Đình Xuân Canh
Đình Xuân Canh hay còn có tên là đình Thượng Lão, hiện thuộc thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Xuân Canh là vùng đất cổ. Xưa kia đây là rừng rậm, trải qua bao đời khai phá tạo dựng nên xóm làng trù phú. Cùng với sự hình thành và phát triển của xóm làng, những công trình tín ngưỡng để phục vụ cho đời sống tinh thần cũng đã ra đời.
Đình Xuân Canh là nơi tưởng niệm Sơn thần Cao Sơn Đại Vương – một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần tiện của người Việt cổ. Phối thờ trong di tích còn có bộ long ngai bài vị của Linh Lang Đại Vương.
Di tích được xây dựng từ khá lâu đời, nhưng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay, đình không còn lưu giữ được những tư liệu nói về năm khởi dựng ngôi đình. Trong hệ thống sắc phong còn lưu giữ được có đạo sắc phong niên đại sớm là sắc Cảnh Hưng 4 (Quý Hợi, 1743), những hiện vật mang phong cách thế kỷ VIII, có thể nhận định di tích được ra đời từ trước năm 1743.
Hiện nay, các hạng mục cấu thành nên di tích gồm: tam quan, sân đình, hai dãy tả, hữu mạc và đại đình. Tam quan được xây bằng gạch, dạng trụ biểu và trang trí hoa văn, thân ghi câu đối. Hai dãy nhà tả, hữu mạc có kiến trúc đơn giản kiểu tường hồi bít đốc gồm 3 gian 2 dĩ, kết cấu theo lối chồng rường, bào trơn, kẻ soi. Mái lợp ngói ta, nền lát gạch Bát Tràng cổ.
Tòa đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, kiểu 4 mái, điều này tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, bay bổng. Gian giữa làm nơi tế lễ, các gian bên tôn nền cao làm nơi hội họp việc làng. Cấu trúc bộ khung tòa đại đình rất vững chắc, bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền”. Mỗi bộ vì kèo có kết cấu mặt bằng theo lối 6 hàng chân. Cấu trúc của các vì kèo là những bộ phận trụ chống chủ yếu, nối bằng những xà dọc phía dưới và những đường hoành phía trên, để tạo thành một khung cột vững chắc đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà.
Trang trí kiến trúc và điêu khắc tại đình cho thấy nghệ thuật được thể hiện phong phú về đề tài, đa dạng về nội dung và hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII – XIX. Hơn nữa, số lượng di vật còn lưu giữ tại di tích cũng có rất nhiều chủng loại với nhiều chất liệu khác nhau. Một số di vật tiêu biểu như các sắc phong có niên đại Cảnh Hưng 4 (năm 1743), Tự Đức 10 (năm 1857) và 33 (năm 1880), Khải Định 3 (năm 1917); 2 pho tượng phỗng đá nghệ thuật thế kỷ XVIII; 1 khám thờ nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ tế tự khác như lọ hoa, đèn cầy, bát hương … Các di vật này đã gắn bó chặt chẽ với di tích và làm tăng thêm phần giá trị cho di tích.
Đình Xuân Canh là một di tích ra đời sớm ở nước ta. Sự tồn tại suốt mấy trăm năm của di tích khẳng định vai trò quan trọng của ngôi đình làng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Trải qua những biến đổi về xã hội và tự nhiên, cùng với chùa làng, cụm di tích đình Xuân Canh vẫn tồn tại và trở thành một địa chỉ văn hóa quý của Thủ đô, cùng với các di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long tô sáng thêm truyền thống văn hóa của dân tộc hàng ngàn năm nay.
Đình Xuân Canh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 2000./.
Nguyễn Hữu Mùi