Vật liệu xây dựng bằng đất nung

Khu vực Hoàng thành là nơi tập trung rất nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ. Đó là những lâu đài, cung điện, tường thành uy nghi, tráng lệ. Những công trình ấy đòi hỏi phải được xây dựng bằng những vật liệu đất nung – chủ yếu là gạch và ngói – bền chắc, có những hình chạm khắc trang trí tinh xảo.

vat-lieu-xay-dung

Thời Lý, gạch ngói được chạm trổ rất nghệ thuật. Hình tượng lá đề, một loại lá thiêng biểu tượng của nhà Phật, được sử dụng tương đối phổ biến do lòng mộ đạo của các nhà vua thời kỳ này. Gạch xây nhà thời Lý có hình chữ nhật, kích thước 30x25x7cm, chạm trổ hình kỷ hà hoặc chữ Hán. Gạch xây tường thì có hình vuông, mỗi cạnh dài 35cm, chiều dày cũng bằng gạch xây nhà, 7cm. Tùy từng vị trí đặt gạch mà gạch xây tường được trang trí bằng hình chạm rồng vờn mây ở 4 góc, hay chạm hình quả trám giữa bông hoa, hay chạm hình tượng mặt đất vuông với bầu trời tròn… Cả gạch xây nhà và gạch xây tường đều được chế tạo sao cho khi xây chỉ cần chồng khít lên nhau, không cần dùng đến vôi vữa. Điều này cho thấy, khả năng chế tác gạch của thợ thủ công thời kỳ này đã đạt trình độ tinh xảo, cao siêu tới mức nào. Ngói lợp các công trình trong khu vực Hoàng thành thời Lý cũng được chế tạo rất công phu. Ngói được chia làm nhiều loại, ngói ống, ngói bịt đầu, ngói úp nóc hay ngói chiếu. Ngói ống và ngói bịt đầu dùng để lợp mái, ngay trên lớp ngói chiếu lót. Ngói úp nóc, ngày nay nhiều nơi gọi là ngói bò, dùng để lợp ở điểm giao nhau giữa các mái. Ngói thời Lý cũng được chạm trổ nhiều hình tượng đẹp mắt, như lá đề với rồng cuộn, chim phượng hay hoa hồng… Do là gạch ngói xây dựng hoàng cung nên phần lớn chúng đều được tráng men quý, hoặc mạ vàng, bạc bên ngoài, tạo thành sự lấp lánh kì ảo cho các công trình lâu đài, cung điện. Những loại gạch, ngói này thường được các phường thợ chế tác ngay tại Thăng Long, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu xây dựng của triều đình.

Thời Trần, gạch ngói về cơ bản cũng kế thừa kỹ thuật chế tác và phong cách trang trí như thời Lý. Tuy nhiên, những hình trang trí thời Trần đa dạng hơn và có một số thay đổi về chi tiết. Hình tượng lá đề, loại lá gắn liền với nhà Phật, vẫn được sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, hình rồng cuốn trong lá đề đã có sự khác biệt, với sự xuất hiện của đôi sừng và thân hình khỏe khoắn, mập mạp hơn. Đặc biệt, hình tượng trang trí trên đầu ngói thời Trần đã xuất hiện chim uyên ương, hay lá đề lệch với những đường nét rất đặc trưng. Những phá cách với đường nét chạm trổ khỏe khoắn, khác hẳn với đường nét mềm mại, tinh tế thời Lý, phản ánh tinh thần thượng võ thời Trần rất rõ rệt. Điều đó được minh chứng bằng sự xuất hiện rất nhiều vị tướng thời Trần tài ba, vừa uyên thâm về trí tuệ, vừa vô song về võ nghệ, làm nên những chiến thắng lẫy lừng khiến quân Nguyên – Mông phải bạt vía kinh hồn.

Sang thời Lê, Nho giáo được triều đình trọng vọng, do vậy, những hình tượng trang trí có liên quan đến đạo Phật, như đài sen, bông sen, cánh sen, lá đề cũng không còn phổ biến trong nghệ thuật trang trí. Bởi thế, gạch ngói thời Lê thường được trang trí bằng hình tròn vòng ngoài bông hoa cúc, dây cúc và rồng cuốn. Hình tượng rồng thời Lê cũng có sự thay đổi lớn so với rồng thời Lý và thời Trần: Mào lửa mất hẳn, thay vào đó là chiếc bờm dài uốn lượn ra sau, đầu to hơn, mũi to, mắt lồi và 5 móng chân sắc nhọn đầy uy lực. Hình tượng rồng thời Lê thể hiện rất rõ uy quyền của nhà vua. Bắt đầu từ thời nhà Lê, bộ tứ linh chính thức xuất hiện với ngôi vị dẫn đầu là rồng, tiếp đó lần lượt là lân, quy và phượng. Bởi vậy, vật liệu xây dựng bằng đất nung cũng xuất hiện tương đối đầy đủ hình tượng trang trí của bộ tứ linh này.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button