Cung vua hoang hóa, phủ chúa thênh thang

Sau khi đánh đuổi nhà Mạc, Trịnh Tùng xưng là Bình An Vương, định lệ cấp bổng lộc cho vua Lê chỉ được thu thuế 1.000 xã, cấp cho vua 5.000 lính làm quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền rồng. Vua Lê bấy giờ chỉ còn giữ được danh nghĩa, còn thực quyền đều rơi vào tay nhà chúa cả.

Bổng lộc bị hạn chế, quyền hành không có nhiều, vua Lê không đủ lực để giữ gìn những tòa cung điện lộng lẫy vốn có từ trước. Việc làm mới cung điện lại càng hạn chế. Nhiều cung điện của vua Lê bị bỏ hoang. Ngay cả điện trên nền Nùng Sơn cũng không dùng làm nơi thiết triều, mà biến thành điện Kính Thiên, là nơi thờ trời đất. Mỗi tháng đôi lần, vua coi chầu ở điện Cần Chánh, viện Đãi Lậu. Hai bên điện bị bỏ hoang lâu ngày, “nối nhau sụp đổ, cỏ mọc lên thềm và ngập đến đầu gối, phân ngựa vấy ra bừa bãi”.

dai-la-5

Cỏ lá bao trùm lên những lầu son gác tía…

Không chỉ cung điện bị hoang phế do không được tu bổ thường xuyên, tường Hoàng thành cũng bị sụp đổ gần hết. Sử còn ghi, cuối thế kỷ XVIII, khi quân Tây Sơn ra Bắc phò vua Lê, bẻ gẫy sự chuyên quyền của chúa Trịnh, thì Hoàng thành chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng và Đông Hoa. Nhà Tây Sơn bèn giúp vua Lê đắp lại Hoàng thành đoạn từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng.

Trong khi hoàng cung bị hoang hóa đến mức “cỏ mọc tới đầu gối, phân ngựa vấy ra bừa bãi”, thì phủ Chúa lại quá đỗi thênh thang, bề thế, lộng lẫy với những tòa ngang, dãy dọc sơn son thếp vàng, đèn hoa giăng mắc lung linh. Quần thể kiến trúc thuộc phủ chúa Trịnh được xây dựng trên một diện tích rộng lớn, tập trung chủ yếu ở phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm, trải dài sang tận phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm, kéo sát tới bờ sông Nhĩ, tức sông Hồng ngày nay.

Phủ chúa Trịnh được xây dựng chẳng khác khu Hoàng thành của những bậc đại đế. Toàn bộ khu Phủ chúa có hình vuông với tường thành bao quanh, mở 2 cửa ra ngoài là Chính môn phía Nam và Tuyên Vũ môn phía Đông trông ra hồ Hoàn Kiếm. Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, chúa Trịnh cho dựng nhiều công trình, trên Gò Rùa (gò đất giữa hồ Hoàn Kiếm, nay còn Tháp Rùa ở trên), chúa Trịnh cho dựng Tả Vọng Đình. Đáng kể nhất có lẽ là công trình lầu Ngũ Long cao tới 300 thước (120m). Tả Vọng Đình khắc họa hình 5 con rồng, mình rồng được gắn bằng những mảnh sứ và đá cẩm thạch.

Khu chính Phủ chúa là một quần thể lâu đài nguy nga, tráng lệ với 52 công trình lớn. Các tòa dinh thự trong Phủ chúa đều được làm 2 tầng, có nhiều cửa lớn nguy nga với khung nhà làm toàn bằng gỗ lim, được sơn son thếp vàng. Những tòa ngang, dãy dọc nguy nga ấy được mô tả ở rất nhiều tư liệu cả trong và ngoài nước, trong đó có tác phẩm Thượng Kinh ký sự nổi tiếng của Lê Hữu Trác. Quần thể lâu đài tráng lệ cùng với vô số hoa thơm, cỏ lạ, chim muông quý hiếm, hồ, suối uốn quanh, non bộ hài hòa tạo thành khung cảnh đẹp tới mức Lê Hữu Trác phải thốt lên rằng “thực chẳng khác gì cõi tiên vậy”.

Càng về sau, những vị chúa Trịnh đời sau vừa chuyên quyền, vừa xa đọa, tàn ác nên nhà Tây Sơn đem quân ra đánh dẹp, giúp vua Lê lấy lại thực quyền. Với sự trợ giúp của nhà Tây Sơn, vua Lê, bấy giờ là Lê Chiêu Thống, mới thoát khỏi sự kiềm chế của chúa Trịnh. Để trừ hậu họa, vua Lê Chiêu Thống bèn cho đốt cháy toàn bộ khu Phủ chúa. Khu Phủ chúa rộng lớn, lại có quá nhiều công trình nên lửa bốc lên ngút trời, cháy lan sang cả nhà dân. Đám cháy thiêu trụi 2/3 Kinh thành Thăng Long. Đây được coi là vụ hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử Kinh thành Thăng Long. Cả một quần thể kiến trúc nguy nga, lộng lẫy, bề thế của các đời chúa Trịnh, sau 10 ngày chìm trong biển lửa, đã tan thành tro bụi.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button