Bảo tồn Di sản trong quá trình phát triển bền vững không gian đô thị Thăng Long Hà Nội

Bảo tồn để phát triển bền vững Không gian đô thị Thăng Long – Hà Nội 1000 năm qua có nhiều biến đổi. Việc bảo tồn và phát triển đô thị đặt ra nhiều vấn đề cho hiện tại và tương lai. Là nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về mô hình tổ chức và quản lí đô thị trực thuộc trung ương, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN có một cuộc trao đổi với bản tin ĐHQGHN.

nguyen-quang-ngoc

 

Là một nhà khoa học, đánh giá của ông đối với việc mở rộng không gian Thủ đô Hà Nội thời gian qua?

 

Việc mở rộng hay thu hẹp không gian Hà Nội suốt chiều dài lịch sử đều có những lý do cụ thể của nó, nhưng dù có mở rộng hay thu hẹp thế nào thì vị trí và vai trò của đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân vẫn hầu như không có sự thay đổi. Những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đã có sự mở rộng tương tự như hiện nay, sau đó đến đầu những năm 90 lại bị thu hẹp lại. Quyết định mở rộng địa giới Thủ đô những năm 1970 và thu hẹp vào đầu những năm 1990 chắc là phải có lý do. Việc mở rộng Thủ đô Hà Nội hiện nay có nhiều điểm khác. Ðó là xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống thực tiễn, tuy nhiên yêu cầu mở rộng như thế nào, mở rộng đến đâu và quy hoạch ra sao thì phải hết sức cẩn trọng. Tôi hy vọng việc mở rộng Thủ đô Hà Nội lần này, tuy gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, của Thủ đô. Khó khăn mặc nhiên là rất nhiều rồi, nhưng thuận lợi rõ ràng cũng không phải là ít.

 

Thuận lợi là những gì thưa Giáo sư?

 

Một không gian thoáng rộng sẽ là thuận lợi cho việc chủ động hoạch định, quy hoạch tổng thể đô thị, gắn kết đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Một không gian chật hẹp như trước đây thì làm sao có thể làm được điều đó?!

 

Còn khó khăn?

 

Hiện tại, Thủ đô Hà Nội tích hợp một vùng nông thôn rộng lớn vào đô thị Hà Nội trước đây khiến chất lượng đô thị vốn đã chưa cao lại bị sụt giảm ghê gớm. Tính tỷ lệ chung thì thậm chí có thể hình dung đô thị Thăng Long-Hà Nội mà tổ tiên ta dày công xây dựng cả nghìn năm nay có khi không còn là đô thị nữa. Ðấy là chưa kể sự khác biệt về văn hoá giữa các vùng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của Thăng Long-Hà Nội truyền thống… Có cả những vành đai nông thôn rộng lớn, trong đó không ít là nông thôn nghèo nàn và lạc hậu đang ôm nuốt đô thị tuy đã nghìn năm tuổi mà vẫn đang độ trưởng thành, chắc chắn sẽ làm chậm lại không chỉ quá trình phát triển của đô thị trung tâm, mà đến cả quá trình đô thị hóa các vùng nông thôn cũng bị cản trở, khiến con đường đi đến mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, chuẩn mực và xứng tầm càng thêm lắm chông gai.

 

Sự biến đổi về mặt cấu trúc không gian có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển đô thị Hà Nội, thưa Giáo sư?

 

Sự biến đổi về mặt không gian đô thị Hà Nội không đồng nghĩa với việc không phát triển bền vững. Phát triển vẫn bền vững kể cả trong hoàn cảnh không gian biến đổi nếu bảo đảm các điều kiện để phát triển. Phát triển nhanh vẫn có thể bền vững. Phát triển bền vững không đồng nghĩa với sự phát triển ì ạch, từ từ, chầm chậm. Phát triển bền vững đáp ứng các nhu cầu của xã hội, đồng thời gắn với phát triển kinh tế là việc đáp ứng với các điều kiện về văn hoá, xã hội, môi trường… Việc đầu tư trở lại làm cho mặt bằng xã hội đi lên, sự phát triển tổng hợp, hài hòa chính là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

 

Theo Giáo sư, các căn bệnh của đô thị hoá đối với Việt Nam hiện nay là gì?

 

Bê tông hoá, nhà ống, úng ngập, tắc đường, ô nhiễm nguồn nước, tệ nạn xã hội… là các căn bệnh của quá trình đô thị hóa. Kiến trúc nhà ống chỉ áp dụng vào khu vực quá chật chội và là giải pháp nhất thời cho hoàn cảnh không đủ không gian cho việc cấu thành các bộ phận không gian sống của đô thị thì hiện nay lại được ào ạt đưa về nông thôn là điều khó chấp nhận.

 

Ở nhiều vùng nông thôn, các gia đình cũng chia đất theo lô, thậm chí lô rất nhỏ để bán. Có thửa đất mặt tiền chỉ có 2,5m hoặc 3m chạy dài, không thể đủ điều kiện để xây dựng không gian riêng cho các đối tượng sử dụng. Nhà cửa bám sát lấy mặt đường là một kiểu kiến trúc lạ trên thế giới. Ở Việt Nam, dày đặc dân cư sinh sống hai bên đường cao tốc, đường tốc độ cao. Như thế, tai nạn giao thông là đương nhiên và không phát huy được tác dụng của đường giao thông. Hiện nay, không chỉ thành phố ùn tắc mà nông thôn cũng ùn tắc. Một nông thôn bị xô lệch, biến dạng và chất chứa những tiêu cực và nghịch cảnh của đô thị là căn bệnh của đô thị hóa tự phát ở nhiều nơi hiện nay.

 

Có nên xây dựng và quy hoạch khu đô thị mẫu không, thưa ông?

 

Nhiều nước trên thế giới có những quy định nghiêm ngặt về quy hoạch và quản lý đô thị. Quản lý nông thôn là quản lý cộng đồng còn quản lý đô thị là quản lý công dân. Quản lý công dân tức là quản lý theo pháp luật, bằng luật pháp của Nhà nước. Ở đường làng, người nông dân có thể đi ngang đi ngược, nhưng ở thành phố anh ta phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. Trong sân vườn nhà mình, người nông dân có thể đổ rác, nhưng ở đô thị thì không thể tùy tiện như vậy… Tính kỷ hà, tôn trọng luật pháp là nguyên tắc sống, là tiêu chí đạo đức hàng đầu của người dân đô thị.

 

Hiện nay đang có một xu thế cho rằng cần phải xem xét lại việc mở rộng Hà Nội thành một đại đô thị với dân số trên 10 triệu dân. Nếu đơn thuần từ một trung tâm Hà Nội mở ra thành một đại đô thị thì Hà Nội không thể giải quyết được những vấn đề bức xúc, vấn nạn giao thông và phức tạp của đời sống đô thị. Các đô thị lớn trên thế giới hiện nay gồm đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh, hình thành các vùng đô thị gồm chuỗi các đô thị có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng không dồn tụ lại làm một, nhằm giải quyết vấn đề tập trung quá cao. Việt Nam nên rút kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, không nên xây dựng đại đô thị với mức độ tập trung quá cao, mà cần trải rộng và xây dựng một chuỗi đô thị gồm đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh trong mối liên kết tổng thể và hài hòa.

 

Mối quan hệ giữa phát triển đô thị và gìn giữ bảo tồn đô thị cổ như thế nào?

 

Có nhiều người cho rằng vấn đề phát triển đô thị (mà ở đây được hiểu là phát triển kinh tế, mở rộng các công trình kiến trúc) và gìn giữ văn hóa đô thị (mà ở đây là bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa) luôn mâu thuẫn với nhau, thậm chí là hai mặt đối lập nhau, có cái nọ thì mất cái kia và ngược lại. Xin nói ngay là tôi không đồng tình với quan điểm này. Theo tôi quan niệm như vậy là tư biện, suy diễn thiên theo lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích tổng thể, lâu dài của cộng đồng. Bảo tồn và phát triển kinh tế, nếu biết tính kỹ, tính đúng, tính đủ thì không những không mẫu thuẫn với nhau, mà còn hỗ trợ cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Mặc nhiên cũng cần phải nói rõ ở đây là bảo tồn cũng phải là bảo tồn đúng, không lợi dụng bảo tồn mà đòi lưu giữ tràn lan, bảo tồn cả những cái vô giá trị.

 

Trước đây, có nhiều người cho rằng cần phá khu di tích Hoàng thành Thăng Long ở 18 Hoàng Diệu và xây vào đó kiến trúc hiện đại thì đó mới là phát triển. Hoàng thành Thăng Long là kết tinh giá trị lịch sử văn hóa độc nhất vô nhị của dân tộc Việt Nam ta. Hoàng thành Thăng Long còn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa của nhân loại, “vì trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long”. Vinh danh Hoàng thành Thăng Long là vinh danh đất nước, vinh danh dân tộc, vinh danh văn hóa và con người Việt Nam. Sự vinh danh này là vô giá, không thể đem bất cứ một kiến trúc hiện đại nào đặt ngang cùng Hoàng thành Thăng Long được. Giữ được Hoàng thành Thăng Long bên cạnh giữ cho toàn nhân loại di sản vô giá của tổ tiên ta, chúng ta còn có thêm cơ hội làm tăng thêm nguồn thu nhập thông qua các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ. Nếu khéo biết tổ chức gìn giữ và tính toán phát huy giá trị của nó, thì Di sản không chỉ là bội lần thu nhập cả của cải và văn hóa, không chỉ cho đời nay mà còn cho muôn đời sau.

 

Quá trình đưa Hoàng thành Thăng Long thành Di sản văn hóa thế giới đã diễn ra thế nào thưa ông?

 

Ðó là quá trình gập ghềnh, đầy chông gai và cuối cùng đã đến đích. Việc UNESCO khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long vào đúng thời điểm chúng ta tổ chức Ðại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phải được coi là thắng lợi kỳ diệu của lịch sử và văn hóa Việt Nam, nâng cao tầm vóc và vị thế của dân tộc Việt Nam ta trước toàn nhân loại. ÐHQGHN là một trong những đơn vị khoa học tổ chức nhiều hoạt động học thuật đánh giá giá trị, kiên trì bảo vệ di sản và tham gia xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về những công việc mình đã làm.

 

Trên Bản tin của ÐHQGHN số tháng 6/2010 có in một tấm ảnh của cuộc hội thảo Thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long tổ chức ngày 9 tháng 2 năm 2007 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum (19, Lê Thánh Tông). Bức ảnh ấy gợi tôi nhớ đến thời điểm gian nan nhất, khi mà Hoàng thành Thăng Long đang đứng trước nguy cơ bị loại bỏ bởi các nhà xây dựng. Người ta còn đang tâm gọi khu 18 Hoàng Diệu là một đống gạch nát, thậm chí chỉ là một bãi rác. GS. Phan Huy Lê bằng tài năng, uy tín và nghị lực tuyệt vời đã kiên trì thuyết phục, tổ chức và dẫn dắt cho đến thắng lợi ngày hôm nay. Không có ông, chắc là chúng ta không giữ được Hoàng thành Thăng Long và cũng nhờ có ông mà chúng tôi mới có được một chút đóng góp vào thành công hết sức có ý nghĩa này.

 

Mô tả khái quát về sự khác biệt của đô thị Hà Nội nay và xưa là gì thưa Giáo sư?

 

Ðô thị Hà Nội ngày nay có sự khác biệt với đô thị Hà Nội xưa rất nhiều. Trước đây, đô thị cổ Hà Nội gồm phần “Ðô” và “Thị”. “Ðô” tương đương với vùng Hoàng Thành, là thành quách, điện, cung, lầu gác, nơi ở và làm việc của vua và triều đình. Bên ngoài thành là thị, là phố xá, chợ búa, đời sống dân gian của đô thị. Ở Thăng Long Hà Nội trước đây luôn tồn tại 2 mảng đó, dẫu có lúc thăng, lúc trầm, nhưng trên đại thể vẫn luôn duy trì và phát triển trong suốt cả nghìn năm, tạo nên giá trị độc đáo của Thăng Long – Hà Nội.

 

Ðô thị Hà Nội bây giờ đang vươn lên trở thành một đô thị văn minh hiện đại mà vẫn giữ giá trị truyền thống. Cách tổ chức, quản lý, hướng phát triển của Hà Nội hiện nay khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên một số giá trị truyền thống của đô thị Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến thì ta phải tìm cách gìn giữ. Việc phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một nguyên tắc, không chỉ được luật pháp của Nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện, mà còn theo quy định chung cho Di sản văn hóa Thế giới buộc chúng ta phải nghiêm chỉnh chấp hành.

 

Khu phố cổ hay phố cũ Hà Nội cũng là một sản phẩm được tinh lọc và duy trì cho đến ngày nay, dù có bị biến đổi theo thời gian. Ở các nước châu Âu, trong bối cảnh các khu phố hiện đại rất nhiều thì vẫn có các khu phố cổ hết sức đặc trưng với các phố đi bộ, đường lát gạch, đá… Ði vào các khu phố đó người ta có cảm nhận như đi vào lòng dân tộc, sống với cộng đồng cư dân xưa, cảm nhận rõ rệt nền văn hóa, văn minh của dân tộc, khơi gợi sự tự hào, tự tôn dân tộc.

 

Việt Nam có những khu phố kiểu đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa đậm nét truyền thống, nhiều đền, chùa, lễ hội truyền thống có ý nghĩa,… nhưng chúng ta chưa phát huy được các giá trị của nó, thậm chí có khi còn để cho nó có nhiều biến thái, lệch lạc, có hại cho văn hóa và phát triển. Cần có tầm nhìn và chiến lược bảo tồn giá trị văn hóa, di sản văn hóa của tổ tông để lại.

 

Dưới góc độ của nhà khoa học, những tồn tại đó do đâu thưa Giáo sư?

 

Theo tôi, tồn tại đó lỗi lớn nhất thuộc về các nhà quản lý. Không nên trách dân, dù có thể dân sai. Nếu người dân do chưa biết mà làm sai, thì nhà quản lý (mà ở đây là các cán bộ quản lý văn hóa) cần phải tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn cụ thể cho họ.

 

Giải pháp quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đô thị Hà Nội là gì thưa ông?

 

Nên bắt đầu từ lãnh đạo…

 

Trong tương lai, Hà Nội sẽ phải làm những gì trước tiên trong bộn bề công việc hiện nay?

 

Quan trọng nhất là phải bắt đầu từ nhận thức. Tất cả những cái gì tổ tiên đã tạo dựng nên ngày hôm nay, từ cơ sở vật chất, cơ sở tinh thần cho đến cả điều kiện tự nhiên, môi trường, khoáng sản, khí hậu…. phải coi đó là tài sản, là hành trang chung của người dân Hà Nội bước tiếp chặng đường trăm năm nữa, nghìn năm nữa. Tôi tâm đắc với bài phát biểu chào mừng Hội thảo khoa học Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội của bà Katherine Muller-Marin (Ðại diện của UNESCO tại Việt Nam) là chúng ta có Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới nhưng nếu chỉ lo khai thác mà không quan tâm đến bảo tồn, thì ngày mai sẽ không còn gì để tiếp tục khai thác nữa. Khi khai thác Di sản phải tính đến việc bảo tồn và bảo tồn cũng là phục vụ cho khai thác lâu dài về sau. “Việc tiếp tục giữ gìn giá trị, bảo vệ và bảo tồn Di sản sẽ tạo cơ hội cho phát triển bền vững và cho một cuộc sống có chất lượng của cư dân thành phố”.

 

Quá khứ và hiện tại của Hà Nội với sự phát triển trong tương lai là gì thưa Giáo sư?

 

Có lợi ích trước mắt và có lợi ích lâu dài, có lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, của thành phố và của đất nước. Ta phải đặt lợi ích hiện nay, lợi ích trước mắt trong mối quan hệ với phát triển tổng thể, lâu dài của thủ đô và của đất nước. Nếu hôm nay xây dựng con đường này đi qua nhà dân, cắt đất người ta đang ở, đang kinh doanh thì người dân phản đối là điều hết sức bình thường. Nhưng khi thành phố có chính sách hỗ trợ hợp lý thì mỗi công dân cần phải cân nhắc, tính toán hài hòa giữa việc công và việc tư, trong đó việc di chuyển của họ mang lại lợi ích cho cộng đồng là cơ sở để phát triển lâu dài và bền vững của cộng đồng, trong đó có gia đình họ, chắc họ sẽ ủng hộ. Vấn đề cũng lại tùy thuộc vào chính sách, sự hợp lý, hài hòa, rõ ràng, minh bạch và vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button