Làm rõ hơn giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
“Đánh giá kết quả nghiên cứu di tích kiến trúc khu A-B Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 6 năm nghiên cứu (2008-2013)” là chủ đề buổi tọa đàm do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 13 và 14-9.
Tại đây, PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã giới thiệu kết quả nghiên cứu tại di tích ở khu A – B qua các thời kỳ tiền Thăng Long, thời Lý, thời Trần và thời Lê. Cụ thể, tại khu A, đã xuất lộ kiến trúc cung điện lớn của thời Lý với diện tích khoảng 1.200m2, hệ thống gồm 11 cụm móng trụ sỏi tròn cách nhau từ 8 đến 12m, chạy dọc theo hướng Bắc Nam, dài hơn 82m. Kiến trúc thời Trần phát lộ là dấu tích nền móng cung điện có hệ thống bó nền bằng gạch xếp theo hình hoa chanh đặc trưng của nghệ thuật thời Trần. Nhận biết rõ ràng nhất về di tích thời Lê là hệ thống 4 di tích giếng nước được xây xếp hỗn hợp bằng vật liệu gạch, đá và gạch vồ. Tại khu B đã xuất lộ kiến trúc “nhà dài” đủ 13 gian với 14 hàng chân cột gồm 11 gian và 2 chái và nhiều hệ thống rãnh nước ngầm và nổi thời Lý. Di tích thời Trần được nhận biết rõ nhất là các dấu tích gạch lát, một số cống thoát nước được xây bằng gạch chữ nhật. Di tích thời Lê khá mờ nhạt, rõ ràng nhất là 3 giếng nước trong đó có 2 giếng được xây bằng gạch vồ và một giếng được xây bằng các loại gạch của thời Lý, Trần được tận dụng lại.
Kết quả của tọa đàm giúp Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học về di tích khu A-B trước khi chính thức bàn giao hồ sơ khoa học này cho UBND TP Hà Nội để làm cơ sở quy hoạch, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị khu di sản.
Nguyễn Cương