Nghiên cứu phương án phục dựng Điện Kính Thiên
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã trình UBND TP.Hà Nội chương trình nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên của Cẩm thành và Hoàng thành Thăng Long. Đây là một chương trình nghiên cứu cấp thiết vì dấu tích của cả trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở phía trên mặt đất chỉ còn lại nền Điện Kính Thiên và Đoan Môn, được xem là cực kỳ quý hiếm thuộc thời Lê sơ.
Điện Kính thiên
Hội thảo khoa học “Nghiên cứu phương án phục dựng Điện Kính Thiên” được tổ chức vào sáng 17/8 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội với sự tham dự của các nhà khoa học, sử học và các cơ quan quản lý văn hóa, đại diện của UBND TP Hà Nội.
Ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên đã được nêu ra và trao đổi nhiều lần. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một thách đố đối với các nhà khoa học. Theo TS. Lê Thành Vinh, Viện Bảo tồn Di tích, quả thật đây là một việc rất khó khăn vì tư liệu hạn chế. Điều đó đòi hỏi cần giải quyết mối quan hệ giữa phần nổi trên mặt đất với các thành phần bên dưới, xung quanh. Mặt khác, sau khi phục dựng kiến trúc, các thành phần nội thất, yếu tố phi vật thể sẽ giải quyết ra sao? Vì di sản trên mặt đất ở Điện Kính Thiên có quá ít nên vấn đề đặt ra là phục dựng thực tế hay chỉ trên 3D.
Khái niệm “phục dựng” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, với mục đích bổ sung thông tin cho di tích, đưa mọi người đến gần hơn với diện mạo của di tích. Phục dựng không nhất thiết phải là xây dựng lại toàn bộ công trình như đã từng có, phục dựng có thể là tái hiện công trình theo một hình thức nhất định. Có thể chỉ là hình vẽ trên giấy, có thể là hình ảnh 3D, có thể là một mô hình, có thể là một hình ảnh trong không gian thật được tạo ra bằng các hiệu ứng ánh sáng.
Theo dự kiến, khi được phục dựng, điện Kính Thiên sẽ mang thiết kế của thời Lê. TS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích Cổ Loa – Thành cổ cho biết, dự tính việc nghiên cứu phục dựng cũng phải mất khoảng 5 -7 năm bởi cần phải có thời gian để tính toán một cách khoa học.
Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất quán quan điểm, cần thiết và cấp thiết phải nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên trước mắt trên không gian 3D rồi bổ sung dần, sau đó phục dựng trên thực tế với sự tham gia của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia quốc tế.
Theo TS. Lê Thành Vinh, chúng ta có thể phục dựng lại di tích tương ứng với các dữ liệu, dẫu tích vật chất hiện còn trên mặt đất và dưới lòng đất qua các đợt khai quật đã và sẽ thực hiện. Chắc chắn đó không thể là một Điện Kính Thiên “đầy đủ” như đã tồn tại trong quá khứ nhưng sẽ đưa chúng ta đến gần hơn ở mức có thể với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa.
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, là hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của Thành cổ Thăng Long. Trước Điện Kính Thiên là Đoan Môn rồi tới Cột cờ Hà Nội. Điện Kính Thiên chính là nơi cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.
Nhật Nam