Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, có lịch sử cách đây khoảng 1400 năm, là ngôi chùa cổ nhất của đất Thăng Long – Hà Nội và cũng là một trong những ngôi chùa cổ vào bậc nhất Việt Nam.

Theo truyền thuyết, chùa lập nên từ thời Lý Nam Đế (544 – 548) gắn liền với nhà nước Vạn Xuân. Tên Khai Quốc (mở nước) của chùa có từ thời ấy. Đến thời Lê Thái Tông (1434 – 1442) đổi tên thành An Quốc.

chuatranquoc1

Chùa lúc đầu ở trên bãi giữa sông Hồng, sau đến năm 1616 bãi sông bị lở, chùa được dời đến đảo nhỏ Kim Ngư (đảo Cá Vàng) ở giữa Hồ Tây. Hồ Tây vốn là một danh thắng nổi tiếng từ ngàn xưa của đất Thăng Long. Các vua quan phong kiến đua nhau xây cung điện quanh hồ để nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Nơi chùa chuyển đến xưa kia từng dựng cung Thúy Hoa đời Lý và điện Hàn Nguyên đời Trần.

Khi chùa mới dời đến đảo Kim Ngư thì chưa có đường vào, bao phủ xung quanh là nước Hồ Tây, và phải đi vào chùa bằng thuyền. Vào năm 1642, sau khi đắp con đê Cố Ngự tức là (giữ chắc) sau gọi chệch thành Cổ Ngư là đường Thanh Niên hiện nay ngăn cách Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, dân làng An Hoa đã xây dựng thêm thượng điện, tòa thiêu hương, khơi hào xung quanh, và đắp con đường nhỏ nối liền chùa với đường Thanh Niên… Từ lúc này chùa mới có tên là Trấn Quốc đó là năm 1628 đời vua Lê Thần Tông. Hệ thống 14 tấm bia quí dựng trong chùa đã mô tả đầy đủ quá trình hưng công tu tạo, cùng các cổ thư, cho biết nơi đây từng có nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì – tiêu biểu là Thiền Sư Khuông Việt thời Đinh – Lê (thế kỉ 10), Thiền sư Thảo Đường thế kỉ 11, trụ trì ở đây và lập ra thiền phái mới – thiền phái Thảo Đường. Vua Lý Thánh Tông (1055 – 1072), là một trong những thế hệ thứ nhất của phái này.

Chùa Trấn Quốc còn lưu giữ khá đầy đủ các hệ thống tượng. Đáng chú ý trong khối lượng tượng Phật của chùa là bộ Tam Thế Phật và các Sư Tổ của chùa. Đặc biệt, chùa có pho tượng Phật nhập Niết Bàn mà dân gian quen gọi là Phật nằm là một dạng tượng trước đây ít thấy ở các chùa Bắc Bộ mà chủ yếu có ở Lào hoặc Thái Lan.

Trong chùa Trấn Quốc còn lưu giữ nhiều bài thơ, câu đối của vua quan triều Nguyễn ca ngợi cảnh chùa. Vào thời Pháp, viện Viễn Đông Bắc Cổ đã dày công nghiên cứu ngôi chùa cổ kính này và chùa đã từng được xếp hạng là công trình lịch sử số 10 trong toàn xứ Đông Dương, là một trong 12 di tích lớn của đất nước đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng đợt đầu tiên vào năm 1962.

chuatranquoc2

Qua thời gian và sự tàn phá và bào mòn của thiên nhiên một số công trình của ngôi chùa đã xuống cấp như khu chính điện, nhà thờ Tổ, gác Chuông, hàng lang…đã bị mối mọt làm ảnh hưởng tới tượng pháp. Sáng 5/12, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã tổ chức Lễ khánh công trình trùng tu tôn tạo chùa Trấn Quốc sau hơn 6 tháng triển khai thi công.

Công việc trùng tu được bắt đầu từ ngày 3/6/2011, hàng trăm m3 các cấu kiện gỗ bị mối, mọt, hỏng được thay bằng gỗ lim theo đúng kính thước và hoa văn cũ đảm bảo yêu cầu bảo tồn giữ nguyên giá trị văn hoá cũ, toàn bộ ngói cũ bị hư hỏng được thay thế, đường vào sân nhà thờ Tổ và đường vào khu chính điện cũng đều được lát gạch mới.

Ngày nay, Hồ Tây là chỗ vui chơi, giải trí của nhân dân thủ đô, nơi đây tập trung nhiều nhà hàng quán sá, từ sáng tới tối tấp nập người qua lại, nhưng chùa Trấn Quốc vẫn giữ được một không gian riêng, hoàn toàn thanh tịnh là dấu tích của văn hóa Phật giáo còn lại của kinh đô Thăng Long xưa, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ và khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button