Đi tìm dấu tích La thành
La Thành, hay thành Đại La, là một phần trong quần thể kiến trúc Thăng Long xưa. Đó là vòng thành ngoài cùng bảo vệ Hoàng thành Thăng Long trải qua nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Tuy đức vua Lý Thái Tổ là người có công tìm ra Thăng Long làm “nơi thượng đô của Kinh sư muôn đời”, nhưng tên La Thành không phải đến triều Lý mới xuất hiện. La Thành hay thành Đại La đều là những tên gọi xuất hiện từ thời nước ta bị nhà Đường xâm chiếm. Khi ấy, nhà Đường cho dựng thành Đại La làm nơi đóng An Nam đô hộ phủ. Tuy vậy, những vết tích còn lại của La Thành còn lại đến bây giờ không phải là La Thành do Cao Biền đắp, mà phần nhiều là do các triều đại từ nhà Lý tu sửa nhiều lần.
Theo các tư liệu lịch sử, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long có chi tiết: Đoàn thuyền của nhà vua vừa cập bến Nhĩ Hà, bên thành Đại La, thời có rồng vàng bay lên. Bởi thế, nhà vua mới đặt tên Kinh đô là Thăng Long với ý nghĩa đây là mảnh đất rồng bay lên. Từ căn cứ này có thể khẳng định phía Đông thành Đại La giáp với sông Nhĩ. Dựa vào tư liệu cổ, nhiều nhà khoa học cho rằng, vào thời Lý, sông Nhĩ ăn gần đoạn dốc Hàng Than (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm), chạy xuôi tới đền Bạch Mã (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) và đền Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng). Như vậy, đoạn tường thành phía Đông của thành Đại La chạy dọc từ khu vực dốc Hàng Than, xuôi xuống khu vực đền Bạch Mã và đền Hai Bà Trưng.
Dựa vào cách gọi dân gian vùng Bưởi và Quần Ngựa, gọi phố Hoàng Hoa Thám là Lý thành, tức thành nhà Lý, các nhà khoa học đưa ra nhận định: Đoạn tường thành phía Bắc thành Đại La chính là đường Hoàng Hoa Thám, thẳng tới khu vực đường Phan Đình Phùng (nơi vẫn còn lưu giữ Bắc Môn, cửa thành phía Bắc thành). Điều này cũng phù hợp với ghi chép tại Đại Việt sử ký toàn thư, rằng đền Đồng Cổ được vua Lý Thái Tông xây dựng theo sự báo mộng của thần, vị trí nằm “ở bên hữu, trong thành Đại La”. Mà đền Đồng Cổ hiện cũng đang nằm về bên phải của phố Hoàng Hoa Thám. Chính vì thế, nhiều nhà khoa học đã dự đoán, dưới đường Phan Đình Phùng là con hào bảo vệ mặt Bắc thành Đại La xưa kia.
Các thư tịch cổ chép rằng cửa Tây Dương của thành Đại La mở thông với cầu Tây Dương. Cầu Tây Dương xưa kia nằm ở khu vực Cầu Giấy, bắc qua con sông Tô Lịch hiện nay. Nói cách khác, cửa Tây Dương nằm ở khu vực cửa ô Cầu Giấy. Như vậy, đoạn tường thành phía Tây thành Đại La chính là đường Bưởi chạy ven sông Tô Lịch hiện nay, bắt đầu từ Yên Thái đến Cầu Giấy.
Sử chép rằng khu vực luyện võ của các quan võ thời Lý là Xạ Đình, thời Trần đổi thành Giảng Võ đường, nằm ở phía Nam thành Đại La. Khu vực Xạ Đình, hay Giảng Võ đường, xưa kia nay chính là khu vực Giảng Võ.
Đàn Xã Tắc được lập ở ngoài cửa Trường Quảng mà thư tịch cổ có ghi cũng mới được phát lộ năm 2006 tại khu vực cửa ô Chợ Dừa. Như vậy, cửa Trường Quảng chính là cửa ô Chợ Dừa hiện nay. Di tích Đàn Xã Tắc được phát lộ nằm về phía ngoài đường đê La Thành là hoàn toàn phù hợp với cứ liệu lịch sử.
Năm 2007, các nhà khảo cổ học cũng đào thám sát tại khu vực ô Cầu Dền. Căn cứ vào những di vật thu được từ đợt đào thám sát này, các nhà khoa học đã đưa ra nhận định: Cửa Nam thành Đại La chính là cửa ô Cầu Dền và Đàn Nam Giao nằm ở khu vực Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo nằm giữa khu vực phố Bà Triệu, Thái Phiên, Mai Hắc Đế, Đoàn Trần Nghiệp.
Từ những phân tích trên, các nhà khoa học khẳng định rằng đoạn tường thành phía Nam của thành Đại La bắt đầu từ khu vực ô Cầu Giấy, chạy qua ô Chợ Dừa, theo đường Kim Liên chạy thẳng tới ô Cầu Dền và ô Đống Mác, khép kín một vòng La Thành.
Như vậy, công trình thành Đại La thời Lý chạy từ khu vực dốc Hàng Than, bám dọc theo sông Nhĩ, xuôi xuống khu vực đền Bạch Mã và đền Hai Bà Trưng, ô Đống Mác, chạy qua ô Cầu Dền, ô Cầu Dừa, cắt qua Giảng Võ, về ô Cầu Giấy, chạy theo đường Bưởi tới Yên Thái rồi dọc theo đường Hoàng Hoa Thám khép kín tại khu vực dốc Hàng Than. Bốn mặt tường thành La Thành được bao bọc bởi con hào tự nhiên phía Đông là sông Nhĩ (nay là sông Hồng); phía Nam là sông Kim Ngưu; phía Tây Nam, phía Tây và phía Bắc là sông Tô Lịch.