Hoàng thành thời Lý

Nhà Lý xây dựng Hoàng thành Thăng Long theo cấu trúc ba vòng thành (tam trùng thành quách), trong đó, vòng trong cùng – Cấm Thành – và vòng thứ hai – Hoàng thành – tạo thành một thể tương đối thống nhất là nơi ở và làm việc của vua. Vòng thành thứ ba là thành Đại La, hay La Thành, bao bọc quanh khu ở của quan lại, nhân dân và các phố phường – gọi là khu vực Kinh thành.

hoangthanhthoily

Hoàng thành chính là vòng thành thứ hai, bao bọc quanh nơi ở và làm việc của nhà vua.

Phần thành bao quanh Hoàng thành ban đầu được đắp đất, sau đó được gia cố và xây bằng gạch. Người ta cũng gọi đây là Long thành, Phượng thành, hay Long Phượng thành. Phía ngoài thành này được đào ngòi ngự, nối với dòng Nhị Hà. Theo hệ thống này, thuyền rồng có thể xuôi dòng vào Đại Nội.

Hoàng thành có bốn cửa.

Cửa thứ nhất gọi là Tường Phù (cửa phía Đông) với ý nghĩa là điềm lành, điềm tốt, đón ánh sáng mặt trời phương Đông. Cửa này mở ra trước chợ Đông và đền Bạch Mã, nay là phố Hàng Buồm.

Cửa thứ hai gọi là Quảng Phúc (cửa phía Tây) với ý nghĩa là phúc lớn. Cửa này mở ra trước chùa Một Cột, thuộc khu vực đường Hùng Vương ngày nay. Phía trước cửa này là một khoảng sân rộng được dùng để tổ chức hội mừng ngày sinh của nhà vua.

Cửa thứ ba gọi là Đại Hưng (cửa phía Nam) với ý nghĩa là sự hưng thịnh lớn. Cửa này mở ra ở khu vực Cửa Nam hiện nay. Nơi này cũng có một khoảng sân rộng để hoàng thân, quốc thích và nhân dân tổ chức lễ hội ném còn.

Cửa thứ tư gọi là Diệu Đức (cửa phía Bắc) với ý nghĩa là đức sáng ngời, chống lại màu đen u ám của phương Bắc. Cửa này mở ra trước sông Tô Lịch đoạn chảy qua phố Phan Đình Phùng ngày nay.

Trong Hoàng thành có núi Nùng, ngọn núi thiêng được coi là rốn rồng (Long Đỗ). Nhà Lý cho dựng điện Kính Thiên trên ngọn núi này.

Trung tâm của khu vực nhà vua thiết triều và làm việc là điện Càn Nguyên. Hai bên tả hữu cung điện này là điện Tập Hiền và điện Giảng Võ. Phía trái mở cửa Phi Long thông với cung Nghinh Xuân. Phía phải mở cửa Đan Phượng. Chính Nam dựng điện Cao Minh. Các quan chầu vua tại thềm Rồng (Long Trì) có hàng hiên bao quanh bốn phía.

hoangthanhthoily1

Phía sau điện Càn Nguyên là hai điện Long An và Long Thụy, nơi nghỉ ngơi của nhà vua. Bên trái là điện Nhật Quang, bên phải là điện Nguyệt Minh, phía sau là cung Thúy Hoa và cung Long Thụy để các phi tần ở. Toàn bộ phần phía sau điện Càn Nguyên này là khu Cấm Thành. Giữa Cấm Thành và Hoàng Thành được ngăn cách bằng tường, có cổng và được lính canh nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Phàm quan lại, lính tráng và ngay cả thái tử, nếu không có lệnh đòi thì không được tự tiện đi vào khu vực này. Cấm Thành thời kỳ đầu nhà Lý có quy mô chưa hoành tráng lắm, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1,5km chu vi.

Cấm Thành là nơi ở của nhà vua và cung thất. Tuy nhiên, riêng thái tử và các hoàng tử không được ở trong Cấm Thành, mà phải ở các cung điện thuộc khu vực Kinh Thành. Thái tử và các hoàng tử được đưa ra ngoài thành ở cùng dân chúng để tích lũy vốn hiểu biết xã hội, thấu đời sống dân gian.

Cấm Thành được xây dựng lại toàn bộ vào năm 1029, dưới thời vua Lý Thái Tông. Điện Càn Nguyên sau khi xây dựng lại được đổi tên thành Thiên An, nơi nhà vua thiết triều. Tập Hiền và Giảng Võ được đổi tên thành Tuyên Đức và Diên Phúc. Hai điện Long An và Long Thụy được thay bằng điện Thiên Khánh xây theo hình bát giác để nhà vua làm việc lúc không thiết triều và nghỉ ngơi. Sau nữa là điện Trường Xuân, nơi để khí giới, quân trang, quân dụng của nhà vua, với gác Long Đồ ở trên. Giữa Thiên An, Thiên Khánh và Trường Xuân được nối với nhau bằng cầu Phượng Hoàng. Phía trước điện Thiên Vũ là sân rồng, ở giữa được đặt một quả chuông lớn. Sân rồng là nơi nhà vua tổ chức những nghi lễ quan trọng, như lễ tuyên thệ cho các quan, mở hội Phật. Bao quanh sân rồng là hành lang và giải vũ, hai bên tả hữu sân rồng là điện Văn Minh và điện Quảng Vũ, phía trước là điện Phụng Tiên. Trên điện Phụng Tiên có lầu Chính Dương, là nơi có người thường trực trông coi giờ khắc.

Hệ thống cung điện phía Tây được vua Lý Cao Tông mở mang vào năm 1203. Điện Thiên Thụy được dựng ở giữa, hai bên tả hữu là điện Dương Minh, điện Thiềm Quang. Trước điện Thiên Thụy là điện Chính Nghi, trên dựng điện Kính Thiên, thềm gọi là Lệ Giao. Lại cho mở cửa Vĩnh Nghiêm ở giữa, cửa Việt Thành bên phải, dựng thềm Ngân Hồng, bên trái là gác Nguyệt Bảo đặt tòa Lượng Thạch. Dục Đường (nhà tắm) được dựng ở phía Tây điện Thiên Thụy, phía sau là gác Phú Quốc. Tiếp đó là cửa Thấu Viên, ao Dưỡng Ngư. Lý Cao Tông cho khơi thông ao với sông và dựng đình Ngoạn Y tại ao này, lại cho trồng nhiều hoa thơm, cỏ lạ xung quanh đình. Sử sách chép rằng, phần cung điện mới mở này được chạm trổ khéo léo, đẹp đẽ chưa từng có.

Nhìn chung, các cung điện thời Lý đều được lợp ngói men xanh, men vàng, phần lớn là ngói ống với đầu bịt ngói được trang trí hình rồng, hình phượng, hình hoa sen, tạo thành hệ thống diềm mái lộng lẫy, mĩ lệ.

Trải qua các đời vua triều Lý, Hoàng Thành Thăng Long được xây dựng ngày càng bề thế, tráng lệ, xứng tầm là kinh đô của “sông núi nước Nam”.

Theo dự đoán của các chuyên gia khảo cổ học và các nhà sử học, vị trí của Hoàng Thành Thăng Long có thể được xác định như sau: Phía Bắc Hoàng Thành giáp với Hồ Tây, phía Tây giáp sông Tô Lịch, phía Nam giáp đường Nguyễn Thái Học, phía Đông ở khoảng phía Đông Quảng trường Ba Đình. Như vậy, Hoàng Thành Thăng Long thời kỳ này có chiều dài theo hướng Đông – Tây khoảng 3km, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam khoảng 2km, vị chi là 6 cây số vuông diện tích và 10km chu vi.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button