Hội thề Đông Quan

Vốn dĩ thực tâm Vương Thông không muốn đầu hàng, vì hắn biết rất rõ khả năng rất lớn sẽ bị trị tội nặng khi là hàng tướng trở về nước. Nhưng ở vào thế “cá đã nằm trên thớt”, Vương Thông buộc phải thuận tình xin hàng trước nghĩa quân Lam Sơn. Để nhận được sự khoan dung của lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn, mở đường hiếu sinh cho được về nước an toàn, Vương Thông phải uống máu ăn thề cùng lãnh tụ Lam Sơn là Bình Định vương Lê Lợi cam kết sẽ chấm dứt mọi chuyện binh đao xâm lược sau này.

leloi

Vua Lê Lợi

Ngày 22 tháng Một năm Đinh Mùi, tức ngày 10 tháng 12 năm 1427, Hội thề Đông Quan được tổ chức ở phía Nam thành Đông Quan, ngay bên bờ Nhị Hà (nay là sông Hồng). Hội thề được tổ chức bởi chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn.

Buổi lễ diễn ra với sự tham dự của Vương Thông cùng đoàn tướng lĩnh nhà Minh, đoàn Lam Sơn do Lê Lợi dẫn đầu. Trước sự chứng kiến của đoàn nghĩa quân Lam Sơn, Vương Thông phải đọc to “Bài văn hội thề” với nội dung cam kết đình chỉ mọi hoạt động chiến sự, không tái diễn việc xâm chiếm nước Việt, rút hết quân về nước trong thời hạn 5 tháng, không cướp bóc, sách nhiễu nhân dân dọc theo đường rút quân. Sau khi đọc xong “Bài văn hội thề”, Vương Thông uống một bát rượu hòa máu, coi như một cam kết bằng máu về việc sẽ thực hiện nghiêm túc mọi điều được ghi trong “Bài văn hội thề”.

Về phía nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi cũng cam kết sẽ bảo đảm cung cấp đủ lương thực, ngựa, thuyền cho Vương Thông cùng đoàn bại quân về đến biên giới an toàn.

Sau Hội thề Đông Quan, quân Minh lục tục hướng về phía dinh Bồ Đề, nơi đặt đại bản doanh của quân đội Lam Sơn và bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn, để lạy tạ lãnh đạo nghĩa quân trước khi cuốn xéo khỏi Đại Việt (được đổi tên là Đại Ngu trong một thời gian ngắn ngủi dưới triều Hồ).

Hội thề Đông Quan là sự kiện có một không hai trong lịch sử, buộc tướng lĩnh của quân đội vốn tự vỗ ngực là “thiên triều” phải cúi đầu nhục nhã làm lễ đầu hàng và thề thốt giã từ dã tâm xâm lược, chịu tuân thủ mọi điều kiện do đoàn quân vốn bị chúng coi là “man di” đặt ra.

Hội thề Đông Quan cũng là cái kết mang đầy tính nhân văn của một cuộc chiến chính nghĩa do quân và dân Đại Việt tổ chức nhằm giữ vững nền độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc.

Theo đánh giá của các sử gia, bằng việc chiêu hàng Vương Thông và tổ chức Hội thề Đông Quan, Lê Lợi đã chủ động kết thúc chiến tranh một cách hòa bình. Cách giải phóng kinh đô như vậy vừa không chỉ không gây tổn hại về nhân mạng cho cả quân ta và quân địch, mà còn bảo vệ được tính mạng, tài sản của cư dân ở 61 phường trong kinh đô Thăng Long. Không chỉ có vậy, việc chiêu hàng Vương Thông còn góp phần bảo vệ được rất nhiều kiến trúc đồ sộ, bao gồm thành lũy, lâu đài, chùa chiền, miếu mạo và nhiều công trình văn hóa quan trọng khác. Nếu xảy ra cuộc chiến công phá thành, toàn bộ công trình kiến trúc trong khu vực kinh thần có thể sẽ bị phá hủy, hư hỏng, nhân dân cả nước sẽ phải mất rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng lại kinh thành từ đầu.

Hơn nữa, việc để cho quân Minh rút lui mà vẫn giảm được tối đa thiệt hại, lại được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho rút lui sẽ khiến nhà Minh đỡ bị nhục nhã, ê chề hơn rất nhiều trong mắt các nước khác. Điều này sẽ có lợi cho môi trường hòa bình để phát triển đất nước sau những ngày dài chiến tranh liên miên.

Đây quả nhiên là “kế vẹn toàn” mà chỉ những người có tầm nhìn chiến lược mới có thể hiểu và ứng dụng được.

Nguyễn Tào

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button