Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững”

Ngày 1/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững” nhằm nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững trong lĩnh vực di sản văn hóa.

001

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại hội thảo (ảnh: Phạm Cao Quý)

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc nhiều cơ quan, viện nghiên cứu và đại diện  Ban Quản lý các khu di sản Thế giới ở Việt Nam, các Bảo tàng Trung ương và địa phương, Sở VHTT Hà Nội, Sở VHTT thành phố Hồ Chí Minh.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 30 bài tham luận với nội dung tập trung vào các vấn đề: Nhận thức và cách tiếp cận phát triển bền vững về di sản văn hóa; di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển bền vững; sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác bảo tồn di sản văn hóa; sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật hiện đại trong bảo tồn di sản văn hóa; sự biến đổi khí hậu và nguy cơ đối với các di sản văn hóa… Tại hội thảo có 13 tham luận được trình bày và 6 ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề của Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: “Kinh tế, môi trường và xã hội thường được gọi là “ba trụ cột” của phát triển bền vững, nhưng như thế chưa đủ. Nền tảng của phát triển bền vững là văn hóa”.

Cũng trên quan điểm đó, TS. Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục di sản văn hóa cho rằng “Di sản văn hóa, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể,  là nguồn tài nguyên vô tận của đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, di sản văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên trong khung cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa của quá trình toàn cầu hóa, các di sản văn hóa bị tác động mạnh mẽ, bị biến đổi thậm chí hủy hoại. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để di sản đóng góp tốt hơn vào phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực của sự hòa nhập xã hội và phát triển kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội bền vững”. Trong đó cũng đề xuất có những nội dung cần tập trung thực hiện để bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa; gắn bảo tồn với phát huy và khai thác thông qua phát triển du lịch bền vững; tiếp tục ban hành và thực hiện những chính sách đãi ngộ với những nghệ nhân; chú trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý văn hóa; bảo vệ di sản văn hóa phải gắn với bảo vệ môi trường.

002

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia phát biểu tại hội thảo (ảnh: Phạm Cao Quý)

Hiện nay cả nước có gần 4 vạn di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Trong đó có 85 di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích quốc gia, 9.857 di tích cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, có 08 di tích và danh lam thắng cảnh tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành Nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Việt Nam cũng có 08 khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Vườn quốc gia Cát Tiên, Quần đảo Cát Bà, Châu thổ Sông Hồng, Ven biển và biển đảo Kiên Giang, Miền Tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Hệ thống bảo tàng rất phong phú, với 154 bảo tàng (123 bảo tàng công lập và 31 bảo tàng ngoài công lập), lưu trữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu, hiện vật quý giá.

Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nước ta cũng rất phong phú, đa dạng và đặc sắc. Theo thống kê chúng ta đã ghi nhận được 59.279 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 202 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. UNESCO cũng đã ghi danh 06 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, đó là: Mộc bản triều Nguyễn, Bia tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang.

003

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu (ảnh: Phạm Cao Quý)

Trên thực tế, việc quản lý một kho tàng di sản đồ sộ như vậy cũng còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn. Thiếu kinh phí để tu bổ, tôn tạo nên nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, bên cạnh đó việc tự ý tu sửa, xây mới ở các di tích khiến di tích biến dạng, lai căng. Một số lễ hội phản cảm, xô bồ vẫn diễn ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường, kinh doanh chụp giật có chiều hướng gia tăng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể bị mai một, lãng quên, rồi nạn mất trộm, mua bán cổ vật trái phép diễn ra thường xuyên.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách bền vững cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng. Điều cốt lõi trong bảo tồn di sản văn hóa là giữ được tính xác thực, bảo tồn sức sống của di sản; bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải hướng tới cộng đồng và huy động cộng đồng tham gia gìn giữ, trao truyền, bảo vệ di sản.

Kim Yến

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button