Bản đồ Cấm Thành qua sử liệu và dấu vết thực địa

Theo kết quả đã giám định thì khu khai quật 18 Hoàng Diệu chắc chắn nằm trong Cấm Thành, thậm chí nó chỉ cách điện Kính Thiên, trung tâm của Cấm Thành, đúng 87m!

Sử liệu cũng như dấu vết thực địa phát lộ qua các cuộc đào thám sát khu Cột cờ, Đoan Môn; đặc biệt là cuộc khai quật khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu đã cho phép chúng ta xác định rõ vị trí Cấm Thành- khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.

ban-do-cam-thanh

Trục trung tâm của Cấm Thành: Bắc Môn – Hậu Lâu- Kính Thiên- Đoan Môn- Cột cờ.Đường viền đỏ là phạm vi trung tâm của Cấm Thành còn sót lại.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử học Việt Nam:

Về kiến trúc Cấm Thành, theo sử liệu cũng như các dấu vết tại thực địa cho thấy:

Thứ nhất, trung tâm của Cấm Thành là điện Kính Thiên thời Lê sơ; xưa là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý, Trần. Đó cung điện quan trọng bậc nhất, nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Nền điện Kính Thiên bây giờ còn đó với bậc thềm và lan can đá chạm rồng mang đặc trưng nghệ thuật trang trí thế kỷ XV.

Thứ hai là Đoan Môn, cửa Nam của Cấm Thành. Tài liệu sử sách cho biết vị trí của Đoan Môn cũng không thay đổi qua các triều đại. Vừa rồi khảo cổ đã đào thám sát và xác định chắc chắn Đoan Môn còn lại hiện nay được xây dựng từ thời Lê, đến thời Nguyễn có sửa sang lại.

Dưới chân Đoan Môn đã phát hiện dấu tích kiến trúc của thời Lý, Trần. Đoan Môn phải hiểu là cửa Nam phía trong trong cùng của Cấm Thành, bởi theo Phan Huy Chú và Nguyễn Văn Siêu thì phía nam Cấm Thành có ba lần cửa, nhìn trên bản đồ Hồng Đức cũng thấy điều đó. Theo một số tài liệu đời Nguyễn thì Cột cờ được xây dựng trên nền cửa Tam Môn là cửa Nam ngoài cùng của Cấm Thành.

Như vậy là Kính Thiên – Đoan Môn – Cột Cờ/Tam Môn là trục trung tâm của Cấm Thành.

Thứ ba là chùa Một Cột. Theo văn bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi, Duy Tiên, Hà Nam) do Nguyễn Công Bật soạn năm 1121 thời Lý thì chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột dựng ở phía tây Cấm thành. Vậy tường thành phía tây của Cấm thành không thể quá vị trí chùa Một Cột. Theo bản đồ Hồng Đức và nhiều tài liệu địa lý, lịch sử thì ở phía Tây Bắc của Cấm Thành có cửa Tây (Tây Môn) và phía ngoài có núi Khán Sơn và chùa Khán Sơn là nơi vua Lê Thánh Tông lên duyệt binh.

Đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng lại thành Thăng Long, từ năm 1831 đổi tên là thành Hà Nội, thì Khán Sơn nằm bên trong, ở về phía Tây Bắc của thành Hà Nội, nghĩa là nằm ở khoảng cuối Hùng Vương gần Phan Đình Phùng, trước mặt Chủ tịch phủ và Thủ tướng phủ hiện nay. Từ đó, có thể phỏng đoán tường thành phía tây Cấm Thành ở vào khoảng đường Độc Lập đến giữa Quảng trường Ba Đình.

Vậy là ta đã xác định được vị trí trung tâm, trục trung tâm cùng giới hạn phía nam và phía tây của Cấm Thành.

Theo bản đồ Hồng Đức, Cấm Thành có hình chữ nhật, nhưng Đông cung và Thái miếu ở phía đông – theo Nguyễn Văn Siêu – dù nằm trong tường thành bảo vệ nhưng vẫn không được coi là trong Cấm Thành. Như vậy, Cấm Thành gần như hình vuông. Điều này cũng rất phù hợp với việc nhà Nguyễn xây dựng thành Hà Nội trên cơ sở mở rộng Cấm Thành.

Trong chỉ dụ của vua Gia Long có nói thành Thăng Long (Cấm thành) chật hẹp, cho nên phải mở rộng thêm. Thành Hà Nội của nhà Nguyễn vì thế rộng hơn Cấm Thành, nhưng nhỏ hơn Hoàng thành.

Theo kết quả xác định trên thì khu khai quật chắc chắn nằm trong Cấm Thành và chỉ cách điện Kính Thiên chưa đầy 100 m tức gần vùng trung tâm của Cấm Thành. Trong lịch sử thành Thăng Long, La thành (hay Đại La thành), Hoàng Thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành (còn gọi là Cung thành) thì gần như không thay đổi.

Chỉ có kiến trúc bên trong thì dĩ nhiên qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử.

PGS-TS Tống Trung Tín-Phó Viện trưởng, Viện Khảo cổ học Việt Nam:

Chính sử ba thời kỳ lớn Lý, Trần, Lê đều ghi rất rõ: xung quanh điện Kính Thiên thời Lê (chính là xung quanh điện Thiên An thời Lý, Trần) dày đặc các cung điện. Vị trí khai quật của di tích 18 Hoàng Diệu cách điện Kính Thiên đúng 87m, xuất lộ dày đặc các dấu tích cung điện rất phù hợp với sử liệu Lý, Trần, Lê.

Từ trung tâm của điện Kính Thiên cho đến Đoan Môn (trên trục chính của Cấm Thành), ta đã thăm dò khảo cổ học ở vị trí trước Đoan Môn, tìm thấy dấu vết Ngự đạo. Nhiều người cho rằng cứ tiếp tục tìm ở quanh đó thì sẽ thấy các cung điện, nhưng suy luận theo các tài liệu lịch sử thì sẽ thấy ở đó chỉ có điện Kính Thiên, Đoan Môn, điện Thị Triều, còn lại sẽ là đường vua đi (ngự đạo) và sân rồng.

Trong khi đó, khi khai quật hố A20 (khu A), các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng như Nhật Bản khi nghiên cứu kiến trúc phân bố của các trụ móng cột cũng như kỹ thuật bó nền của nó thấy dấu vết còn ăn sâu vào đường Hoàng Diệu thì thấy rõ đây là những kiến trúc rất lớn, chạy từ Hố A20 vắt qua đường Hàng Diệu sang phía khu thành cổ Hà Nội hiện nay.

Những kiến trúc này đều được gia cố bằng hệ thống móng trục bằng sỏi, gạch, ngói vụn nhồi với kích thước rất lớn, hình dáng gần hình vuông mà mỗi cạnh 1.2 m, chiều sâu 1m. Các chuyên gia nghiên cứu kiến trúc cổ các nước đến đây giúp ta đều nhận định đó phải là những hệ thống móng trụ để đỡ một hệ thống khung cột, mái nhà bên trên rất lớn, phải là những kiến trúc quan trọng của khu vực này.

Ở khu B, khu D cũng tìm thấy những dấu vết kiến trúc như thế. Riêng khu C chỉ mới khai quật thăm dò, nhưng đã thấy nhiều dấu vết kiến trúc quan trọng, lại nằm giữa hai khu B và D.

Rồi ta tìm thấy dấu vết của những cung điện đã ghi trong lịch sử là nằm trong Cấm Thành, như khu A thì tìm thấy dấu vết của Trường Lạc cung, là cung của hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ vua Lê Thánh Tông, sau là Hoàng thái hậu thời vua Lê Hiển Tông. Ta tìm thấy những đồ dùng có ghi rõ Trường Lạc khố (đồ ở cung Trường Lạc) hoặc ghi là Trường Lạc cung (đồ của cung Trường Lạc). Cung của Hoàng hậu, Hoàng thái hậu là cung cấm, không thể không nằm trong Cấm thành.

Ở khu D (sát đường Độc Lập), ta tìm thấy 2 dấu vết quan trọng. Thứ nhất là ngói thời Trần có ghi Hoàng Môn Thự, cơ quan đầu não gần vua nhất, giúp mọi việc cho các vị vua thời Trần nằm trong Cấm Thành. Ta còn thấy dấu vết của điện Kim Quang thời Lê qua những viên ngói ghi rõ “Kim Quang điện”, rồi gạch của hàng chục phiên hiệu quân đội thời Lê ở đây.

Nghiên cứu chi tiết các di vật tìm được ở đây lại càng tìm thấy nhiều bằng chứng của khu trung tâm Cấm Thành. Hàng vạn viên gạch tìm được của rất nhiều thời kỳ, trong đó sớm nhất là gạch “Giang Tây quân” từ thời thành Đại La (thế kỷ VII đến IX), rồi gạch Long Thụy Thái Bình từ năm 1057… hệ thống trang trí toàn là những biểu trưng của nhà vua như rồng, hoa sen, hoa cúc.

Kèm theo đó là một hệ thống di vật những đồ dùng trong hoàng cung như bát, đĩa, chum, vại đều ở trình độ cao. Như đồ gốm sứ cao cấp thời Lý, Trần, gốm mỏng thời Lê trình độ không kém gì Trung Quốc, hoa văn rất đẹp, biểu trưng cho các quyền uy của hoàng gia. Đặc biệt tìm thấy ở khu D những lá kim loại màu vàng của thời Lý có chạm khắc hình rồng – theo các chuyên gia trong và ngoài nước thì những chiếc lá kim loại bằng vàng, màu vàng chỉ tượng trưng cho vua)

Những bằng chứng này đã đủ khẳng định di tích 18 Hoàng Diệu thuộc Cấm Thành, thậm chí là trung tâm của Cấm Thành.

Ở Bắc Kinh, mấy chục năm trước dân phá lớp thành ngoài cùng (tương đương thành Đại La của ta) để lấy gạch xây nhà, vài năm gần đây Chính phủ Trung Quốc có chủ trương tôn tạo lại toàn bộ vòng thành ngoài (tương đương những con đường như Đê La Thành, Hoàng Hoa Thám), người dân đã dỡ toàn bộ gạch cổ của nhà mình ra để góp sức tôn tạo đúng như nguyên bản.

Theo VietNamNet

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button