Hoàng Thành còn đó một cửa ô
Được lưu giữ đến hôm nay, cửa ô Quan Chưởng là chứng tích rõ ràng nhất về tinh thần bất khuất của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trước bè lũ ngoại bang nhăm nhe san bằng nước Việt.
Trong tâm thức của nhiều người, Hà Nội thường gắn với những công trình tiêu biểu làm nên nét đặc sắc không dễ lẫn với bất kỳ nơi nào. Một trong những nét đặc sắc tiêu biểu ấy là năm cửa ô – phần lớn chỉ còn trong hoài niệm, nhưng có sức sống và sức lan toả mãnh liệt vì đã đi vào thơ từ ca phú, chứ không chỉ nằm yên trên các trang sử.
Thực ra, năm cửa ô nổi tiếng không phải là “sản phẩm” của Hà Nội hiện đại, mà là những công trình gắn liền với Hoàng thành Thăng Long xưa kia.
Thuở xưa, Hoàng thành Thăng Long có nhiều hơn năm cửa ô. Trải bao sự biến trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm, những cửa ô xưa cũ mất dần đi. Năm cửa ô còn được nhớ đến hôm nay, cũng chỉ còn lại cửa ô Quan Chưởng hiện hữu. Bốn cửa ô khác chỉ là những hoài niệm.
Được lưu giữ đến hôm nay, cửa ô Quan Chưởng là chứng tích rõ ràng nhất về tinh thần bất khuất của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trước bè lũ ngoại bang nhăm nhe san bằng nước Việt.
Cửa ô Quan Chưởng vốn có tên là cửa ô Thanh Hà (Thanh Hà môn), do nằm ở phần tường thành phía Đông, lại thuộc phường Đông Hà cổ (thời Lê) – một trong 36 phường cổ đất Thăng Long – nên còn được biết đến với cái tên Đông Hà môn.
Ba chữ Hán “Đông Hà môn” còn được lưu giữ phía ngoài, bên trên cửa chính ô Quan Chưởng
Theo quan điểm của một số nhà sử học, Thanh Hà môn được xây dựng từ năm 1749, là một trong nhiều cửa của vòng thành bảo vệ kinh đô. “Cửa ô Quan Chưởng có thể có từ thời Lê, vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) đã đắp thành đất bao quanh kinh đô Thăng Long, có mở một số cửa ô”, Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá – đồng tác giả cuốn sách Đường phố Hà Nội – khẳng định.
Đến triều Nguyễn (năm Gia Long thứ ba – 1871), Thanh Hà môn được xây dựng lại kiên cố hơn. Cửa ô Quan Chưởng còn lại cho đến hôm nay chính là cửa ô được dựng lại thuở ấy.
Cửa ô Quan Chưởng bao gồm một cửa chính cao 3m và hai cửa ngách. Các cửa này được xây bằng gạch đỏ theo kiểu cửa thành cổ, nhưng cũng phảng phất những nét kiến trúc cổng làng Việt xưa.
Mỗi cửa của ô Quan Chưởng xưa kia đều có cánh cửa làm bằng gỗ. Những cánh cửa này được mở ra mỗi ngày để dân chúng được tự do ra vào thành và đóng lại mỗi tối để đảm bảo an ninh.
Phía trên cửa chính là vọng lâu được dùng làm nơi lính canh quan sát. Vọng lâu được trổ cửa ra bốn hướng. Bởi thế, lính canh có thể tiện bề phóng mắt bao quát phải, trái, trước, sau.
Xung quanh vọng lâu có hành lang dựng lan can chắc chắn. Mái vọng lâu được vuốt cong bốn góc – nét đặc trưng của kiến trúc đình chùa hoặc cung đình cổ.
Cửa ô Quan Chưởng hiện còn lưu giữ được tấm bia đá có nội dung nghiêm cấm lính canh nhiễu nhương dân chúng qua lại thành. Đây là tấm bia được dựng theo lệnh của Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu – vị Tổng đốc được đông đảo nhân dân và sĩ phu Hà thành nể trọng, người đã tuẫn tiết để khẳng định tinh thần bất khuất trước quân Pháp ngoại bang.
Phía ngoài cửa ô Quan Chưởng, ngay phía trên cửa chính, là ba chữ Hán. Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, ba chữ ấy là “Đông Hà môn” (một số bài báo dịch sai ba chữ ấy thành “Thanh Hà môn”). Dân chúng từ ngoài vào thành vì thế có thể dễ dàng nhận biết, mình đang vào thành từ cửa nào.
Về xuất xứ tên gọi ô Quan Chưởng, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.
Có người cho rằng, tên ô Quan Chưởng xuất hiện từ cuối thời Lê. Những người đưa ra giả thuyết này giải thích, thời ấy có một vị quan chưởng ấn (quan giữ ấn cho nhà vua). Khi nghỉ làm quan, vị này về mở một ngôi đình bên cạnh Thanh Hà môn. Từ ấy, người dân quen gọi cửa ô này là “cửa ô Quan Chưởng”.
Lại có người nói, thời Nguyễn, một viên quan Chưởng Cơ cai quản một toán lính gồm 400 người được phân công kiểm soát sự ra vào, đi lại ở khu Thanh Hà môn. Thuyền bè qua lại sông Hồng hễ tới khu vực này là phải đến trình báo quan Chưởng Cơ. Bởi vậy, người ta truyền nhau gọi cửa ô đó là Quan Chưởng.
Toàn cảnh phía trong cửa ô Quan Chưởng nhìn từ phố Hàng Chiếu (phía Tây).
Đó là những giả thuyết chưa có minh chứng đủ sức thuyết phục. Một giả thuyết khác – tuy cũng chưa được xác thực nhưng có vẻ như được nhiều người đồng ý hơn – là tên cửa ô Quan Chưởng xuất hiện sau sự kiện Pháp đánh chiếm thành Hà Nội tháng 11/1879.
Theo giả thuyết này, trước sức tấn công của pháo thuyền Pháp, một viên quan Chưởng Cơ cùng 100 thuộc cấp đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn đà tiến của giặc, giúp quan quân trong thành kịp bài binh bố trận.
Sau 10 tiếng đồng hồ chống trả quyết liệt, viên quan Chưởng Cơ cùng 100 lính anh dũng ngã xuống. Nhân dân Hà thành từ đó quen gọi cửa ô Thanh Hà là cửa ô Quan Chưởng. Ấy là một cách vinh danh những tử sĩ đã hi sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Sau khi chiếm được thành Hà Nội, thực dân Pháp tiến hành phá dỡ các vòng tường thành, các cổng thành và cửa ô. Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của người dân Hà Nội, thực dân Pháp phải chùn tay, không dám phá nốt cửa ô cuối cùng.
Bởi vậy, có thể nói, cửa ô Quan Chưởng là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của người dân Hà Nội trước sự chiếm đóng, đàn áp và phách lối của giặc ngoại xâm.
Cũng nhờ tinh thần chiến đấu quyết liệt ấy mà giờ đây, và có lẽ đến muôn đời sau, cháu con Rồng Tiên còn được chiêm ngưỡng một công trình cổ kính của cha ông, để hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Minh Thắng