Đường dài còn lắm cam go!
TTCN – Con đường để một di sản hay thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thế giới chưa bao giờ ngắn ngủi, đơn giản và bằng phẳng.
VN đã có năm di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên được công nhận: kinh thành Huế, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và mới nhất là khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng. Và bây giờ là hoàng thành Thăng Long mà rất nhiều người tưởng rằng nó sẽ được công nhận một cách đương nhiên.
Nhưng “đường còn xa lắm”- cuộc gặp gỡ với PGS TS Trương Quốc Bình – giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, nguyên cục phó Cục Di sản Bộ Văn hóa thông tin, người đã vác cả tạ hồ sơ đi vận động và đã năm lần thành công- xoay quanh di sản thế giới của VN và những bức xúc của một người làm “ngoại giao văn hóa”.
* Ông có thể nói về những cái lợi của một quốc gia khi có một di sản được thế giới công nhận: nó chỉ là một danh hiệu đơn thuần hay còn những lợi ích gì khác nữa?
– Có nhiều lợi ích thật chứ. Vị thế của quốc gia ấy sẽ được cải thiện đáng kể trong mắt các quốc gia khác, không chỉ về văn hóa mà cả chính trị và kinh tế (di sản thế giới bao giờ cũng gắn với du lịch). Cho nên không phải tự nhiên mà người ta tham gia công ước quốc tế về bảo tồn di sản 1973, và người ta không tiếc công tiếc của để vận động cho di sản của mình được công nhận là di sản thế giới. Trong tổng số gần 200 quốc gia, cho đến năm 2004 cũng chỉ có 774 di sản được công nhận. Điều đó chứng tỏ giá trị và vinh dự của mỗi di sản đã được công nhận
* Nếu thế thì sự vận động có lẽ đóng vai trò quan trọng không kém giá trị của bản thân di sản?
– Tôi không nói như vậy, nhưng cách giới thiệu di sản, nêu rõ được giá trị toàn cầu nổi bật của nó và phương pháp bảo vệ, tôn tạo nó hiện tại được Hội đồng di sản của UNESCO đặc biệt chú ý. Nên lưu ý là trước khi ta có di sản đầu tiên được công nhận (cố đô Huế), chúng ta đã thất bại khá nhiều.
* Vì giá trị di sản không đủ tầm thế giới hay vì công tác chuẩn bị của chúng ta còn kém, thưa ông?
– Cả hai. Chúng ta đưa ra hai di sản để đề nghị (liên tục hai năm 1991 và 1992) là cố đô Hoa Lư và rừng quốc gia Cúc Phương. Với cố đô Hoa Lư, ta giới thiệu đó là kinh đô đầu tiên của một nước Đại Việt thống nhất (sau thời kỳ 12 sứ quân) và độc lập (sau 1.000 năm Bắc thuộc) nhưng những bằng chứng vật chất còn lại không đủ để chứng minh cố đô Hoa Lư còn nguyên vẹn từ thế kỷ 10 (duy nhất chỉ có chiếc cột đá ngoài sân).
Các dấu ấn kiến trúc ở Hoa Lư là sự pha trộn của hai thời kỳ Lê, Nguyễn và cả thời hiện đại. Nó cũng không đủ sức chứng minh sự đồ sộ của Hoa Lư với tư cách là một kinh thành. Đáng buồn hơn nữa là khi đưa ông Richard Engerlhard (trợ lý của tổng giám đốc UNESCO) về Hoa Lư, trong lúc tôi đang hăng hái thuyết minh “đây là kinh thành được bảo vệ xung quanh bằng bức tường núi đá tự nhiên” thì tiếng mìn phá đá vẫn vang rền, một mảnh đá còn bắn trúng vào chân chúng tôi (!).
Còn Cúc Phương, các chuyên gia UNESCO nói nó cũng tương tự các vườn quốc gia của châu Phi nhưng không được bảo vệ tốt bằng, tính đa dạng sinh học đã bị giảm sút, con người can thiệp quá nhiều (họ chỉ ngay vào mấy cái lồng sắt B40 nhốt thú ngay trong khu vực ban quản lý vườn quốc gia). Tất nhiên là thất bại
* Vậy với Huế, làm thế nào để có thể thành công?
– Chúng tôi xới lên vấn đề từ 1987, cùng lúc với việc VN phê chuẩn công ước quốc tế về di sản nhưng lúc đó chưa có kinh nghiệm nên phải đến 1990 mới bắt tay vào làm thủ tục. Năm 1991 trình UNESCO danh sách năm di sản dự kiến là Huế, Hạ Long, Cúc Phương, Hoa Lư và Hương Sơn. Năm 1991, 1992 liên tục bị từ chối như đã nói ở trên nên càng có kinh nghiệm và quyết tâm. Đầu năm 1993 hoàn tất thủ tục, tháng 3-1993 chuyên gia UNESCO vào thẩm định, phải bổ sung và chỉnh sửa rất nhiều.
Tháng 9-1993 vẫn còn nhiều chuyện gay cấn trên bàn hội nghị (di sản Huế là của Bảo Đại hay của quốc gia?). Sau rất nhiều tranh cãi, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng thuyết phục, đến tháng 12-1993 Huế mới chính thức được công nhận. 15kg hồ sơ gồm gần 20.000 trang tài liệu, phim slide, ảnh, băng hình, sơ đồ, cộng với sáu năm trời theo đuổi và công sức của hàng trăm con người mới có được kết quả ấy.
* Có phải vì vậy mà ông khá nhiều lần lên tiếng về việc đừng hi vọng hoàng thành Thăng Long được công nhận một sớm một chiều, và thậm chí không được công nhận nếu chúng ta không thay đổi cách ứng xử với nó?
– Vâng, dù không còn làm công tác “ngoại giao di sản” nữa nhưng vẫn là người trong ngành văn hóa và trong nghề bảo tồn nên tôi cực kỳ sốt ruột. Tôi biết có thể làm cho nhiều người không hài lòng nhưng không thể không nói: tôi có cảm giác là trong sự kiện hoàng thành này, chúng ta đã đặt không đúng người đúng việc. Các nhà khảo cổ và các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội thì hơi ôm đồm trong khi Bộ VHTT và UBND TP Hà Nội, những cơ quan thật sự có trách nhiệm, lại hơi tự ái và né tránh.
Thành quả của các nhà khảo cổ trong việc khai quật và nghiên cứu di tích này thì không còn phải bàn cãi, nhưng lẽ ra Bộ VHTT và UBND TP Hà Nội phải vào cuộc ngay từ đầu và khẩn cấp lên phương án bảo tồn. Làm sao bắt các nhà khảo cổ làm một việc không dính gì đến chuyên môn của họ là thẩm định phương án làm mái che (?!). Chúng ta đang đi chệch hướng.
* Vậy theo ông, chúng ta nên đi theo trình tự nào?
– Trước tiên, Chính phủ phải phân định chức năng quản lý, thành lập bộ máy quản lý – bảo vệ di tích; sau đó phải xây dựng hồ sơ đưa nó trở thành di sản quốc gia. Tiếp theo phải xác định ranh giới khu vực di tích: từ đâu đến đâu, các vị trí trọng điểm, chỗ nào tiếp tục nghiên cứu, chỗ nào giới thiệu cho công chúng như hiện vật bảo tàng…
Sau đó phía VN phải đăng ký vào danh sách dự kiến với Ủy ban Di sản thế giới (và phải có chương trình tổng thể – ví dụ như cùng với di chỉ hoàng thành là hệ thống khảo cổ học Bắc Sơn- Hòa Bình; trong danh sách “chờ” của Trung Quốc bao giờ cũng có 50-70 di sản), vì không bao giờ người ta xét những cái “bất thình lình” mình đưa ra.
Một việc tối quan trọng là phải chứng minh được tính chất toàn cầu nổi bật của hoàng thành. Theo tôi, không nêu ra quá nhiều các giá trị mang tính quốc gia mà chỉ nên chú trọng đặc biệt vào đặc tính nổi bật nhất: hoàng thành là bằng chứng vật chất còn lại của mẫu hình nhà nước phương Đông về quản lý cư dân trong nước và trị thủy. Và cuối cùng là việc của những người thương thuyết trước, trong và sau các hội nghị quốc tế.
Tôi đã từng nói về Phong Nha, Kẻ Bàng liên tục, không ngừng nghỉ ở bất kỳ hội nghị quốc tế nào mà tôi dự trong suốt năm năm trời, cả trong và ngoài nước, cả những hội nghị tưởng như chẳng có gì liên quan. Cũng đừng quên các sứ quán nước ngoài tại VN, đầu tiên là họ biết về di sản của chúng ta, sau đó sẽ là Chính phủ và người dân nước ấy.
* Với tiến độ đó, theo ông, bao giờ hoàng thành Thăng Long của chúng ta sẽ được công nhận là di sản văn hóa thế giới?
– Nếu ngay từ phút này chúng ta bắt tay vào việc và làm rất nghiêm túc thì ít nhất cũng phải năm năm nữa. Đường còn xa lắm. Và gánh nặng này không một mình ai gánh nổi đâu!
THU HÀ thực hiện