Thăng long – Hà Nội: Đất nghề, đất học
Thăng Long – Hà Nội xưa, xuất hiện đồng thời với sự hình thành của Nhà nước Trung ương tập quyền và sự thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến. Lịch sử ngàn năm Thăng Long – Hà Nội gắn liền với lịch sử trưởng thành của dân tộc.
Chính lịch sử và sự thiên phú cùng làm nên một Thăng Long hội tụ. Sự hội tụ của Thăng Long càng dầy lên qua thời gian. Đền miếu chùa tháp trên đất Thăng Long không chỉ còn là của các vua chúa phong kiến mà từ trong tâm linh đã trở thành danh thắng riêng có của Thăng Long. Một tiếng chuông Trấn Vũ, một sự ghi nhận công lao trấn trị nơi Quán Thánh đã bao hàm nên một Thăng Long của nhân dân.
Nhân tài hội tụ, giao lưu rộng mở. Hoạt động kinh tế của Thăng Long ngày càng phát triển, các phường phố được mở mang nhiều. Dấu ấn đặc biệt theo suốt từ thuở định đô cho mãi tới giờ đó là việc hình thành phường hội. Chẳng biết từ đâu câu truyền khẩu “buôn có bạn, bán có phường” lại phù hợp đến thế đối với đất Thăng Long. Trên vùng đất Thăng Long các phường hội in đậm tính chất nghề nghiệp hơn là tính chất hành chính. Từ thời Lý, Trần ở hai bên tả hữu hoàng thành đã lập nên khu vực kinh tế. Lịch sử còn ghi thời ấy có 61 phường, những tên phường tôn vinh người có công đồng hành bên cạnh những tên phường ngành nghề thuần túy. ở Thăng Long thời kỳ này phường ngành nghề thủ công có lẽ là những phường đông đảo nhất, hội đủ tinh hoa cả nước nhất. Cũng thời kỳ này nghề làm gốm phát triển rực rỡ bên cạnh nghề làm đồ đồng, nghề chạm bạc tạo nên nét tinh xảo tài hoa của người Thăng Long. Nét đặc biệt nữa là chính các phường ngành nghề thủ công ấy lại là nơi vừa sản xuất vừa trực tiếp buôn bán cho người tiêu thụ. Quan hệ giữa thủ công và kinh tế hàng hóa tuy còn nặng tính tự cung, tự cấp nhưng đã khẳng định Thăng Long không chỉ là kinh đô mà còn có một Thăng Long kinh tế đa dạng, phong phú và đại diện cho mọi miền trong cả nước.
Năm 1070, nhà Lý cho lập lại kinh thành Thăng Long một nhà Văn Miếu để thờ Khổng Tử, người sáng lập ra Nho học và lấy đó làm nơi để các Thái tử học tập. Và 6 năm sau cũng chính nhà Lý đã nhận thức rằng việc học là nền tảng tiếp của xã hội nên cho lập trường Quốc Tử Giám bên nhà Văn Miếu. Chế độ khoa cử được ra đời theo đó và những người thi đỗ được bổ dụng làm quan.
Coi trọng việc học tức là coi trọng cái gốc tâm hồn của xã hội, các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt là đời Lý – Trần đã biết dựa vào việc mở mang trí thức để hình thành nên chế độ tập trung Trung ương. Từ việc tiếp thu kiến thức sẵn có đã bước sang việc tiếp thu kiến thức hội nhập và điều quan trọng hơn trong nhận thức của các triều đại phong kiến Việt Nam lúc đó là: xây dựng và xác lập một nền văn hóa – văn hiến riêng của dân tộc Việt Nam. Từ đó khẳng định chủ quyền Nhà nước, tạo dựng thành bản lĩnh văn hóa Việt Nam – văn hiến Thăng Long. ý thức coi trọng việc học còn là mặt tích cực đáng ghi nhận của chế độ phong kiến Việt Nam, nó phản ánh một xã hội phong kiến biết dựa vào dân, biết lấy dân làm gốc và chính nhân dân từ đó đoàn kết một lòng, xây dựng và đấu tranh bảo vệ cho chính Nhà nước phong kiến. ý thức coi trọng việc học tạo nên một hình ảnh tươi đẹp đời sống sinh hoạt văn hóa nơi đô hội – cho thấy đây không chỉ có làm ăn mà còn có học, học để làm ăn, để phát triển kinh tế, mở mang đô thị. Đúng như Giáo sư – Nhà văn hóa Vũ Khiêu từng nhận xét: “Chúng ta vẫn thường nói Thăng Long ngàn năm văn hiến. Thế nền văn hiến đó là cái gì ? Và bắt đầu từ đâu ? Nền văn hiến đó chủ yếu là nền văn hiến Đại Việt đã lâu nhưng khẳng định nó mang bản sắc dân tộc Việt Nam, mang những nét đặc biệt của Việt Nam, nền văn minh Việt Nam, phẩm chất của con người Việt Nam là công việc tập trung đầu tiên mà các triều đại vua trị vì ở kinh thành Thăng Long nghĩ tới. Đó là xây dựng Văn Miếu, tổ chức việc học tập, tổ chức khoa thi để chọn nhân tài ra giúp nước. Việc học tập không những chỉ có con các nhà quý tộc mà con nhà dân cũng phải học tập. Cho nên đã cổ vũ tất cả nhân dân đi vào học tập. Yếu tố về học tập là yếu tố mở đầu quan trọng cho nền văn hiến Việt Nam”.
Như vậy bên cạnh một Thăng Long giỏi nghề, tinh xảo nghề còn hiện diện một Thăng Long ham học, học giỏi và biết vận dụng kiến thức học tập được vào việc xây dựng đời sống đô hội. Sự đồng hành của hai mặt quan trọng của đời sống xã hội đã thúc đẩy sự ra đời, hình thành và phát triển các yếu tố văn hóa dân gian khác. Người Thăng Long trong đời sống tinh thần của mình đã xác lập nên một khía cạnh khác phục vụ chính đời sống của cư dân nơi kinh thành – đó là văn hóa nghệ thuật được phát triển rộng khắp, đa dạng loại hình và phong phú trong cách biểu đạt.
Tiến thêm một bước của dấu ấn phường hội là sự ra đời của các phường văn hóa nghệ thuật. So với các phường nghề, phường văn hóa nghệ thuật lại hình thành và tồn tại ngay trong phường phố, phường nghề – phường nghệ thuật còn là cách gọi để chỉ các dạng nghệ thuật, các bộ môn nghệ thuật lúc đó.
Tại triều đình nhà Lý rồi tiếp theo là các triều đình kế tiếp ngay trong cung đình đều có những phường nghệ thuật như phường hát, phường nhạc. Chẳng cứ giai cấp phong kiến ưa chuộng mà trong dân gian cũng hết sức bồi đắp. Sự phát triển của văn hóa nghệ thuật lúc này không còn chỉ là thứ giải trí của giới quan lại hay kín mít nơi cung đình nữa mà nó lan tỏa về nơi đã sản sinh ra và trở thành thú giải trí của người dân. Kinh thành Thăng Long nơi nơi rộn rã tiếng đàn, tiếng hát cùng tiếng cười sảng khoái. ở một khía cạnh nhất định văn hóa nghệ thuật còn là vũ khí đấu tranh.
Chống ngoại xâm, chống cường quyền tuy là mặt quan trọng trong đời sống Thăng Long nhưng về cơ bản Thăng Long vẫn là sản xuất và dựng xây. Trải qua ngàn năm đã hình thành truyền thống yêu nước và văn hóa dân tộc, sâu đậm tính nhân dân với con người Thăng Long tài hoa, thanh lịch của nơi ngàn năm văn vật.
Từ sau chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa xuân Kỷ Dậu (1789), Thăng Long không còn là kinh đô nữa nhưng một Hà Nội trung tâm kinh tế – văn hóa vẫn hiện diện như một sự vững bền, hiện diện từ trong tiềm thức và từ thiên định.
Nhà thơ – Đạo diễn Nguyễn Trọng Văn (Đài PT-TH Hà Nội)