Di tích Thăng Long: Phải có một quy hoạch khảo cổ
“Chưa bao giờ có một di chỉ cho chúng ta nhiều thông tin quý đến thế. Tôi tin rằng đây cũng là một thông điệp. Giữa lúc chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và hội nhập quốc tế, thì diện mạo tổ tiên hiển hiện ra. Phải chăng đây cũng là điềm báo hiệu vận hội của đất nước?”, Tổng thư ký Hội Sử học VN Dương Trung Quốc đã nói như vậy về cuộc khai quật di tích hoàng thành Thăng Long.
Trong giờ giải lao của kỳ họp Quốc hội, ông Dương Trung Quốc còn cho biết thêm ý kiến về việc bảo vệ di tích kinh thành Thăng Long vừa được công bố rộng rãi với công chúng.
Bệ đá hoa sen – Ảnh: LĐ
* Thưa ông, phát hiện về dấu tích Hoàng thành Thăng Long có ý nghĩa như thế nào đối với giới sử học?
– Chúng ta tự hào là một quốc gia có hàng nghìn năm lịch sử, có một kinh thành Thăng Long gần 1.000 năm tuổi. Nhưng những di sản vật thể của chúng ta cho đến nay rất là khiêm tốn.
Chúng ta có di tích Mỹ Sơn của dân tộc Chăm, Hội An – dấu tích của một thời chúng ta tiếp xúc với nước ngoài, kinh đô Huế – dấu tích của triều đại cuối cùng, nhưng cũng xa rời khỏi trung tâm của nền văn minh Đại Việt dù giá trị của nó rất cao. Vậy, chúng ta còn gì ngoài hệ thống truyền thuyết về Vua Hùng dựng nước với khu di tích đất Tổ nhưng phần lớn kiến trúc có rất muộn.
Nếu chúng ta nhìn Chùa Một Cột thì thấy nó cũng có nét đặc sắc của nó, nhưng hình như dân tộc mình nghèo quá, cái gì cũng nhỏ bé? Có lẽ dấu tích duy nhất để lại từ những triều đại xa xưa là những tấm bia rải rác khắp nơi và đặc biệt là cụm bia trong Quốc tử giám, nền điện Kính Thiên.
Còn ở đây – di tích Hoàng thành Thăng Long – ta nhìn thấy hẳn một nền văn hoá bằng hiện vật, và nếu hình dung trên cơ sở đó hoàn toàn có thể phục dựng được. Điều đáng nói nữa là mặc dù chúng ta tiếp nhận văn hoá phương Bắc, nhưng khi xây dựng tổ tiên chúng ta vẫn cố gắng đưa vào những nét rất Việt.
* Các đại biểu Quốc hội, trong đó có ông, suy nghĩ gì về việc phải hoãn xây dựng Nhà Quốc hội do phát hiện này?
– Các đại biểu Quốc hội và các nhà lãnh đạo tôi gặp đều có chung một điểm là rất tôn trọng di sản của ông cha. Có băn khoăn chăng là 2 điều: liệu có gìn giữ được tốt không, và cái giá phải trả như thế nào.
Nhưng dẫu sao chúng ta cũng phải có sự lựa chọn mang tính nguyên tắc thế này: một công trình xây dựng mới thì có thể chọn những địa điểm khác nhau, còn một di chỉ thì không thể di chuyển đi đâu được. Vì vậy, khi lựa chọn phải có sự ưu tiên nhất định đối với công tác bảo tồn. Và bảo tồn không đi ngược với phát triển mà bổ sung cho phát triển.
* Trong trường hợp chúng ta được phép biến nơi đây thành một bảo tàng tại chỗ, dư luận vẫn băn khoăn rằng với năng lực kỹ thuật, tài chính và con người như hiện nay, liệu có thể làm được điều gì “ra tấm ra món”…
– Đúng là chúng ta chưa bao giờ có một công trình kiến bảo tồn ngoài trời tại chỗ thực sự đúng nghĩa của nó. Nhưng những yếu tố thời tiết khắc nghiệt, vùng đất trũng nhiều nước ngầm… cũng phải lưu ý đến. Song không phải vì thế mà chúng ta không dám làm, nếu có chủ trương.
Để bảo tồn các di chỉ ngoài trời, có rất nhiều phương thức. Bản thân một phế tích cũng có giá trị. Người ta chỉ cần nhìn nền móng là có thể hình dung ra. Nếu được phép, chúng ta sẽ đầu tư, không chỉ tiền bạc mà còn có sự hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Còn nếu chưa đủ khả năng phục dựng thì ta sẽ khoanh lại một khu vực hợp lý, để lộ ra, khai thác dần từng lớp, cho đến lúc nào đủ điều kiện.
* Có người nói nên mở rộng diện tích khai quật…
– Rõ ràng nếu nói đến Hoàng thành thì đương nhiên nó rộng hơn diện tích đang khai quật rất nhiều, phải sang tới bên kia đường Hoàng Diệu. Ở đây, chúng ta đang khuôn lại vì có dự án xây dựng. Từ đó cũng nảy ra vấn đề là phải có một quy hoạch khảo cổ. Trên cơ sở ấy, việc sử dụng vùng đất này mới hợp lý hơn, tránh rơi vào tình trạng bị động, khó xử như bây giờ.
Theo TN