Lê Lợi đặt pháp luật quản lý vùng đất thuộc quyền
Ngay từ khi mới đưa quân tiến đánh Đông Quan và đóng quân ở khu vực này, Bình Định vương Lê Lợi đã rất chú tâm đặt ra pháp luật để duy trì trật tự trong khu vực mình quản hạt.
Đầu tiên, Bình Định vương Lê Lợi chia vùng đất mình quản hạt ra làm bốn đạo, mỗi đạo đều cắt đặt các chức quan văn, võ để thuận tiện cho việc quản hạt. Theo như nhà sử học Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương dư địa chí” thì bốn đạo ấy bao gồm Tây Đạo, Bắc Đạo, Đông Đạo và Nam Đạo. Tây Đạo gồm các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Gia Hưng. Bắc Đạo gồm các trấn Bắc Giang, Thái Nguyên. Đông Đạo gồm các trấn Thượng Hồng, Hạ Hồng, Thượng Sách, Hạ Sách và lộ An Bang. Nam Đạo gồm các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương, Thiên Trường.
Vua Lê Lợi
Bấy giờ, nhiều kẻ lợi dụng tà đạo để lừa đảo nhân dân khiến nhiều người oán thán. Lê Lợi bèn ra lệnh cấm mọi hoạt động tà đạo dưới mọi hình thức. Theo lệnh này, bất kỳ ai dùng phép tà ma để đánh lừa người khác đều bị định tội.
Người dân phải lưu lạc do loạn lạc thì được Lê Lợi cho phép về lại nguyên quán, nhận lại tư sản và làm ăn như cũ.
Bấy giờ, Lê Lợi cũng có một điều lệnh rất nhân văn, được lòng người, ấy là chủ trương cho vợ con, người nhà của những người đã từng làm quan với giặc thì không bị giết, mà cho chuộc bằng tiền. Binh lính nhà Minh đã quy hàng thì được đưa về cai quản ở phủ Thiên Trường và các lộ Kiến Xương, Lý Nhân, Tân Hưng và được cho ăn uống đầy đủ.
Với hàng ngũ quan lại thuộc quyền, Lê Lợi đặt ra ba điều răn: Không được vô tình, không được khi mạn, không được gian dâm. Ông cũng yêu cầu các quan lại không được tự ý giết binh sĩ trong trường hợp họ phạm tội trong những ngày thường. Tuy nhiên, trong trường hợp binh sĩ làm trái quân lệnh trong thời gian đang đánh trận, thì tướng lĩnh được toàn quyền xử lý theo đúng phép nước.
Để duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, Lê Lợi đặt ra 10 điều. Bất kỳ ai phạm phải một trong 10 điều ấy thì đều bị xử tội chém đầu. 10 điều ấy bao gồm:
- Trong quân ồn ào không nghiêm.
- Không có việc gì mà đặt chuyện ra để làm cho mọi người sợ hãi.
- Lúc lâm trận, nghe trống đánh, thấy cờ phất mà chùng chình không tiến.
- Thấy kéo cờ dừng quân mà không dừng.
- Nghe tiếng chiêng lùi quân mà không lùi.
- Phòng giữ không cẩn thận, để mất thứ ngũ.
- Lo riêng việc vợ con, mà bỏ việc việc quân.
- Tha binh đinh về để lấy tiền, làm sổ sách mập mờ.
- Theo bụng yêu ghét của mình mà làm lòa mất công quả của người ta.
- Gian dâm, trộm cắp.
Về hiệu lệnh trong quân đội, Lê Lợi đặt ra lệ: Hễ nghe một tiếng súng mà không có tiếng chiêng thì các tướng hiệu phải đến dinh nghe lệnh; nghe hai tiếng súng và hai tiếng chiêng tức là có việc gấp, các quan chấp lệnh phải sắp hàng ngũ, còn quan thiếu úy thì phải đến dinh nghe lệnh; trong lúc lâm trận, nếu thoái lui hoặc bỏ lại người khác đang lâm nguy không cứu thì bị xử tội chém đầu, nhưng nếu hết sức mang được xác tướng lĩnh, binh sĩ tử trận ra thì được miễn tội chết…
Mọi việc thưởng, phạt đều được Bình Định vương Lê Lợi đặt ra rất công phu, nghiêm cẩn và thi hành rất phân minh. Bởi vậy, người dân trong vùng đều rất yên tâm làm ăn, ủng hộ nghĩa quân hết mình. Kỷ luật quân đội nghiêm minh, nên tướng sĩ trên dưới một lòng, kết thành một khối thống nhất, vững mạnh và quyết tâm cao diệt giặc cứu nước. Đây chính là cái gốc, quyết định rất nhiều tới thành công trong công cuộc phất cờ khởi nghĩa, giải phóng dân tộc của nghĩa quân Lam Sơn…
Nguyễn Tào