Giếng nước cổ trong Hoàng thành

Từ xưa tới nay, nước luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống con người. Các vùng đất đai phì nhiêu, màu mỡ, dân cư trù phú bao giờ cũng nằm bên những nguồn nước dồi dào. Không chỉ phụ thuộc vào những nguồn nước tự nhiên như sông, hồ, ao, lạch, người Việt Nam từ lâu đã biết khai thác và sử dụng những mạch nước ngầm, vừa dồi dào, lại vừa trong mát, vệ sinh hơn nước ao, hồ, sông, suối. Để có được nguồn nước quý giá như vậy, một vài nhà không dễ làm được. Cho nên, giếng nước thường được cả làng, cả tổng góp sức, góp của đào chung. Văn hóa làng xã gắn liền với cây đa, giếng nước, sân đình là vì thế.

giengco

Giếng nước thời Trần trong Hoàng thành Thăng Long

Tuy nhiên, trong Hoàng cung, với tiềm lực kinh tế mạnh, các nhà vua thường cho đào giếng nước ở bất kỳ đâu thuận tiện cho việc sinh hoạt của nhà vua và hoàng thất, hoặc có khi chỉ đơn giản là phục vụ cho mục tiêu phong thủy. Bởi thế, chỉ trong khoảng diện tích khảo cổ khoảng 3,3ha ở số 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tới 26 giếng nước cổ. Tất cả những giếng nước ấy đều là của hoàng cung, trong khi diện tích 3,3ha thậm chí chưa bằng một phần diện tích của một làng trung bình.

Chiếc giếng cổ nhất được phát hiện trong khu Hoàng thành Thăng Long là giếng Đại La, có từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9. Giếng có độ sâu 5,9m. Thành giếng được xếp bằng gạch theo kiểu 4 hàng gạch nằm xen kẽ với 1 hàng gạch đứng. Gạch được xếp khít với nhau, đủ để ngăn đất, bùn ngấm vào giếng, mà chỉ giữ lại nguồn nước ngầm trong vắt. Nét độc đáo này được tìm thấy trong tất cả các giếng cổ tại khu vực Hoàng thành.

Lớp gạch phía trên của giếng nước thời Đại La là gạch vồ thời Lý. Điều đó cho thấy, nhà Lý đã tận dụng những giếng nước có sẵn từ thời Đại La để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong khu vực Hoàng cung. Đó cũng là minh chứng rõ nét nhất cho thấy, vua Lý Thái Tổ đã kế thừa và phát huy những giá trị tích cực của thành Đại La xưa cũ, không phung phí tiền bạc để làm mới mọi thứ trong Hoàng thành.

Thời Trần, do quy hoạch Hoàng thành phát triển ngày càng mạnh hơn, với nhiều công trình kiến trúc mọc lên hơn, nhu cầu về nước vì thế cũng cao hơn. Bởi vậy, nhà Trần đã cho đào thêm nhiều giếng nước mới mang phong cách xây dựng thời kỳ này rất rõ rệt. Giếng nước thời Trần được xếp chéo xương cá, một lối xây dựng cực kỳ thông minh bởi có độ bền chắc cao hơn, trong điều kiện không có chất kết dính giữa những viên gạch. Các viên gạch được xếp chéo liên hoàn tạo ra sự liên kết vững chãi không dễ bị phá vỡ, dù lực tác động lớn như thế nào. Điều đó được minh chứng rõ nét bởi sự tồn tại còn tương đối nguyên vẹn của giếng thời Trần, mặc dù Hoàng thành đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh, đốt phá, những cơn địa chấn, lũ lụt lớn nhỏ…

Sang thời Lê, giếng nước được phát triển ngay từ những vật liệu xây dựng. Giếng nước thời Lê được xếp hầu như toàn bộ bằng đá, bao gồm đá chân tảng, đá hộc hay đá phiến. Đây là một bước tiến trong kỹ thuật làm giếng khơi, bởi đá có tác dụng thanh lọc nước ngầm rất tốt. Bởi vậy, nước giếng khơi được xây dựng bằng đá thường có độ trong, mát và ngọt cao hơn so với giếng xếp bằng gạch đỏ thông thường.

Giếng trong khu vực Hoàng thành không chỉ được đào để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mà đôi khi, giếng được đào chỉ để phục vụ múc đích tạo phúc lành từ phong thủy. Điều này lý giải tại sao trong khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đã tìm thấy một số giếng nước có đường kính rất rất nhỏ, không thể là giếng để lấy nước ăn.

Giếng nước cổ trong Hoàng thành được tìm thấy đã gây ngạc nhiên lớn cho các nhà khoa học về độ bền chắc và mức độ thanh khiết, trong lành của nguồn nước. Điều đó cho thấy, kỹ thuật đào giếng khơi của người Việt từ xa xưa đã rất cao siêu.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button