Bài thơ đề trên quạt của vua Lê Hiến Tông
Quạt vốn là vật dụng thân thuộc trong dân gian. Ngoài chức năng sử dụng để tạo gió, quạt mát, che nắng che mưa, quạt còn được dùng để trang trí, làm đạo cụ biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Đối với tao nhân mặc khách, quạt còn là nơi để thổi hồn thơ vào đó, thể hiện bao tâm tư tình cảm. Đề thơ trên quạt là một thú vui tao nhã, sâu sắc.
Tranh vẽ Vua Lê đề thơ lên quạt.
Sử sách cũng ghi chép lại, các vị vua nổi tiếng văn hay chữ tốt cũng thường đề thơ lên quạt, gửi gắm tâm tư của mình trong việc chính sự, trị vì đất nước. Vào năm 1503, chính sử có ghi chép lại sự việc Lễ Bộ tả thị lang Dương Trực Nguyên tâu xin đắp đê bên sông Tô Lịch và đào hệ thống tưới tiêu ở huyện Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay) để phòng lụt hạn, làm lợi cho nghề nông. Nhân sự việc này, vua Lê Hiến Tông (1498-1504) ban thơ ngự chế đề trên quạt:
“星火昏中夜,
蓬芒出璧東。
荊方當大水,
衛地恐興戎。
循省尤 臨理,
推占謾異同”
Phiên âm
“Tinh hỏa hôn trung dạ
Bồng mang xuất bích đông
Kinh phương đương đại thủy
Vệ địa khủng hưng nhung
Tuần tỉnh vưu lâm lý
Suy chiêm mạn dị đồng”
Dịch nghĩa
“Nửa đêm sao Hỏa mọc
Tua chổi hiện phương Đông
Đất Kinh lo nước lớn
Đất Vệ sợ binh nhung
Chăm nom nên để ý
Suy xem nghiệm hay không”
Bài thơ của nhà vua tỏ ý khuyên răn văn võ bá quan trong triều đình nên để ý đến thiên tai địch họa, chăm lo đến đời sống nhân dân. Thiên tai, dịch giã luôn là mối lo của của người đứng đầu thiên hạ, thiết nghĩ, qua đó nhắc nhở trách nhiệm, bổn phận của người làm quan, cần chuyên tâm lo việc của triều đình, dân chúng.
Chiếc quạt cung đình phỏng dựng, đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông.
Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức triển lãm trực tuyến “ Gió lành Đoan Dương”, giới thiệu một số phong tục độc đáo ngày Tết Đoan Ngọ trong dân gian và cung đình; lần đầu tiên trưng bày chiếc quạt phỏng dựng mang tính chất cung đình, có kích thước 2.4m, đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503.
Triển lãm online tại địa chỉ: www.hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội