Chứng tích tòa thành cổ bậc nhất Việt Nam

Hồ Chủ Tịch đã có lời dạy: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Kể đến những di tích lịch sử cổ nhất của Việt Nam từ thời kì dựng nước và giữ nước đến nay, không thể không nhắc đến Loa Thành. Đây là tòa thành cổ bậc nhất Việt Nam.

 

Nỏ Thần

Nhắc đến Cổ Loa, người ta nghĩ ngay đến những câu chuyện và nhân vật lịch  sử đã được huyền thoại hóa và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Đó là truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cho cách xây thành, về chiếc nỏ thần có nẫy làm từ móng rùa thần và mối tình bi thương Mỵ Châu – Trọng Thủy. Đằng sau những câu chuyện thiên về tâm linh ấy, thế hệ con cháu đi sau dưới cái nhìn khoa học còn khám phá ra được những giá trị về văn hóa xã hội cũng như quân sự mang ý nghĩa khảo cổ to lớn của Cổ Loa.

Khu di tích Cổ Loa cách trung Tâm Hà Nội 17 km có diện tích bảo tồn gần 500ha được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Thủ đô và cả nước. Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ sơ khai qua các thời kì đồ đồng, đồ đá và đổ sắt mà đỉnh  cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền “văn minh sông Hồng” thời kì tiền sử của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỉ X) mà thành Cổ Loa là một chứng tích còn lại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.

Giếng Ngọc

Sở dĩ thành được gọi là Cổ Loa là do kiến trúc xây của thành. Theo tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó.

Đến khu di tích Loa Thành, du khách cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống. Khu vực Thành nội có nhiều di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, Khu Đình  Ngự Triều Di Quy, Am Thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn.

Đôi rồng đá trước cửa đền An Dương Vương

Đền thờ An Dương vương còn gọi là đền Thượng đứng trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Ngay trước đền thờ là một hồ hình bán nguyệt, giữa có cái Giếng Ngọc. Truyền thuyết cho rằng đó chính là cái giếng mà Trọng Thủy đã tự tự. Nước này khi đem rửa ngọc trai (vốn được coi là nước mắt của Mỵ Châu) thì ngọc trai sáng đẹp lạ thường. Màu nước trong Giếng Ngọc quan sát từ xa thấy màu hơi đỏ ngầu, nổi bật giữa màu nước hồ trong xanh và cây cối mát mẻ. Quanh hồ có rất nhiều ghế đá ngồi nghỉ chân dưới các tán cây lớn để tận hưởng không gian mát mẻ trong lành. Ngay cửa đền  có một cặp rồng đá uốn khúc sinh động với nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Bên trong cảnh vật im ắng, cây cối vườn phía sau xanh tốt. Nhà bia nhỏ với vòm mái cong cong, ẩn dưới những  tán đa. Ở đây có ba bia đá cổ khắc năm 1606. Đền thờ An Dương Vương gồm nhiều cửa, đi vào khu vực chính là điện thờ vua, nằm phía trong hai bên là thờ hoàng hậu và thờ Mẫu.

Dinh Ngự Triều Di Quy được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong. Tại đây có trưng bày nhiều di tích khảo cổ có giá trị quan trọng.

Đến Cổ Loa, có một nơi mà du khách không thể bỏ qua đó là Am thờ Mỵ Châu. Đó chỉ là một am nhỏ nằm khiêm tốn dưới gốc đa với  vẻ u tịch như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cánh đây hàng ngàn năm. Trong căn phòng trong cùng có tượng bà chúa Mỵ Châu. Đây là một hòn đá tự nhiên có hình dáng người cụt đầu cũng áo gấm khăn hoa mà linh hồn oan khuất, gợi lên trong lòng những thương cảm. Truyền thuyết kể rằng sau khi Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía Đông thành Cổ Loa. Dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ. Ngay trước cửa am gắn một bia đá nhỏ khắc mấy câu thơ:

“Đường ốc quanh quanh tới Cổ Thành/Cây đa thiên cổ dáng còn thanh/Hồng hồng mũ ngọc. Người đâu vắng/Lạnh lạnh gươm thần. Đá vẫn xanh/Kẻ Việt người Tần khôn vẹn nghĩa/Khối tình chữ hiếu khó toàn danh/Ôi ! Hồn ngọc tỉnh giờ lai láng/Làm khách đang yêu bước chẳng  đành”.

Từ Am Mỵ Châu đi sâu vào phía trong còn có chùa Bảo Sơn với nhiều tượng phật hết sức sinh động với các tư thế, vẻ mặt khác nhau.

Tượng Phật trong chùa Bảo Sơn

Khu di tích cổ Loa là bằng chứng lịch sử quan trọng cho thấy kĩ thuật xây thành của người Việt từ buổi sơ khai dựng nước và chiến thuật quân sự trong việc đánh giắc ngoại xâm giữ nước. Có thể thấy khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm.

Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Chiếc Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho đến cả hàng trăm thuyền. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác.

Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy một số lượng gốm khổng lồ gồm ngói ống, ngói bản, đầu ngói, đinh ngói. Ngói có nhiều loại với độ nung khác nhau. Ngói được trang trí nhiều loại hoa văn ở một mặt hay hai mặt. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.

Hiện vật được lưu giữ

Bên cạnh đó,  thành Cổ Loa còn có giá trị to lớn về văn hóa. Loa Thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ. Đối với người dân nơi đây, ngày nay Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa. Hàng năm, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng thể để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương. Ông Lại Duy Vinh – người được nhân dân tín nhiệm bầu ra để trông coi đền Thượng cho biết “Nhân dân nơi đây tự hào về mảnh đất này, một miền đất thịnh vì đã được hai đời vua đóng đô”.

Hướng tới năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Cổ Loa đang từng bước được tôn tạo, tu bổ để xứng đáng với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hải Trang

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button