Vị trí địa lý Thành Cổ Loa
Lần thứ nhất Hà Nội (hay nói chính xác hơn là vùng ven Hà Nội) trở thành kinh đô là khi Thục An Dương Vương thống nhất hai tộc Âu Việt và Lạc Việt trở thành vua Việt cổ cho xây dựng Loa thành tạo nên kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc
Đánh dấu một bước phát triển đáng kể của việc chuyển dịch Trung tâm chính trị người Việt cổ từ trung du về đồng bằng, tạo nên sự lớn mạnh thực sự của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Việt Nam cổ đại.
Cái lần thứ nhất dời đô của Thục Phán không chỉ còn ghi lại trong các truyền thuyết mà còn được chứng minh qua vô vàn dấu tích và các di chỉ khảo cổ học. Song có một giai đoạn khá cường thịnh của Hà Nội xưa ít được nhắc tới gắn liền với tên tuổi của Lý Bí (năm 544) với chiến thắng chói lọi quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, lên ngôi trị vì, tự xưng là Nam Việt đế (hoàng đế Phương Nam) để đối chọi với hoàng đế phương Bắc.
Vị hoàng đế này đã không đóng đô ở quê nhà (Thái Bình) như các vua Hùng hay Bà Trưng với tư tưởng thủ lĩnh địa phương nặng nề mà đã chọn Hà Nội để định đô. Vị hoàng đế này cũng là người đầu tiên đặt quốc hiệu cho nước là Vạn Xuân, và thành Cổ Loa đến thời ông cũng đã được mở mang rộng hơn rất nhiều, trở thành kinh đô của Nam Việt đế – vị vua đầu tiên của thời quân chủ phong kiến Việt Nam.
Những dấu tích xưa còn lại cho ta biết, Lý Nam Đế ngay khi xây dựng kinh đô đã cho dựng một tòa thành ở cửa sông Tô Lịch (năm 545) để ngăn chặn quân xâm lược nhà Lương của Nam triều Trung Quốc. Cũng chính ông chứ không ai khác cho dựng chùa Mở Nước (chùa Khai Quốc, sau là Trấn Quốc bên bờ Hồ Tây) và cháu Lý Nam Đế khi nối ngôi tự xưng là Lý Phật tử – con Phật chứ không phải con trời (Thiên tử) như tư tưởng Trung Hoa cổ.
Bắt đầu từ Ông Vua của nền quân chủ đầu tiên này, Vạn Xuân đã đình hình khá rõ về tư tưởng, tôn giáo và chế độ xã hội. Lý Nam Đế đặt niên hiệu riêng là Đại Đức cho lịch sử thời tiền Lý chính là khẳng định tư tưởng quân chủ Phật giáo mà ông theo đuổi khác hẳn với quân chủ Nho giáo của Trung Hoa.
Lý Nam Đế cũng là vị vua đầu tiên cho đúc tiền đồng Việt Nam (tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ khảo cổ) mở đầu cho một nền tài chính tự chủ mà các triều đại sau sẽ tiếp tục phát huy. Lý Phật Tử là người kế tục sự nghiệp dựng nước của Lý Nam Đế tiếp tục trị vì tại Cổ Loa thêm được 30 năm thì bị nhà Tuỳ sau khi thống nhất Trung Quốc đem quân xâm lược – kết thúc gần 100 năm độc lập của đất nước Vạn Xuân.
Như vậy, chính Lý Bí chứ không ai khác là người đầu tiên nhận ra được vị thế ưu việt của mảnh đất Hà Nội và đã đưa nó lên một vị trí lịch sử trở thành kinh đô đầu tiên của nền quân chủ trong suốt gần 100 năm.
Với việc đặt tên nước là Vạn Xuân, đề cao Phật học, dựng chùa, đúc tiền, đặt niên hiệu riêng… chính Lý Bí là người đầu tiên khẳng định sự tự chủ độc lập của nền quân chủ Việt Nam bằng một tư tưởng riêng, một con đường riêng, khác hẳn, thậm chí đối nghịch với Phong kiến Trung Quốc thời đó.
Kể lại câu chuyện xưa đúng vào lúc thành phố sắp lập thêm hai quận mới mà một trong số đó là Vạn Xuân, chính là để thêm một lần nhớ lại vị vua tài giỏi của nước Việt những năm đầu công nguyên đã có công phát hiện ra Hà Nội – một thủ đô tự nhiên của đồng bằng Bắc Bộ – mở đường cho một truyền thống Hà Nội – Thăng Long của các triều đại Lý – Trần – Lê oanh liệt sau này.