lại xướng: “bá quan phân ban đứng hầu”.

– Xin mang chiếu ra Quảng văn đình và ban hành các xứ: Quan Điệu lễ đưa Tiết chế phủ đến đứng trước vị trí Đông cung. Bá quan đi ra, đến ban của mình đứng. Quan Hồng lô tự dưới ban ở bên tả sân Đan trì đến giữa đường Ngự đạo quỳ xuông tâu rằng: “Khâm sai đưa chiếu đến Quảng Văn đình và đưa đến ban hành ở các xứ. Tổng cộng là 13 viên” tâu xong, phục xuống  rồi đứng dậy đi ra chỗ cũ. Quan Điển lễ xướng: “Nhận chiếu”. Quan Bưng chiếu và các quan đưa chiếu đến giữa đường Ngự đạo vái năm vái, khấn đầu ba lần. Một viên quan Ty lễ giám lấy trước một đạo chiếu ân xá trao cho quan Bưng chiếu, một viên bưng 12 đạo chiếu trao cho các quan đưa chiếu nhận lấy rồi từ đường Ngự đạo đi ra. Trống nhạc đưa quan Bưng chiếu đưa chiếu đến Quảng văn đình treo lên. Các quan đưa chiếu bưng chiếu đi các nơi. Các viên Chấp sự tiến vào thứ tự theo ban, vái năm vái, khấn đầu ba lần rồi đứng lên đi ra vị trí cũ.

– Lễ tất: Ty Nghi chế đến giữa đường Ngự đạo quỳ xuống tâu: “Lễ tất”. lại vút roi rước Hoàng thượng lên kiệu về cung, Tiết chế phủ về phủ. Bá quan lần lượt đi ra[28].

  1. So sánh Lễ Đăng quang thời Lê và đầu thời Nguyễn

Xét về lễ Đăng quang dưới thời Nguyễn chúng ta cũng nên chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu khi các vua Nguyễn kiến thiết xây dựng chế độ quân chủ đã để lại rất nhiều dấu ấn trong lịch sử, là thời đại hoàng kim của triều đại cuối cùng trong chế độ phong kiến Việt Nam. Đặc biệt là những nghi lễ cũng được triều đình hết sức lưu tâm và ghi chép cẩn thận trong các bộ sử. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đề cập đến lễ Đăng quang của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức để thấy được sự khác nhau giữa Lễ Đăng quang đầu thời Nguyễn và Lễ Đăng quang thời Lê Trung Hưng.

Vua Gia Long có mấy mốc lên ngôi.  Đầu tiên, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vương từ năm 1780, vào đúng ngày mùng Một tháng Giêng năm Canh Tý âm lịch, tại thành Gia Định, khi vẫn còn trong quá trình chiến tranh với nhà Tây Sơn. Khi vua mới quyền coi quốc chính, quần thần đều khuyên lên ngôi. Vua cho rằng thù nước chưa trả xong, nhún nhường không chịu, quần thần hai ba lần nài xin, vua mới theo, lên ngôi vương.

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, đến năm Nhâm Tuất (1802), vào ngày 2 tháng 5 âm lịch, chúa Nguyễn Ánh làm lễ đặt niên hiệu là Gia Long, chính thức xác lập sự hình thành của triều đại mới. Trước ngày trọng đại này, ngày 1 tháng 5, triều đình lập đàn ở đồng An Ninh hợp tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu. Ngày 2 tháng 5, từ sáng sớm, nhà vua làm lễ kính cáo vong linh các tổ tiên. Làm lễ xong, vua ngự ở điện, nhận lễ chầu mừng, rồi ban chiếu đại xá cho cả nước.

Từ sự kiện này, mà sau này đến thời vua Khải Định, triều Nguyễn quyết định lấy ngày 2 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày “quốc khánh”. Đầu tiên, năm 1918 gọi lễ này là “Lễ kỷ niệm”, sang năm 1919 đặt lại là lễ “Khánh niệm Hưng quốc”, tổ chức định kỳ về sau.

Đầu năm 1804, vua Gia Long ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh. Đến năm Gia Long thứ 5 (1806), ông mới lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, bài viết so sánh cụ thể về nghi tiết nên sẽ lấy mốc năm 1806 được ghi chép cụ thể trong chính sử.

Vấn đề Lễ Đăng quang thời Lê Trung hưng Lễ Đăng quang vua Gia Long (1806) Lễ Đăng quang vua Minh Mạng (1820) Lễ Đăng quang vua Thiệu Trị (1841), vua Tự Đức (1847)

Nghi trượng ngoài Đoan Môn

 

  Nghi trượng cờ xí, tàn quạt và voi hầu, ngựa hầu theo thứ tự bày hàng ở điện Thái Hòa và hai bên tả hữu ngoài cửa Đoan Môn

 

Kỳ đài treo cờ vàng

Quan quân trung hầu, thị nội đều mang 10 cái giáo và kiếm – tiểu hầu bày nhã nhạc, chủ ở bên ngoài Đoan Môn

 

Kỳ đài treo cờ khánh hỉ các màu. Biền binh đặt đại giá lỗ bộ sau điện Thái Hòa và phía nam cầu Kim Thủy ở ngoài Ngọ Môn

– Đặt một long đình ở trước cửa chính giữa Ngọ môn, trên để cái mâm vẽ mây, che tàn hay lọng

Âm nhạc

 

Ty giáo phường bày dàn bát âm ở hai bên sân Đan Trì

 

Hai bộ đại nhạc, tiểu nhạc ở ty nhất nhạc kính chờ ở sân điện Cần Chánh

 

Đại nhạc, tiểu nhạc đều bày ra nhưng không nổi nhạc

 

Đặt nhạc huyền ở phía đông, phía tây bệ rồng; đặt đại nhạc ở hai bên tả hữu thềm. Không nổi nhạc

 

Điện Thị Triều (Lê Trung hưng/

điện Thái Hòa (thời Nguyễn)

 

Tọa ngự ở giữa điện Thị triều, đặt sập Ngự ở bên tả, đặt bảo án ở phía đông tòa Ngự. Cục thừa dụ bày bàn hương phía nam điện

 

Kim sách ở án giữa ở trên thềm chính giữa điện Thái Hòa; lại đặt án phía nam lư hương, để chờ đặt hộp đựng kim sách; đặt án để tờ chiếu ở gian bên tả điện, hướng sang phía tây, để đặt hòm đựng đại cáo chiếu văn

 

Án vàng ở giữa điện

– Bảo án ở gian thứ 2 bên hữu: quan mang hòm chiếu văn, hòm ấn vàng, hộp son đặt lên trên án ở gian thứ hai bên hữu

– Đặt 1 án để tờ chiếu ở trước bảo án, hướng sang phía Đông

– Đặt 1 án để kim sách ở dưới thềm gian thứ hai bên hữu: mang kim sách và hộp biểu, lễ điệp đặt lên án dưới thềm gian thứ hai bên hữu

 

Đặt 2 án vàng ở phía nam ngai vàng điện Thái Hòa:

+ Nội các lĩnh hòm ấn ngọc của vua và kính đệ hộp son, ống kim phượng đựng tờ chiếu đều theo thềm giữa điện Cần Chánh, che bằng tàn lọng, đưa đến điện Thái Hòa, đặt hòm ấn ngọc của vua, ống vẽ kim phượng đựng tờ chiếu lên án vàng thứ nhất ở chính giữa;

– Đặt hộp son lên án sơn son thứ nhất ở gian thứ hai bên tả

 – Đặt 2 án sơn son ở gian thứ hai bên tả ở hàng cột trước, đều hướng về phía nam: Bộ Lễ kính bưng hòm kim sách, hòm biểu mừng, hòm lễ mừng đặc lên án sơn son thứ nhất ở gian thứ bên tả

 

Nghi trượng ngoài sân Rồng (thời Lê Trung hưng)/ Thái Hòa

Sân điện Thái Hòa

 

Án để đạo chiếu và bốn chiếc tán vàng ở bên tả sân Đan Trì. Cục Thừa dụ bày hai chiếc kỷ gỗ để dọ chiếu bên tả sân sân Đan Trì (hơi lui xuống phía tây).

– Bày biện cờ phướn theo nghi thức

 

Phía hữu dưới điện, đặt một án để đặt hòm đựng kim sách, hòm đựng biểu mừng

 

Ty Loan nghi mang hai lọng vàng đến phía dưới ban hữu ngoài sân

 

 
Quan chấp sự ở sân điện

 

Quan Đạo lễ bẩm với Tiết chế phủ rồi vào ngồi tạm ở các điếm tả hữu

 

Các quan văn võ đều đến sân điện Thái Hòa chia ra 2 bên tả hữu để kính chờ.

 

Các hoàng thân công, các quan văn vũ mặc áo mũ đại triều chia ban đứng hầu (các hoàng thân công bày hàng ở trên điện, các quan văn vũ bày hàng ở dưới điện  
  Các viên Chấp sự tiến vào trước

+2 Dẫn chiếu án (dùng quan Hàn lâm), 1 Tuyên chiếu (dùng quan Đông các), 2 mở chiếu (dùng quan Hàn lâm), 1 Điển lễ (dùng quan Bộ Lễ) đều đứng ở phía tây Đan Trì. 1 Đại Trí từ (dùng quan Thị lang) đứng bên hữu Đan Trì (cũng hướng đó). 2 Tự ban đứng ở hai bên, ngoài cửa Đoan Môn (cùng hướng. 1 ty Nghi vệ đứng bê tả sân Đan Trì. 2 nhạc quan đứng ở hai bên sân Đan Trì, chỗ đặt dàn đại nhạc (hướng bắc). 4 vút roi đứng ở hai bên phía Nam sân Đan Trì

 

Một viên mang kim sách đứng ở phía hữu trên thềm điện. Một viên nhận kim sách đứng ở phía tả trên thềm điện.

Một viên Tuyên chiếu và hai viên phụ việc tuyên chiếu đứng ở phía tả, trên thềm điện. Một viên Ban chiếu và hai viên đệ chiếu đứng ở dưới thềm phía tả điện ngoài ban.

Một viên Tâu sách và hai viên phụ tâu sách, một viên Tâu biểu và hai viên phụ tâu biểu đều đứng bên án ngoài ban.

Thông tán 4 viên chia đứng hai bên tả hữu dưới thềm điện. Một viên dẫn tán đứng ở bên tả ban.

– Một viên quan chờ độ chiếu văn. Thừa chế đứng ở chái đông trên điện, hơi về phía nam

 

 

So sánh về các bước thực hành nghi lễ [29]

Các bước nghi lễ Lễ Đăng quang thời Lê Trung hưng Lễ Đăng quang vua Gia Long (1806) Lễ Đăng quang vua Minh Mạng (1820) Lễ Đăng quang vua Thiệu Trị (1841), vua Tự Đức (1847)
  – Vua ngự ở điện Cần Chánh

– Vua nhận chiếu truyền ngôi

– Rước sang điện Thị Triều

Các quan vào sân Đan Trì

– Rước Hoàng thượng lên ngai

Đặt ấn lên án

Quan vào hàng ngay ngắn

– Làm lễ bái vua

– Truyền chiếu

– Tuyên chiếu

– Tấu chúc mừng

– Đại trí từ quỳ  tâu chúc mừng vua

– Bá quan văn võ tung hô chúc mừng: lễ 5 lạy, tung hô “Vạn tuế”

– Mang chiếu ra Quảng Văn đình và các xứ

– Lễ tất

 

– Vua ngự điện Cần Chánh

– Rước vua sang điện Thái Hòa

– Vua lên ngai. Dâng hương

Các quan sắp hàng hành lễ 5 lạy rồi đều quỳ

– Hành tấu sách lễ: đọc văn sách

– Hành tiến sách lễ: Mang kim sách => đầu ban nhận đưa ngang trán tiến lên => nhận sách cất vào án=> quỳ=> quan đầu ban về chỗ=> lạy 5 lễ

-Tuyên chiếu

-Tiến hạ biểu

-Quan làm lễ 5 lạy

-Bắn súng mừng

Đại nhạc nổi=> quản tiểu truyền bắn súng=> bắn 9 phát=> Kỳ lão dân chúng mừng 5 lạy => tạ ơn 5 lạy

Truyền chỉ ban cho tiền án tiệc

Vua nhận kim sách về cung Cần Chánh

Hoàng tử hoàng tôn… lễ 5 lạy chúc mừng vua.

Thu ban

– Ngự ở điện Cần Chánh:

– Rước vua sang điện Thái Hòa

– Bắn ống lệnh. Dâng hương

– Quan hành lễ

– Hành lễ tiến tôn

– Khánh hạ dâng biểu

– Đóng ấn

– Tuyên chiếu

– Xin ban bố chiếu văn

– Bắn súng mừng

– Vua về cung được chúc mừng

Đường quan bộ Lại mang các đạo chiếu phân phát cho các thành, doanh, trấn

 

 

-Vua ngự ở điện Cần Chánh

-Rước vua sang điện Thái Hòa

– Bắn 9 phát ống lệnh

– Vua ngự lên ngai. Quan giữ hương đốt hương.

– Bách quan bày hàng lễ 5 lạy làm lễ tấn tôn.

– Phụng thượng kim sách: đọc kim sách

– Đọc biểu

– Dùng ấn ngọc đóng vào chiếu

-Vua về điện Cần Chánh, các quan bưng biểu mừng và lễ mừng bưng. Hai viên chia nhau bưng hòm ấn ngọc, hộp son đệ vào cung

các hoàng ấu tử… làm lễ lạy mừng

– Rước chiếu ra Ngọ Môn

– Tuyên chiếu ngoài Ngọ Môn

– Lệnh cho mang chiếu văn ra khắp cả nước.

 

Lễ Đăng quang thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn về đại thể diễn ra dưới hai tầng không gian chính. Đó là rước vua từ nội điện đến nơi thực hành nghi lễ dưới thời Lê là điện Vạn Thọ sang điện Thị Triều (điện Kính Thiên đã trở thành nơi thờ trời đất), còn thời Nguyễn là từ điện Cần Chánh sang điện Thái Hòa. Ở nội điện, là công tác chuẩn bị cho vua lên chính điện làm lễ Đăng quang như vua nhận chiếu, quốc bảo, mặc trang phục để lên ngai chuẩn bị được rước đi. Còn ở điện chính, là những nghi thức mang tính chất tuyên bố trước bá quan văn võ và ban chiếu cho toàn thể nhân dân đều biết về việc lên ngôi trên.

Về cụ thể nghi thức: lễ Đăng quang diễn ra thì thời Lê không có màn tuyên sách trong khi triều Nguyễn lại rất chú trọng đến nghi thức này. Theo ghi chép của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì nghi tiết của lễ Lên ngôi của các vua đầu triều Nguyễn này là do các quan Bộ Lễ nghĩ ra và soạn đặt định. Như vậy, ngoài sự kế thừa của những điển lệ trong nghi lễ thời Lê thì điểm khác biệt nhất so với lễ Đăng quang thời Lê đó là nghi thức dâng và tấu kim sách. Kim sách triều Nguyễn dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như: sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích. Việc chế tạo kim sách giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Vàng để chế tạo kim sách không phải vàng 10 tuổi mà là vàng non hơn để dễ chế tác nhưng được tinh luyện và được giám định rất tỉ mỉ. Người thể hiện thư pháp cũng đều là bậc đại bút trong Hàn lâm Viện. Sau đó, thợ thủ công mới khắc chữ đó lên vàng hoặc bạc mạ vàng. Lời kim sách văn nói đến bối cảnh đất nước lên ngôi vua cần một vị vua anh minh, sáng suốt trị vì đất nước. Lời sách do đích thân các hoàng đế tự biên soạn hoặc sai các danh nho, đại thần đương thời chấp bút nên hàm ý rất sâu sắc, vd kim sách lên ngôi của vua Minh Mạng như sau: “Đức lớn của trời đất là sinh muôn loài, chỉ ở trước sau vận hành không nghỉ, của quý của thánh nhân là ngôi vua, tốt nhất là truyền nhận giữ được đạo trung.

Kính nghĩ ngài Hoàng thế tử, phong tư tốt trời phú cho, đạo đức sáng ngày thêm mới; lầu rồng thăm hỏi, hiếu kính dốc lòng, cung hặc trang nghiêm, chân thành thảo thuận, muôn việc thay được, trên thì triều đế vui lòng; một đức cùng tin, dưới đáp thần dân mong mỏi; ẩn trau dồi đạo đức nơi tiềm đế bốn năm ròng, ngoài quận trong triều tất cả vui mừng tôn quí. Khi Tiên hoàng đế hấp hối, di chiếu truyền ngôi cho nối ngôi kế tục nghiệp lớn. Nay việc đã định, bọn tôi kính cẩn dâng kim sách, kính dâng tôn hiệu hoàng đế.

Cúi xin: nghĩ sự phó thác là quan trọng, hợp với lời xin của bề tôi, nối nghiệp lên ngôi báu, nơi theo nền nếp lớn, điều hòa cả nước, để nghiệp lớn muôn đời được vô cùng phồn thịnh. Bọn tôi rất mực trông mong, vui mừng khôn xiết”[30].

Diễn trình lễ Đăng quang của vua Gia Long thì tương đối giống với thời Lê Trung hưng về sau thời Minh mạng thì bổ sung nghi thứ đóng ấn lên chiếu, thời Thiệu Trị, Tự Đức thì có sự thay đổi lớn thay vì đọc chiếu tại sân điện Thái Hòa thì đọc sau khi hoàn thành tất cả những nghi thức khác thì vua về cung, thì mới rước chiếu ra ngoài Ngọ Môn, văn võ bá quan quỳ theo nghi thức và thực hiện nghi lễ tuyên chiếu rất trang nghiêm tại Ngọ Môn rồi mới ban về các địa phương công bố cho nhân dân cả nước đều biết.

Việc so sánh lễ Đăng quang của thời Lê mạt với đầu thời Nguyễn – thời kỳ hoàng kim khi các vị quân vương kiến thiết xây dựng đất nước và rất chú tâm đến việc thiết lâp hệ thống nghi lễ là không tương xứng tuy nhiên qua đây chúng ta thấy sự biến thiên, thay đổi của lễ Đăng quang theo dòng lịch sử. Sự phản ánh về mức độ hoành tráng và các bước của một nghi lễ không phản ánh đúng hoàn toàn lịch sử đã diễn ra và không mang tính phủ định giữa vương triều này và vương triều khác. Sự so sánh giữa các thời kỳ giúp các thế hệ sau trân quý những giá trị lịch sử của từng thời kỳ, của ông cha ta trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Dưới góc độ nghiên cứu về nghi lễ cung đình, dù trong hoàn cảnh sau chiến tranh, thiếp lập lại nền độc lập tự chủ và triều đại, thay đổi vương triều, có thể tái khẳng định đây là nghi lễ quan trọng nhất đối trong hệ thống nghi lễ triều hội của các triều đại phong kiến Việt Nam.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), tập 1, Nxb Khoa học Xã hội.

2. Việt sử lược (2005), Khuyết danh, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb Văn hóa Đông Tây.

3. Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

4. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí Viện KHXH, Viện sử học, Tập 1, Nxb Giáo dục.

5. Lê triều hội điển, Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại tập II (2011), NXB Khoa học xã hội.

6. Nội các triều Nguyễn (2007), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập IVA, Nxb Thuận Hóa.

7. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (2007), tập 2, NXb giáo dục.

8. Đại Việt sử ký tiền biên (1997), Viện nghiên cứu Hán nôm, Nxb KHXH.

10. Đại Nam thực lục (2002), Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1,2,6,7 NXb Giáo dục.

11. Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ (2005), Nội các triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa.

12. Lý Nham Hinh, Cố Đạo Hinh, Vương An Hậu, Hàn Quảng Trạch, Nguyễn Tiến Đoàn dịch (2006), Sinh hoạt trong cung đình Trung Quốc, Nxb Lao động.

13. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (1992), Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 248

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 250

[3] Việt sử lược, Khuyết danh, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb Văn hóa Đông Tây, 2005, tr.78

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 276

[5] Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXb giáo dục, 2007, tr.328

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 297

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 311

[8] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 326

[9] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tr. 334

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 1, tr. 338

[11] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 1, tr. 340

[12] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 29

[13] Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, NXb giáo dục, 2007, tr.379

[14] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 43

[15] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 69

[16] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 99

[17] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 114

[18] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 156

[19] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 176

[20] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 193

[21] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 194

[22] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 294

[23] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 2, tr. 354

[24] Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH, 1998, tập 3, tr. 34

[25] Dẫn chiếu án: đưa đến án để chờ chiếu

[26] Đại trí từ: thay lời phủ Tiết chế

[27] Có chiếu

[28] Điển chế và pháp luật Việt nam thời trung đại, Lê triều hội điển, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, 2011, tr. 160-162

[29] Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Viện KHXH, Viện sử học, Nxb Giáo dục,2007, tr. 773; Khâm định Đại nam hội điển sự lê, Tập IV, NXB Thuận Hóa, 2005, tr.77-82

[30] Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ, Nội các triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr. 87

Đinh Thị Nguyệt

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button