Triệu Việt Vương
Triệu Việt Vương tên thật là Triệu Quang Phục, trị vì đất nước từ năm 548 đến năm 571. Triệu Quang Phục sinh ra trong một gia đình đời đời làm hào trưởng vùng đất Chu Diên. Năm 542, Triệu Quang Phục theo cha là Triệu Túc đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân.
Nước Vạn Xuân của Lý Bí chỉ được tương đối yên bình một năm thì vào mùa hè năm 545, quân Lương lại phát động cuộc phản công chinh phục. Nhà Lương phong Dương Phiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm Tư mã, huy động một lực lượng lớn quyết tiêu diệt nhà nước Vạn Xuân non trẻ. Trước sức mạnh của quân Lương, cuộc kháng chiến của vua Lý Nam Đế liên tục gặp bất lợi. Lý Bí phải rút lui về vùng động Khuất Lão, trao quyền cho vị tướng trẻ, tài năng là Triệu Quang Phục tiếp tục nhận sứ mệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, quân đội của nhà nước Vạn Xuân lui về xây dựng căn cứ mới ở Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Quân của Triệu Quang Phục sử dụng lối du kích, dựa vào địa hình thiên nhiên, tổ chức các cuộc tập kích bất ngờ vào các doanh trại và các cuộc hành binh của quân Lương. Lối đánh hiệu quả này đã làm thay đổi dần tương quan lực lượng giữa ta và địch.
Năm 548, Lý Bí mất tại động Khuất Lão. Triệu Quang Phục xưng vương (gọi là Triệu Việt Vương), tiếp tuc sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Lý Nam Đế. Qua bốn năm chiến đấu (547 – 550), quân của Triệu Quang Phục càng đánh càng mạnh, quân Lương càng đánh càng yếu, cục diện chiến tranh ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
Tình hình nhà Lương vào cuối những năm 548 – 552 bị rối loạn bởi Hầu Cảnh. Trần Bá Tiên được điều về nước để dẹp loạn Hầu Cảnh. Dương Hàn là tì tướng của Trần Bá Tiên được ủy thác công việc ở Giao Châu.
Nhân cơ hội nhà Lương suy yếu và bất lực không nắm được Giao Châu, tướng tài, quân giỏi ở Giao Châu cũng bị rút về Trung Quốc, Triệu Quang Phục từ căn cứ Dạ Trạch đã tung quân, mở một loạt cuộc tấn công lớn vào quân Lương.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở. Như thế chỉ trong vòng 8 năm (542 – 550) Lý Bí, Triệu Quang Phục đã hai lần đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được độc lập và có điều kiện tiếp tục dựng xây.
Cánh quân do Lý Thiên Bảo cầm đầu sau khi rút vào Cửu Chân (Thanh Hóa) đã bị Trần Bá Tiên đuổi đánh, phải chạy lên vùng thượng du ở miền Tây Thanh Hóa, đóng tại động Dã Năng, tự xưng là Đào Lang Vương. Năm 555, Lý Thiên Bảo, Lý Bí được suy tôn lên nối ngôi, thống lĩnh quân chúng. Năm 557 trên cơ sở lực lượng đã được phục hồi và phát triển, Lý Phật Tử từ động Dã Năng kéo quân về gây chiến với triệu Quang Phục. Thần tích của thông Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) còn ghi chép việc Triệu Quang Phục về mộ ở đây để chống lại Lý Phật Tử.
Sau nhiều lần đánh nhau không phân thắng bại, hai phe triệu, Lý đã tạm thời giảng hòa, chia nhau đất đai, lấy bãi Quần Thần (vùng Thượng Cát, Hạ Cát, thuộc Từ Liêm, Hà Nội) làm địa giới. Lý Phật Tử ở miền đất phía tây (khu vực Thái Bình, quê hương nhà Lý), đóng đô tại thành Ô Diên (làng Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) còn Triệu Quang Phục ở miền đất phía đông, vẫn đóng đô ở Long Biên. Lý Phật Tử trong hoàn cảnh có nhiều thuận lợi đã chủ động xin kết hôn mối thông gia với triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục thành thật “nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Tiền Nam Đế, không nỡ cự tuyệt”, đã gả con gái là Cảo Lương cho Nhã Nang là con trai của Lý Phật Tử để tỏ tình hòa hiếu với nhau.
Năm 571, sau khi đã hoàn tất công việc chuẩn bị, Lý Phật Tử bất thình lình tổ chức lực lượng đánh úp Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục bị bất ngờ, không chống đỡ nổi cuộc tấn công của Lý Phật Tử đã bỏ chạy về phía của sông Đáy và cùng đường phải tự tử tại cửa biển Đại Nha (khu vực Độc Bộ, Nghĩa Hưng, Nam Định)
Người đời sau lập đền thờ ông ở cửa biển Đại Nha (Đại Nha có tên khác là Đại Ác, thời nhà Lý đổi là Đại An), nay là cửa Liêu (cửa sông Đáy). Các đền thờ tập trung chủ yếu ở vùng ven biển 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định
Ở Nam Định, Ông được thờ tại chùa Độc Bộ, huyện Ý Yên. Một nơi khác ở Nam Định nữa thờ ông là chùa Thiên Biên Tự, thuộc xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tại vùng đất mới xã Nam Điền huyện Nghĩa Hưng nằm ở gần cửa Đáy, người dân cũng xây dựng đền thờ.
Ninh Bình hiện là tỉnh có nhiều đền thờ Triệu Việt Vương nhất. Huyện Kim Sơn – Ninh Bình nay nằm ở cửa sông Đáy, có rất nhiều đền thờ Triệu Việt Vương như Đình Chất Thành (xã Chất Bình, Kim Sơn), miếu Thượng (xã Thượng Kiệm, Kim Sơn), đền Ứng Luật (Quang Thiện, Kim Sơn), đình xã Lưu Phương, Kim Sơn.
Tại vùng văn hóa cửa biển Thần Phù, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình có đình Phù Sa là di tích văn hóa cấp quốc gia thờ Triệu Việt Vương là thành hoàng làng. Xã Yên Từ cũng có đền thờ Triệu Việt Vương. Tại Ngã ba mỏ neo (sông Hoàng Long, Hoa Lư) người dân cũng lập đền thờ Vương.
Yên Khánh là vùng đất thuộc cửa biển xưa nay đã lùi xa vào đất liền, tại đây có hàng chục đền thờ Triệu Quang Phục nằm ở các xã như: đền Duyên Phúc xã Khánh Hồng, đền Triệu Việt Vương ở Thị trấn Yên Ninh, đền Triệu Việt Vương ở xã Khánh Hải.