Mối liên hệ giữa Hoàng thành và Kinh thành

Khi vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (1010), miền đất này đã là một trung tâm có nền kinh tế, văn hóa khá phát triển, dân cư đông đúc, buôn bán thinh vượng. Công việc kiến thiết Kinh thành, Hoàng thành và “Cấm thành” đã thừa kế các công trình kiến trúc từ các thời trước.

hoangthanh12

Về mặt địa lý, đất Thăng Long nằm giữa đồng bằng đông dân, trù phú lại ở vào vị trí đầu mối của những đường giao thông trọng yếu mà lúc bấy giờ chủ yếu là đường sông. Thuyền bè có thể xuôi ngược khắp đất kinh kỳ và có thể theo sông Hồng và tỏa ra cả hệ thống sông, ngòi và vùng châu thổ Bắc Bộ.

Thăng Long với kiến trúc ba vòng thành bao bọc nhau (tam trùng thành quách) và kết cấu trong thành ngoài thị, đã sớm được hoạch định. Vòng thành ngoài cùng bao bọc toàn bộ khu vực thành và thị gọi là La thành (Kinh thành). Kinh thành được giới hạn bằng ba con sông, phía đông là sông Hồng, phía bắc và phía tây là sông Tô Lịch, phía nam là sông Kim Ngưu, tòa thành này đắp bằng đất với chức năng vừa phòng vệ vừa là đê ngăn lũ lụt, và do đó các con sông cũng là những hào nước che chở. Vòng thành giữa là Hoàng Thành và vòng thành trong cùng gọi là Cung thành hay Cấm thành là nơi ở, làm việc của vua và Hoàng gia. Cấm thành từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19 hầu như không thay đổi.

Khu dân cư phía ngoài Hoàng thành được chia ra làm các phường, trong đó có những phường nông nghiệp, phường thủ công nghiệp và phường thương nghiệp. Trong khu vực này đã mọc lên một số kiến trúc tôn giáo như, năm 1028 xây đền Đồng Cổ trên bờ sông Tô Lịch, năm 1049 xây chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở phía tây Hoàng thành, năm 1057 xây tháp Báo Thiên, năm 1070 xây Văn Miếu và nhà học cho thái tử đến năm 1076 phát triển thành Quốc Tử Giám, nơi giáo dục đào tạo con em Hoàng Gia và quan lại.

Như vậy, chỉ trong khoảng trên một trăm năm, sau khi trở thành kinh đô, Thăng Long đã được xây dựng nhiều công trình lớn và thực sự trở thành trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa lớn nhất, tiêu biểu của cả nước. Thành lũy, cung điện, chùa chiền, các phố phường nơi sản xuất và buôn bán sầm uất… tất cả hòa quyện với thiên nhiên tạo nên kinh thành – kinh đô của cả nước.

hoangthanh13

Mối liên hệ giữa Hoàng thành và Kinh thành

Kinh thành Thăng Long là khu vực trung tâm chính trị của cả nước giữ vai trò đầu não của nhà nước, trung ương tập quyền. Phía ngoài là khu vực thành thị dân sự bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường công thương và một hệ thống bến, chợ của Kinh thành.

Kinh thành được giới hạn bởi hệ thống vòng thành bao bọc nhằm mục đích ngăn lũ lụt và cũng là để phòng thủ khi có quân giặc tới. Đất đai của vùng kinh thành rộng rãi là nơi cho các quan lại, các ông hoàng bà chúa ra lập dinh thự. Ngoài ta, đây cũng là nơi nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, làm giấy…phục vụ cho Hoàng thành những sản phẩm với chất lượng cao. Từ khắp các làng quê, những thương nhân, những thợ khéo tay đổ dồn về kinh đô mang theo những đặc sản, những nét tinh hoa văn hóa của vùng quê mình để góp phần làm giàu đẹp thêm cho kinh kỳ.

Khu Hoàng thành được bao bọc bởi một bức tường thành. Hoàng thành thời Lý có bốn cửa lớn thông ra bốn phía kinh thành: cửa Diệu Đức phía Bắc, cửa Tường Phù phía Đông, cửa Đại Hưng phía Nam và cửa Quảng Phúc phía Tây. Các quan từ ngoài vào Hoàng thành chầu vua đều phải đi qua cửa Đại Hưng, các cửa Tường Phù và Quảng Phúc đều thông ra khu dân cư đông đúc. Cửa Diệu Đức ở phía Bắc, trông ra Hồ Tây, nơi mà các vua chúa Việt Nam từ đời Lý về sau đều thường tới du ngoạn, giải trí và được coi là thắng cảnh bậc nhất của Kinh thành.

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong lòng Thủ đô Hà Nội ngày nay

Thăng Long – Kinh đô của nước Đại Việt đã từng rất phồn thịnh vào các thế kỉ 11 – 15, dưới triều đại Lý – Trần – Lê Sơ. Nhưng do nhiều nguyên nhân và biến cố lịch sử, những dấu tích về một Kinh đô Thăng Long xưa đến nay chỉ còn lại những hoài niệm về một Kinh đô đẹp đẽ, tráng lệ và thanh lịch, khiến cho chúng ta hôm nay không thể không lần tìm, khôi phục lại.

Toàn bộ dấu ấn về diện mạo của Kinh đô Thăng Long đến nay dường như chỉ còn lưu lại trên mặt đất từng đoạn thành của vòng thành ngoài. Năm 2002 – 2003, một cuộc khai quật khảo cổ với qui mô lớn ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã lộ ra nhiều di tích và di vật phong phú, đa dạng để từ đó cho chúng ta hiệu sự phát triển liên tục của lịch sử qua các triều đại ở Thăng Long – Hà Nội.

Hiện nay, khu trung tâm Hoành thành Thăng Long Hà Nội (bao gồm trục chính tâm của Hoàng thành và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) nằm trên một khuôn viên khá rộng, hơn 18 ha, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội được giới hạn bởi Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Văn Thụ; Phía Tây giáp đường Hoàng Diệu, đường Độc Lập và khuôn viên Hội trường Ba Đình; Phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khuôn viên Hội trường Ba Đình;Phía Tây Nam giáp đường Điên Biên Phủ; Phía Đông giáp: đường Nguyễn Tri Phương.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button