Nghiên cứu giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long

Trong khuôn khổ Quỹ tín thác UNESCO/ Nhật Bản, các chuyên gia Khảo cổ học Nhật Bản tại Nabunken, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội đã tiến hành xây dựng hệ tọa độ riêng cho khu vực Thăng Long nhằm phục vụ nghiên cứu lâu dài khu Di sản.

PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, trong các năm 2011, 2012 và năm 2013, thực hiện khuyến nghị của UNESCO, Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiếp tục tiến hành các đợt thám sát, khai quật thăm dò di tích ở khu vực Trục Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Các đợt thám sát, thăm dò, nghiên cứu này đều được ứng dụng, định vị và tuân thủ chặt chẽ theo lưới tọa độ Thăng Long.

973_48899

Di sản Hoàng thành Thăng Long

Cụ thể, năm 2011, đã đào thám sát 6 hố với diện tích 100m2 xung quanh khu vực nền điện Kính Thiên; năm 2012, đã tiến hành đào 500m2 ở phía bắc Đoan Môn; năm 2013, 6 tháng đầu năm đã đào 500m2 nằm nối tiếp với hố đào của năm 2012. Kết quả sơ bộ cho thấy ở vị trí nào cũng dày đặc các di tích kiến trúc của nhiều thời kỳ nối tiếp nhau.

Từ kết quả khảo cổ học, PGS. TS Tống Trung Tín cũng khẳng định những kết quả mà nhóm nghiên cứu đã thu được. Tại khu vực 18 Hoàng Diệu, đến năm 2013, khảo cổ học đã khẳng định, tại trục Trung tâm có đầy đủ các lớp văn hóa Đại La (thế kỷ 7 – 9), có thể có lớp văn hóa Đinh Tiền Lê, lớp văn hóa Lý (thế kỷ 11-12), lớp văn hóa thời Trần (thế kỷ 13-14), lớp văn hóa thời Lê sơ – Mạc – Lê Trung hưng (thế kỷ 15 – 18) và lớp văn hóa thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Đây cũng là lần đầu tiên khảo cổ học xác định được móng trụ thời Lý ở khu vực Điện Kính Thiên mà các đợt thám sát trước do hố đào nhỏ nên chưa tìm thấy. Điều này hé mở khả năng sẽ phát hiện được các dấu tích kiến trúc Lý ở khu vực trục Trung tâm.

Cuộc khai quật đã xác định nền gạch vồ màu xám trước đây qua đợt khai quật (2012 – 2013) có niên đại thời Lê Trung Hưng; đã tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc của thời Trần, trong đó làm rõ 3 thời kỳ chồng xếp trực tiếp lên nhau. Riêng lớp kiến trúc sân Đại triều của thời Lê sơ và Lê Trung hưng đã xác định rõ hai thời kỳ tôn tạo. Cùng với dấu tích “Ngự đạo”, cũng thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa tổ hợp các thành phần kiến trúc Đoan Môn – Đan Trì – điện Kính Thiên và hiển nhiên ở chính giữa Đan Trì là Ngự đạo. Theo PGS. TS Tống Trung Tín, cần xây dựng kế hoạch khai quật, nghiên cứu hàng năm và dần dần từng bước hiểu toàn bộ đặc điểm của khu di tích Trung tâm, tương tự như các di sản khảo cổ lớn của Thế giới như PomPei, Roma (Italia), Asuka, Fujiwara, Nara (Nhật Bản).

Minh Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button