Sớm trả lại không gian cho điện Kính Thiên

Nằm trong chương trình tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long- di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận, ngày 17 -8, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: Nghiên cứu hoàn trả không gian nền điện Kính Thiên. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của giới sử học, giới khảo cổ học và đông đảo những nhà nghiên cứu khoa học.

 dienkinhthien

Một góc thềm Điện Kính Thiên

Việc phục dựng khác với phục hồi

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long mới đây đã đệ trình thành phố Hà Nội chương trình nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên của Cấm thành và Hoàng thành Thăng Long. Đó là một chương trình nghiên cứu cấp thiết, bởi lẽ cả trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hiện nay- trên mặt đất chỉ còn sót lại 2 dấu tích cực kỳ quý hiếm thuộc thời Lê sơ là nền điện Kính Thiên và Đoan Môn. Theo PGS. TS Phan Khanh, điện Kính Thiên là tên gọi kiến trúc trung tâm quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Đây là nơi nhà vua họp với các đại thần để bàn bạc mọi việc trọng đại của đất nước. Điện Kính Thiên cũng là nơi vua tiếp các sứ thần ngoại giao nước ngoài. Có thể thấy các tài liệu lịch sử như Việt Sử Lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông giám cương mục…đã ghi lại nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở điện Kính Thiên, trước đó gọi là điện Càn Nguyên, điện Thiên An. Chính vì vậy theo ông Phan Khanh, việc nghiên cứu khôi phục lại không gian điện Kính Thiên là quan trọng và cần thiết.

Rất nhiều nhà sử học và các nhà nghiên cứu đã đồng tình với quan điểm này. Nhưng dưới mỗi góc phân tích, lại có những cái nhìn khác nhau, sao cho việc phục dựng không gian điện Kính Thiên vừa đảm bảo tính khoa học cũng như tính pháp lý khi Hoàng thành Thăng Long đã là Di sản văn hóa thế giới. TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích lý giải rằng: trong hoạt động bảo tồn di tích- di sản văn hóa vật thể, việc cần ưu tiên số 1, cũng là mục đích cuối cùng chính là gìn giữ cho được những dấu tích lịch sử cùng với những thông điệp, bằng chứng lịch sử cho các thế hệ mai sau. Vì vậy vấn đề cần đặt ra lúc này là phục dựng hay phục hồi? Bởi hai khái niệm này hoàn toàn khác biệt trong bảo tồn di tích. Nếu phục hồi thì phải dựa trên những cơ sở khoa học xác thực, tin cậy. Tuyệt đối không xuất phát từ các giả thiết về điện Kính Thiên.

Theo đó, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên đã từng được đặt ra nhiều lần. Phương án trả lời cũng đã được đưa ra, đó là chúng ta có thể phục dựng lại di tích này, nhưng chắc chắn đó sẽ không phải là một điện Kính Thiên “đầy đủ” như đã từng tồn tại trong quá khứ. Dẫu vậy, nếu phục dựng được, nó sẽ đưa chúng ta tiếp cận gần hơn với một công trình quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa. Hiểu như vậy thì phục dựng không nhất thiết là phải xây dựng lại toàn bộ công trình điện Kính Thiên xưa, mà có thể là tái hiện công trình theo một hình thức nhất định nào đó, cần phải nghiên cứu tiếp.

Tôn trọng những cam kết với UNESCO

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề đặt ra là phải hoàn trả trước tiên không gian, môi trường của điện Kính Thiên, chí ít trong điều kiện có thể là vào thời Lê. Mà để “đòi” lại không gian điện Kính Thiên, phương án di dời Trụ sở Bộ chỉ huy pháo binh của Pháp trong khuôn viên di tích cũng được đặt ra.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Vụ Văn hóa đối ngoại &UNESCO ( Bộ Ngoại giao), đặt ra việc phục dựng không gian điện Kính Thiên là cần thiết, nhưng Việt Nam cũng phải tôn trọng những cam kết với UNESCO. Khi lập hồ sơ để Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chúng ta đã đề cập tới sự phát triển có tính liên tục của một trung tâm quyền lực. Đặc biệt, trong đó cũng đã có sự hiện diện của Trụ sở bộ chỉ huy pháo bình của Pháp. Hơn thế, khi đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, bất kỳ một thay đổi nào liên quan đến kết cấu của di sản như di dời, phục dựng, phục hồi đều cần phải trao đổi và có sự đồng ý của UNESCO.

Theo TS Lê Thành Vinh, để thực sự khôi phục lại không gian cho điện Kính Thiên cần phải bắt đầu dự án Nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Cùng với những dự án khác về quần thể di tích này, chắc chắn nó sẽ góp phần hữu hiệu trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản văn hóa thế giới.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button