Cần quan tâm tới cố đô Hoa Lư và thành Cổ Loa
Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ không thật trọn vẹn nếu chúng ta chú tâm xây dựng các công trình, đền đài kỷ niệm mà không quan tâm đúng mức tới các giá trị lịch sử – văn hóa – kiến trúc của các di tích xưa.
Trở về với cố đô Hoa Lư. Ngược dòng thời gian, năm 968 sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư,”đắp thành đào hào, đặt cung điện đặt triều nghi”. Đến năm 984, Lê Hoàn lên ngôi Vua tiếp tục”dựng nhiều cung điện, làm điện Bách bảo thiên tuế ở núi Đại Vân, bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc”…
Theo tác giả Nguyễn Văn Trò, người đã dày công nghiên cứu về cố đô Hoa Lư, thì thành Hoa Lư được chia thành hai khu vực: Thành nội và Thành ngoại. Tương truyền, khu Thành ngoại là nơi dựng cung điện chính, Thành nội gọi là Khố nhi xã hay Thư nhi xã là nơi ở và làm kho. Thành Hoa Lư mang tính chất là một thành trì quân sự nhưng nó vẫn là kinh đô của cả nước với ý nghĩa là trung tâm chính trị kinh tế và văn hoá thời bấy giờ. Như thế, mong mỏi của khách thập phương tận mắt nhìn thấy hồn cốt diện mạo kinh thành Hoa Lư thay vì chỉ được chiêm ngưỡng hai ngôi đền tưởng nhớ tới những vị vua anh minh là điều dễ hiểu.
Một toà thành bề thế giàu giá trị lịch sử văn hoá kiến trúc như thế nhưng đến nay, du khách thập phương chỉ có thể tiếp cận những giá trị xung quanh hai ngôi đền tưởng nhớ Vua Đinh, Vua Lê được xây dựng cách đây trên 300 năm, cùng một số di tích, hiện vật khác chưa nổi bật bởi dấu vết thời gian. Kỳ vọng của du khách muốn thấy hình hài toàn bộ khu di tích thành Hoa Lư với tư cách là kinh đô của nước Việt thế kỷ X, để từ đó cùng với kinh đô Thăng Long, nước ta sẽ có một bộ sưu tập kinh thành riêng có.
Cố đô Hoa Lư
Truyền thuyết kể rằng sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, triều đình đã an táng ông ở sơn lăng Trường Yên với 99 chiếc quan tài được đưa vào trong núi. Sách”Đại Việt sử ký toàn thư”viết vào thế kỷ XV ghi nhận truyền thuyết này và nêu rõ, chỉ có trên núi Mã Yên (trước đền Vua Đinh hiện nay) là có lăng Vua Đinh. Riêng chi tiết này đã chứa đựng yếu tố mầu nhiệm cuốn hút sự tìm tòi của du khách. Giả thuyết đặt ra là, phải chăng đây chính là nơi quàn một trong 99 quan tài có di hài của Vua Đinh? Điều này chỉ có câu trả lời khi dự án khai quật của các nhà khảo cổ được tiến hành. Nhưng việc dựng lăng trên núi Mã Yên (núi yên ngựa) là có dụng ý đề cao tinh thần thượng võ của Vua Đinh Tiên Hoàng, qua đó giáo dục tinh thần thượng võ của dân tộc phục vụ sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Những điều lý thú như vậy chỉ có thể đến được khách tham quan, nhất là các em học sinh thông qua giọng truyền cảm của các hướng dẫn viên dày dạn kiến thức lịch sử văn hoá.
Để thoả lòng mong mỏi của người dân cả nước, trong nhiều hạng mục công trình tại cố đô Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt dự án khai quật khảo cổ di tích cố đô với mức đầu tư 31 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Long – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình bày tỏ, chỉ có sự thành công của dự án khảo cổ này mới lột tả toàn bộ diện mạo kinh thành Hoa Lư thế kỷ X.
Khách tham quan cũng không ít lần bày tỏ băn khoăn mỗi khi có dịp trở lại thành Cổ Loa. Bởi với thời gian, dấu tích tường thành xưa còn đó nhưng nhiều khu vực đã bị xâm lấn làm nhà ở cũng như công trình khác như báo chí đã từng lên tiếng. Câu chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa vì thế khó có thể kể hết bằng những gì chúng ta chứng kiến hiện nay nếu muốn giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ. Cũng đã có những đường chì định vạch chỉ giới làm đường giao thông nguy cơ xâm thực khu vực di tích khiến Giáo sư Phan Huy Lê và các nhà sử học phải lên tiếng.
Còn quá nhiều việc phải làm trong khi thời gian đến ngày đại lễ không còn xa. Việc thực hiện các dự án khảo cổ ở Hoa Lư hay phục dựng thành Cổ Loa là khó có thể kịp. Nhưng những di tích đó, công trình và cả đào tạo con người đó luôn là một phần của lịch sử đặc biệt có ý nghĩa không thể chúng ta không làm.