Núi Nùng – Danh sơn chính khí đất Thăng Long
Núi Nùng – sông Tô, những địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long, nơi được tôn là “Nùng sơn chính khí”, “Tô Lịch giang thần”. Tuy nhiên “núi Nùng” nằm ở vùng đất nào trên kinh thành là vấn đề có những cách lý giải khác nhau.
Hẳn rất nhiều người đã nghe đến địa danh “núi Nùng”, vốn được nhắc nhiều trong các áng thơ văn cổ nhưng không phải ai cũng biết rõ về ngọn núi này. Nhiều người cho rằng “núi Nùng” chính là gò đất cao trong Công viên Bách Thảo; người lại cho rằng núi Nùng là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám… Và xung quanh câu chuyện này, kiến giải núi Nùng là nền điện Kính Thiên được nhiều người đồng tình qua những cứ liệu lịch sử.
Núi Nùng trong công viên Bách Thảo
Núi Nùng không phải núi Sưa
Trước đây, các nhà nghiên cứu Trần Huy Bá và Hoàng Đạo Thuý đều cho rằng núi Nùng chính là gò đất cao (thực ra đây là núi Sưa) nay vẫn còn hiện hữu trong công viên Bách Thảo. Không ít người cũng có phỏng đoán như các cụ Trần Huy Bá và Hoàng Đạo Thuý.
Giải thích cho phỏng đoán của mình, những người này dựa vào cao độ của gò đất và chi tiết người Pháp đã từng tìm thấy những phần cột đá chạm hình rồng cuốn bị vứt lăn lóc trong khu vực Bách Thảo thời thuộc Pháp.
Tuy nhiên, đã có nhiều nhà khoa học phản biện về “giả thuyết núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo”.
Các ý kiến phản biện cho rằng, những phần cột đá được tìm thấy trong vườn Bách Thảo không phải là những dấu tích cố định để có thể dùng làm toạ độ xác minh vị trí núi Nùng.
Trên đỉnh ngọn núi này còn có một ngôi đền nhỏ thờ Hắc đế. Tấm biển trên ngôi đền ghi dòng chữ: “Sưa sơn lăng miếu”, tức là “ngôi miếu trên núi Sưa”. Sưa là một loài cây gỗ quý, trước đây mọc thành rừng trên ngọn núi này, vì thế mới có tên gọi là núi Sưa.
Nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá phía trước chính là núi Nùng xưa
Núi Nùng cũng không phải là núi Voi
Lại có ý kiến khác cho rằng, núi Nùng chính là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám, bởi đây là nơi cao nhất Hà Nội.
Những người ủng hộ giả thuyết này còn dẫn câu thơ của Vua Thành Thái viết về núi Nùng: “Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc” (tạm dịch là “Mây trên núi Nùng mang màu kim cổ”). Họ cho rằng, núi có mây phải là núi cao.
Sau khi xuất hiện giả thuyết này, nhiều nhà sử học cũng lên tiếng cho rằng: Núi Nùng không thể là núi Voi.
Những ý kiến phản biện dẫn còn ra nhiều câu nói cổ, như: “Cao nhất xích vi sơn” nghĩa là cao một thước cũng là núi, hay “Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” nghĩa là núi thiêng không bởi cao mà có thần trên đó là thiêng.
Tuy nhiên, dẫn một câu thơ cũ để làm cứ liệu lịch sử e không hợp. Thơ văn, đặc biệt là thơ văn cổ, thường có tính ước lệ, ngoa dụ.
Nhưng điều hiển nhiên mà ai cũng thấy là vào năm 1902, thời điểm Vua Thành Thái làm câu thơ trên, núi Voi có cao thì cũng không thể đến mức có “mây vờn trên núi”. Bởi mới trải hơn 100 năm, Hà Nội không thể được bồi đắp nhanh đến mức gần như san bằng ngọn núi chạm tới mây này!
Núi Nùng là nền điện Kính Thiên
Trong các kiến giải về vị trí của núi Nùng đa số các nhà sử học đều thống nhất, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên còn dấu tích cho đến ngày nay.
Nhà sử học Phan Huy Chú viết trong Hoàng Việt Dư địa chí (quyển 1) như sau: “Núi Nùng ở giữa thành. Triều Lý định đô lấy núi làm đài chính điện, đến thời Lê là điện Kính Thiên, nay (triều Nguyễn – PV) là điện phía trước hoàng cung. Xưa truyền rằng giữa núi có một lỗ hổng là nơi thông hơi của hồ ao và núi, nên gọi là Long Đỗ (rốn rồng)”.
Sách Đại Nam Nhất thống chí (tập II) của nhà Nguyễn cũng chép rằng: “Núi Nùng ở trong thành, có tên nữa là núi Long Đỗ. Lý Thái Tổ đóng kinh đô, dựng chính điện ở trên núi, đời Lê gọi là điện Kính Thiên, bản triều (Nguyễn) đặt làm hành cung, vẫn gọi theo tên cũ, năm Thiệu Trị thứ ba, đổi gọi là điện Long Thiên, điện Đình ở núi Nùng, có xây bệ cao chín bậc, tả hữu có hai con rồng, dài hơn một trượng, chế từ đời Lý”.
Nhà Sử học Trần Quốc Vượng còn đưa ra dẫn chứng thuyết phục khác: Trên mảnh vỡ tấm bia được dựng từ thời Minh Mạng tại chùa Am (nay thuộc Cửa Bắc, Hà Nội) còn ghi rõ: Chùa này được xây dựng ngay sau núi Nùng, phía Bắc trông ra hồ cổ Mã Cảnh (hồ này được thể hiện rõ trong bản đồ Hà Nội niên hiệu Tự Đức, 1873).
Từ dẫn chứng này kết hợp với tấm bản đồ Hà Nội năm 1873, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên hiện còn trong khu thành cổ Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, các giả thuyết núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo hay là núi Voi trên đường Hoàng Hoa Thám đều bị nhầm lẫn. “Bảo núi Nùng là nền điện Kính Thiên quá thấp thì không đúng. Trải qua hàng ngàn năm, vùng Hà Nội đã được bồi đắp thêm nhiều nên độ cao của núi Nùng không như xưa. Hơn nữa, để xây dựng cung điện trên đó, người ta cũng đã phải bạt bớt ngọn núi cho bằng phẳng”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng đồng tình với ý kiến núi Nùng chính là nơi đặt điện Kính Thiên, còn được gọi là điện Thiên An, điện Càn Nguyên thời Lý, Trần. Như vậy, căn cứ vào sử liệu và các dẫn chứng của các nhà khoa học, có thể khẳng định, núi Nùng chính là nền điện Kính Thiên – nơi còn lưu giữ đôi rồng đá tuyệt tác – trong khu thành cổ Hà Nội. Đây cũng chính là nơi thiết triều của các thời Lý, Trần, Lê, tức là nơi trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.