Chương trình Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa do UNESCO phát động

Trong hai ngày 30/3 và 31/3/2019, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã phối hợp với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và các đơn vị tổ chức một chuỗi các hoạt động bảo vệ môi trường tại Cù Lao Chàm: chiến dịch làm sạch bờ biển Cù Lao Chàm, hưởng ứng giờ trái đất, trao giải thưởng Nghệ thuật tái chế và tọa đàm ” Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa”.

nhua

Chung tay bảo vệ môi trường.

Khu dự trữ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được  UNESCO công nhận  vào ngày 26/5/2009, có tổng diện tích 33.737 ha, bao gồm toàn bộ diện tích phần đất liền của thành phố Hội An và phần biển được xác định từ các điểm giới hạn phân vùng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nối với các điểm ranh giới trong đất liền với 3 phân vùng chức năng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.

Nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km, cách Khu phố cổ Hội An 19km, Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) có diện tích  rộng 15km2, với cảnh quan sinh thái tươi đẹp, bờ biển hoang sơ,  rừng nguyên sinh che phủ và những rạn san hô phong phú, kỳ ảo. Cù Lao Chàm được du khách khắp nơi biết đến là một quần đảo xinh đẹp còn nguyên vẹn những giá trị hoang sơ với sự nổi trội về đa dạng sinh học cả trên rừng và dưới biển. Không chỉ nổi trội về sinh cảnh và đa dạng sinh học biển, Cù Lao Chàm còn sở hữu những cánh rừng nguyên sinh phủ xanh cả đảo. Ngoài việc cung cấp lâm sản, rừng Cù Lao Chàm còn là nơi bảo tồn nguồn gen quí hiếm và đặc biệt là nơi lưu giữ và cung cấp nước ngọt cho cư dân trên đảo. Chính vì thế, Cù Lao Chàm từng là điểm dừng trao đổi hàng hóa quan trọng trong con đường tơ lụa trên biển nổi tiếng trong lịch sử.

 Cù Lao Chàm cũng có đến 7 trong số 25 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo này đã thể hiện rõ đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng phong phú, lâu đời của cư dân đảo.

giamnhua2

Giếng cổ xóm Cấm

Những giá trị nổi trội về đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử của Cù Lao Chàm   gắn kết mật thiết với lịch sử của đô thị cổ Hội An, vùng hạ lưu sông Thu Bồn, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế. Đây chính là cơ sở để Unesco công nhận Cù Lao Chàm là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Dân số hiện nay của Cù Lao Chàm là 2500 người. Mỗi ngày, Cù Lao Chàm đón khoảng 3000 khách tham quan. Lượng rác thải cần phải xử lý khoảng 4-5 tấn/ngày, trong đó 60% là rác vô cơ.

Tuy nhiên, giống như nhiều khu du lịch khác, với lượng du khách ngày càng tăng, Cù Lao Chàm đang đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và vấn đề xử lý rác thải, nước thải. Công nghệ xử lý rác thải ở đây khá thô sơ, chưa phù hợp, phân loại rác thải tại nguồn chưa triệt để, hệ thống mương thoát nước xuống cấp, nước thải chưa được xử lý, chảy ra biển.

giamnhua3

Các bạn trẻ tham gia dọn rác, làm sạch bãi biển.

Từ năm 2009, chính quyền Thành phố Hội An và xã Tân Hiệp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, phát động phong trào giảm thiểu tiến tới nói không với túi nilon. Theo đó, hàng loạt chính sách, hoạt động tuyên tuyền vận động, ký cam kết được triển khai sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm từng bước hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa; Vận động các gia đình, chị em phụ nữ, hộ kinh doanh, chủ ca nô… thực hiện nói không với túi nilon, cấp làn đi chợ cho người dân, phát túi sinh thái làm từ giấy báo cũ, mô hình túi sách ký gửi để các hộ dân có thể mượn đi chợ; Hướng dẫn khách tham quan không mang túi nilon ra đảo, đưa nội dung vận động nói không với túi nilon vào các tiêu chí thi đua của khu dân cư, gia đình văn hóa. Đến nay người dân Cù Lao Chàm đã tự giác không sử dụng túi nilon trong các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày.

Tham dự chương trình Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm, các đại biểu đã trực tiếp trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như chiến dịch dọn vệ sinh bãi biển cùng nhân dân địa phương, khảo sát thực tế tại bãi rác Eo Gió, khu xử lý nước thải tại chợ Tân Hiệp, Bãi Ông và tham dự Lễ phát động Giờ Trái đất.

giamnhua4

Các lực lượng bộ đội và nhân dân địa phương tham gia chiến dịch làm sạch bãi biển.

Tại đây, Văn phòng UNESCO Việt Nam và nhà tài trợ Coca Cola cũng đã tổ chức trao giải thưởng cho các nhóm tác giả đạt giải trong cuộc thi Nghệ thuật tái chế. Nhiều ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ đã được vinh danh như con rối khổng lồ làm từ chai nhựa, ghế ngồi bằng chai nhựa…

Trong buổi tọa đàm, các giải pháp hành động để hạn chế rác thải nhựa và cải thiện ô nhiễm môi trường tại Cù Lao Chàm được các đại biểu đề xuất, giúp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trên đảo có thêm hướng đi để xử lý vấn đề nan giải này.

Đại diện Green Hub, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng với dân số 2500 dân và  rác thải nhựa chỉ chiếm 10-20%, nên Cù Lao Chàm hoàn toàn có thể thu gom và tái chế, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có thể chung tay xây dựng mô hình không rác thải, chứ không cần đến quá nhiều công nghệ xử lý rác thải. Với thông điệp nhựa không phải là rác, nó là cơ hội, bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng đã chia sẻ một số ý tưởng tái chế như thu gom áp phích để biến thành túi đi chợ, túi văn phòng phẩm xanh…

Bà Đỗ Vân Nguyệt, đại diện tổ chức Live and Learn chia sẻ mô hình điểm đến xanh với các ý tưởng và hành động từ các khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ như khuyến khích sử dụng các sản phẩm túi nhựa sinh học, đồ đựng thực phẩm làm từ tre, bã mía, đại điểm cung cấp nước để giảm sử dụng bình nhựa, mang theo chai đựng nước khi đi du lịch.. .

Đại diện Công ty Evergreen Labs đã đề xuất mô hình quản lý rác thải mới ở Cù Lao Chàm với 5 giai đoạn, sử dụng giá trị của rác thải nhựa để tạo ra tác động xã hội.

Đại diện các Khu di sản thế giới ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho rằng,
với sự gia tăng của khách thăm, các khu di sản thế giới đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, rác thải. Cù Lao Chàm là địa điểm đi đầu trong việc nói không với túi nilon. Khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng đã có sáng kiến đưa giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục di sản dành cho các em học sinh, khuyến khích trẻ em dùng đồ chơi bằng giấy. Các khu di sản cần có hành động cụ thể để giảm thiểu rác thải nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho khách tham quan bằng những thông điệp rõ ràng như Cù Lao Chàm đã làm. Ông Nguyễn Thanh Quang cũng đề xuất biến khu vực bãi rác Eo Gió thành một điểm du lịch, check in phục vụ khách tham quan.

Đại diện chính quyền địa phương, Ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND thành phố Hội An nhấn mạnh “ Trong vấn đề xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường thì con người, ý thức cộng đồng là vấn đề lâu dài và quan trọng nhất, nếu chỉ xử lý hậu quả thì không bền vững. Tuyên truyền vận động để người dân tự nhận thức và tự giác thực hiện là giải pháp thành công của Cù Lao Chàm”.  Còn đại diện UNESCO Việt Nam thì quan tâm đến sự tham gia của giới trẻ, những người luôn mang đến ý tưởng sáng tạo và hành động cụ thể, đặc biệt là sự chung tay của cả cộng đồng.

Ngoài ra, trong chương trình, các đại biểu còn được tham gia Đêm Cù Lao Chàm, một sản phẩm du lịch độc đáo tại Cù Lao Chàm với nhiều hoạt động hấp dẫn như các trò chơi dân gian, Hát Bài Chòi, hát Bolero.

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button