Đôi nét về Hà Nội
Gần mười thế kỷ qua đã minh chứng quyết định ấy là sáng suốt. Thăng Long xưa và Hà Nội nay luôn luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới.
Dân cư
Số dân của thành phố tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2003 có 3.055.300 người trong đó dân số nội thành chiếm 53%, dân số ngoại thành chiếm 47%.
Mật độ dân số
Dân cư Hà Nội phân bố không đều giữa các lãnh thổ hành chính và giữa các vùng sinh thái. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 2881 người/km2 (mật độ trung bình ở nội thành 19163 người/km2, riêng quận Hoàn Kiếm là 37265 người/km2, ở ngoại thành 1721 người/km2). Mật độ này cao gấp gần 12 lần so với mức trung bình của cả nước, gần gấp đôi mật độ dân số của vùng đồng bằng sông Hồng và là thành phố có mật độ cao nhất cả nước.
Các đơn vị hành chính Hà Nội
Hà Nội tính tới nay gồm chín quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai và năm huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm.
Tổng diện tích 920,97km2 (nội thành chiếm 19,97% và ngoại thành chiếm 80,03%, bằng 0,28% diện tích của cả nước).
Dân số: 3.055.300 người
Hà Nội, đầu não chính trị của nước Việt Nam
Hà Nội – mảnh đất có truyền thống nghìn năm văn hiến và lừng lẫy chiến công đánh giặc, nơi định đô của các vương triều phong kiến tự chủ Việt Nam tự hào là trung tâm đầu não chính trị của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9-1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay từ buổi đầu cách mạng, Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình.
Là trái tim đất nước, Hà Nội hội tụ các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể xã hội
Thủ đô cũng là nơi diễn ra các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội, mà từ đó đã đưa ra các nghị quyết, đường lối, sách lược đối nội và đối ngoại cho từng giai đoạn xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đại sứ quán của nhiều quốc gia trên thế giới đều đặt ở Hà Nội. Mọi hoạt động ngoại giao, thăm viếng, trình quốc thư, hội đàm, ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác được tiến hành tại đây.
Người Hà Nội còn giữ mãi hình ảnh những ngày hoạt động tưng bừng và sôi động; những cuộc đón tiếp anh em bầu bạn từ bốn phương xa đến với Việt Nam. Hà Nội tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn mà Việt Nam đăng cai như Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp, Hội nghị cấp cao các nước ASEAN…
Đã có nhiều nhà báo, nhà văn, nhà nhiếp ảnh… nước ngoài đến với Hà Nội. Ấn tượng tốt đẹp về một “Thủ đô phẩm giá của con người”, một “Thành phố vì hòa bình” đã lấp lánh trong những tác phẩm của họ.
Kinh tế
Tính đến năm 2002, GDP Hà nội đạt 20.280 tỷ đồng chiếm 7,8% tổng sản phẩm nội của cả nước với tốc độ tăng trưởng 10,37% so với năm 2001. Trong đó tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 2,4%; ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 38,8% và ngành dịch vụ chiếm 58,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm 2000-2002 của Hà Nội đều tăng hơn 10% mỗi năm.
Văn hoá
Tất cả các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản cấp quốc gia đều đóng tại Hà Nội. Tin tức của mọi vùng lãnh thổ trên đất nước cũng được phát ra từ đây trên sóng phát thanh và truyền hình. Hàng trăm tờ báo và tạp chí, hàng chục đầu sách mới của gần 40 nhà xuất bản trung ương phát hành khắp nơi, ra cả nước ngoài, làm phong phú đời sống văn hóa của nhân dân và giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới.
Hà Nội có riêng một Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, một tờ báo hàng ngày là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô: tờ “Hà Nội mới”, một tờ báo của Ủy ban nhân dân thành phố: tờ “Kinh tế đô thị Hà Nội”, bảy tờ tuần báo hoặc ra tuần nhiều kỳ của các ngành, các đoàn thể, một tạp chí, hàng chục bản tin chuyên đề. Nhà xuất bản Hà Nội mỗi năm ra hàng trăm đầu sách, mà sách về đề tài Hà Nội chiếm tỷ trọng hàng đầu.
Đi trên đường phố thủ đô, ta thường bắt gặp các khuôn mặt quen thuộc của nhiều văn nghệ sĩ và nhà khoa học danh tiếng. Trụ sở trung ương các hội văn học – nghệ thuật, các hội khoa học – kỹ thuật, các xưởng phim, nhà hát quốc gia của các bộ môn nghệ thuật đều đóng ở thủ đô.
Về số lượng nhà bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp hát, chiếu bóng, hiệu sách,… di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc và cách mạng, Hà Nội đứng hàng đầu, 521 trong số hơn 2000 di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp hạng.
Bên cạnh các nhà hát nghệ thuật quốc gia, riêng Hà Nội có sáu nhà hát và đoàn nghệ thuật. Vốn nghệ thuật dân gian truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy. Đoàn múa rối nước Thăng Long không chỉ sáng đèn hằng đêm ở nhà hát bên Hồ Hoàn Kiếm mà còn đi lưu diễn nhiều lần ở các châu lục.
Câu lạc bộ chèo truyền thống Nguyễn Đình Chiểu vẫn thường xuyên trình diễn các trích đoạn chèo cổ của ông cha để lại. Vở Kiều của Nhà hát cải lương Hà Nội đã có hơn 2000 đêm diễn. Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát ca múa Thăng Long là những đơn vị nghệ thuật có hạng của cả nước với tuổi đời hơn 40 năm. Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội với chín hội thành viên, gần 2000 hội viên.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới.