Vây Đông Quan, diệt viện binh
Sau sự cố lơi là cảnh giác, để Vương Thông đánh úp bất ngờ, gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng, quân đội Lam Sơn đã nâng cao cảnh giác, chỉnh đốn đội ngũ, tiếp tục siết chặt vòng vây thành Đông Quan.
Lợi dụng chủ trương không muốn gây chiến tranh tổng lực vì sợ gây thiệt hại cho cư dân thành Đông Quan của đội ngũ chỉ huy Lam Sơn, Vương Thông tìm mọi cách xin thêm viện binh từ triều đình nhà Minh.
Vua Lê Lợi
Đáp lại mong muốn của Vương Thông, nhà Minh tiếp tục gửi một lực lượng lớn viện binh sang cứu nguy cho thành Đông Quan trước sự vây hãm ngày càng quyết liệt của quân đội Lam Sơn. Trong 20 năm liên tiếp, nhà Minh đã gửi viện binh sang Đại Việt 9 lần và lần cứu nguy cho Vương Thông tại Đông Quan này là lần viện binh lớn nhất. Điều đó cho thấy quyết tâm xâm lược và đặt nền thống trị lâu dài trên đất Đại Việt của nhà Minh lớn đến mức nào. Chúng vẫn dùng chiêu bài “phù Trần, diệt Hồ” để hợp thức hóa cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, xoa dịu sự nổi giận của nhân dân Đại Việt trước dã tâm đặt ách thống trị lâu dài của chúng trên đất Đại Việt. Tuy nhiên, sự mưu mô, xảo quyệt ấy của bè lũ phong kiến phương Bắc không đánh lừa được người dân Đại Việt, càng không đánh lừa được đội quân Lam Sơn dũng mãnh với sự chỉ huy sáng suốt của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và đội ngũ tướng lĩnh giỏi thao lược, thừa mưu mẹo. Biểu hiện rõ nhất là bộ phận chỉ huy quân đội Lam Sơn đã sớm nhận biết được mưu đồ vờ hòa hoãn, chờ viện binh của Vương Thông. Chiến dịch siết chặt vòng vây Đông Quan chính là nhằm cắt đứt mối liên lạc giữa Vương Thông với triều đình nhà Minh.
Tuy đã kiểm soát hoàn toàn mọi di, biến động trong thành Đông Quan, nhưng Lê Lợi và Nguyễn Trãi vẫn đoán định được khả năng nhà Minh sẽ tăng cường tiếp viện cho Đông Quan. Mưu mô của chúng là khi có viện binh sang, quân viện binh sẽ đánh từ ngoài vào, quân trong thành Đông Quan của Vương Thông sẽ đánh từ trong thành ra, đẩy quân Lam Sơn vào vòng vây tấn công tổng lực của chúng. Tuy vậy, tính toán của chúng đã phạm phải sai lầm lớn bởi “nước xa khó cứu lửa gần”, hơn nữa, do đã đoán định trước mưu mô ấy, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tương kế, tựu kế với chủ trương “vây thành, diệt viện”. Một mặt, Lê Lợi vẫn vững vàng siết chặt vòng vây Đông Quan, mặt khác, ông cử tướng lĩnh đón lõng ở các địa điểm xung yếu, sẵn sàng biến những nơi ấy trở thành tử địa của đoàn quân tăng viện nhà Minh.
Trong quá trình bài binh, bố trận và sẵn sàng tiêu diệt viện binh nhà Minh, Lê Lợi vẫn không để Vương Thông có một cơ hội nhỏ đánh ra ngoài thành, mọi thông tin ra vào thành Đông Quan gần như đều bị phong tỏa hoàn toàn. Trong khi đó, Nguyễn Trãi vẫn tăng cường địch vận để dụ hàng Vương Thông. Với những lý lẽ đanh thép, được minh chứng bằng thực tế đại cục cuộc chiến, Nguyễn Trãi đã chỉ cho Vương Thông thấy, y chỉ như con cá trong chậu, quân đội Lam Sơn có thể muốn bắt, muốn giết lúc nào tùy ý. Vương Thông vẫn cố bám lấy niềm tin quân viện binh sẽ sang và chúng sẽ thực hiện thành công chiến dịch “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, nên vẫn chỉ ỡm ờ kéo dài thời gian chứ chưa chịu ký tên vào bản hòa ước rút quân.
Nguyễn Tào