Tìm hướng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội

(Chinhphu.vn) – Hà Nội có số di tích văn hóa – lịch sử được xếp hạng quốc gia đứng đầu cả nước, với gần 400 di tích. Tuy nhiên việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng đang đặt ra những vấn đề bức thiết.

bacmon

Bắc Môn ở Hoàng Thành Thăng Long

Những bất cập cần được giải quyết

Điều khiến các nhà nghiên cứu lo ngại là nhiều di sản, nhất là các di sản phi vật thể đang bị mai một, gây khó khăn cho việc phát huy giá trị của di sản.

PGS.TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lo ngại về tình trạng thương mại hóa, lộn xộn xuất phát từ công tác quản lý yếu kém ở các đình, đền, chùa ở Hà Nội cũng như một bộ phận người dân khi đến đây. Tình trạng này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn các di sản ở Hà Nội.

TS Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội bức xúc về thực trạng rất nhiều di tích của Thủ đô đang được bảo tồn, trùng tu nhưng thiếu sự nghiên cứu khoa học nên làm mất các giá trị gốc của di tích. Cùng đề tài này TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội bày tỏ sự lo ngại khi nói đến tình trạng nhiều di sản của Hà Nội đang bị “trẻ hóa”. Có những di tích hàng 500-700 năm, hoặc 2-3 trăm năm nhưng bây giờ nó trở thành di tích chỉ có một tuổi hoặc hai tuổi. Bà Hảo cho đây là những sai lầm không thể sửa chữa, bởi với di sản văn hóa của dân tộc, không thể có chuyện cứ làm nếu hỏng thì sửa lại.

Một khía cạnh khác, các di tích đền thờ tổ nghề là di sản văn hóa vô giá của Thăng Long- Hà Nội mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có. Thế nhưng ở Hà Nội, với gần 60 tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, thì các di tích thờ tổ nghề lại không được quan tâm chăm nom chu đáo…

Bảo tồn di sản cần cách làm uyển chuyển

Để phát huy hiệu quả của các di sản văn hóa vật thể và vi vật thể quí giá của Thủ đô, UBND Hà Nội đã phê duyệt dự án bảo tồn Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long do UNESCO viện trợ không hoàn lại vởi tổng vốn đầu tư hơn 1,2 triệu USD.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu với mục tiêu trở thành công viên văn hóa lịch sử.

Đây là những điều kiện pháp lý quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội, công tác bảo tồn là vấn đề lớn cần có sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà qui hoạch và nhiều ngành khác chứ không đơn thuần là kinh phí.

TS Đặng Kim Ngọc- Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhấn mạnh, ngoài bảo tồn, cần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của các di sản (như đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, in những ấn phẩm nêu những giá trị cảu di sản…) để khách tham quan và nhân dân hiểu rõ hơn về di sản, từ đó họ sẽ có trách nhiệm với việc bảo tồn di sản. Thêm nữa, cũng cần đặc biệt coi trọng trách nhiệm của giới trẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong quá trình hội nhập.

Về các lễ hội ở Hà Nội, PGS.TS Lê Hồng Lý, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng không thể khai thác theo kiểu “ăn nhanh”. Do đó về lâu dài, chúng ta không thể “ép buộc” mà để cho người dân tự quyết định những vấn đề của mình. Các nhà quản lý, nhà nghiên cứu có ý kiến, nhưng chỉ là định hướng.

Riêng với di sản Hội Gióng, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng điều quan trọng là phải để người dân nhận thức được một cách sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản của mình; không nên phát triển các dịch vụ du lịch ở Hội Gióng, bởi vì theo bà Lý, du lịch và di sản không phải bao giờ cũng song hành.

Là một người dành nhiều năm về các đình thờ tổ nghề ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân lại mong muốn về việc gắn phát triển du lịch với các đình tổ nghề.

Để phát huy giá trị của các di sản văn hóa ở Thủ đô, PGS-TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, ở những di sản văn hóa tiêu biểu thì về mặt quản lý Nhà nước cần được tăng cường. Ông Bài cũng đề cập đến  thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích ở Thủ đô, khuyến khích cộng đồng đóng góp trí tuệ, tiền bạc cho việc tu bổ, tôn tạo.

Mỗi di sản của Hà Nội đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo, bởi theo bà Katherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, không có một giải pháp nào có thể áp dụng được cho tất cả các địa danh, tất cả các di sản. Mục tiêu của việc bảo tồn di sản là làm sao giữ được giá trị của di sản, giá trị tinh thần và đưa giá trị đó thành giá trị vật chất. Bảo tồn di sản là nguồn đầu tư tốt nhất cho tương lai.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button