Gắn kết với di tích lịch sử cách mạng

Khu di tích thành Cổ Loa trong tương lai không xa sẽ trở thành vùng lõi của công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn nằm trên địa bàn 4 xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng và Uy Nỗ của huyện Đông Anh. Đây sẽ là một trong những công viên chính của thủ đô Hà Nội, là trung tâm văn hóa du lịch, lịch sử có nhiều nét đặc trưng về văn hóa Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để người dân Đông Anh phát huy hơn nữa những giá trị vốn có với khoảng 300 di tích lịch sử cách mạng trên nhiều địa bàn được coi là An toàn khu (ATK) trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp. Vấn đề đặt ra là rất cần có một sự kết nối giữa đơn vị lập quy hoạch và chính quyền địa phương nhằm phát huy tốt hơn nữa những giá trị này.

vongthanhcoloa

Vết tích vòng thành đất

Công viên văn hóa lịch sử “trong lòng” ATK

Huyện Đông Anh, Hà Nội là một địa phương có truyền thống yêu nước, tinh thần giác ngộ cách mạng cao. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, truyền thống yêu nước đó lại càng được khơi dậy mạnh mẽ. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam còn ghi lại từ năm 1941 đến năm 1945, Đông Anh từng là vùng ATK của Trung ương Đảng. Nhân dân Đông Anh đã che chở, nuôi dưỡng, giúp đỡ nhiều đồng chí lãnh đạo và cơ quan của Trung ương hoạt động. Đông Anh có nhiều nơi được ghi nhận là ATK: Thôn Võng La (xã Võng La), thôn Viên Nội (xã Vân Nội), thôn Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc), ATK Cổ Loa… Cùng với đó có thể nhắc đến tên các đồng chí Nguyễn Văn Chén, Phan Thanh Xuân, Lê Đình Thiệp… là những người địa phương Đông Anh và cũng là những đảng viên, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ; các đồng chí lãnh đạo của Đảng như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng… từng hoạt động tại ATK Đông Anh và được nhân dân đùm bọc. Những câu chuyện sống động về sự kiện này vẫn được nhân dân địa phương nhắc nhở như một niềm tự hào.

Cùng với nhiều sự kiện là hàng trăm di tích lịch sử cách mạng còn lưu dấu ấn tại địa phương như: Cây đa Bác Hồ trồng dịp Tết năm Giáp Thìn 1965; di tích trận địa Tó -Uy Nỗ bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không; di tích Dốc Vân, nơi bắt đầu vùng căn cứ bí mật của Trung ương Đảng (thường gọi là ATK thuộc Đông Anh) từ năm 1941-1945; di tích nơi đặt cơ quan báo Đảng “Cờ giải phóng” tại Viên Nội từ năm 1942 đến 1945; đặc biệt còn có địa đạo Nam Hồng, nơi từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen: Địa đạo liên hoàn của nhiều xã trong huyện mà tiêu biểu là địa đạo Nam Hồng là một hình thức tác chiến vô cùng độc đáo, có một không hai ở Đồng bằng Bắc Bộ…

Đồng chí Hoàng Kế Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết huyện đã tổ chức hội thảo với Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Hà Nội nhằm phát triển du lịch huyện Đông Anh. Có một thực tế rằng, hầu hết du khách đến với Đông Anh trong thời gian qua là tự phát và chưa có tua, tuyến cụ thể. Cuộc hội thảo nàyđề cập đến nhiều vấn đề khai thác các di tích lịch sử cách mạng.

Gắn kết ATK với quy hoạch chung Khu di tích thành Cổ Loa

Hiện nay trong ngành du lịch Việt Nam đang có một loại hình sản phẩm độc đáo: Du lịch về nguồn, du lịch thăm chiến trường xưa. Từ Nam đến Bắc đã có hàng trăm tour du lịch loại hình này, khai thác một lượng du khách lớn, đơn cử như du lịch về Tân Trào, Tuyên Quang đạt lượng du khách khoảng 400.000 lượt khách /năm; hoặc xa hơn một chút cũng loại hình du lịch về nguồn của vùng liên kết ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đạt khoảng 2 triệu lượt khách /năm. Tất nhiên là các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hơn so với khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng, một khi những di tích lịch sử đã được đi vào khai thác sẽ tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt. Do đó, ATK Đông Anh hoàn toàn có thể phát huy tiềm năng để khai thác loại hình du lịch về nguồn.

“Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa – Hà Nội” biến Khu di tích thành Cổ Loa được xây dựng thành công viên lịch sử, sinh thái, nhân văn là cơ hội lớn để địa phương khai thác những lợi thế du lịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Kế Khiêm cho biết: “Thực ra, Khu du lịch Cổ Loa, các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK là hai khái niệm khác nhau. Trong chiến lược phát triển du lịch huyện Đông Anh tới năm 2015 sẽ hướng đến các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử cách mạng và du lịch sinh thái”.

Sẽ là rất đáng tiếc nếu không kết hợp các di tích lịch sử cách mạng với Quy hoạch tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa. Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội (đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch) chia sẻ: “Trong quy hoạch, chúng tôi sẽ nghiên cứu đầy đủ đối với những di tích lịch sử cách mạng thuộc ATK Đông Anh trong bản quy hoạch tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa”. Đây quả thật là một tín hiệu đáng mừng, hy vọng rằng đơn vị lập quy hoạch có sự trao đổi kỹ với địa phương để phát huy cao nhất thế mạnh của di tích lịch sử kháng chiến cách mạng ATK Đông Anh. Phía địa phương cần tìm ra những gắn kết giữa các loại hình, sản phẩm du lịch để tạo nên một mạng lưới du lịch có lợi về kinh tế, ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử./.

Lê Đông Hà (Báo Quân đội Nhân dân)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button