Hoàng thành Thăng Long – Thành Nhà Hồ, hai di sản thế giới đặc sắc của Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2013), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ tổ chức Triển lãm với chủ đề “Hoàng thành Thăng Long – Thành nhà Hồ, hai di sản thế giới đặc sắc của Việt Nam”  tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

trienlam1

Triển lãm giới thiệu hơn 100 tài liệu, ảnh, bản vẽ, hiện vật tiêu biểu của hai khu di sản mới được UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới từ năm 2010 và 2011, nhằm quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của hai khu di sản, đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị giữa các khu di sản trong nước.

Hoàng thành Thăng Long được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới ngày 31/7/2010, đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đây là khu di sản có bề dày lịch sử hơn 1000 năm với các tầng văn hóa đa dạng, phong phú, chồng xếp lên nhau, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Trải qua thời gian tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng những di tích kiến trúc trên mặt đất, những di tích, di vật đã phát lộ và những dấu tích khảo cổ học còn nằm sâu trong lòng đất trong khu di sản là tài sản vô giá của nhân loại. Trên thế giới hiếm có một di sản thể hiện được tính liên tục và sự phát triển lâu dài của một trung tâm chính trị văn hóa như Hoàng thành Thăng Long.

Thành Nhà Hồ được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO ghi vào danh sách di sản thế giới ngày 27/6/2011. Đây là di sản thứ 7 của Việt Nam vinh dự trở thành tài sản chung của nhân loại.

trienlam2

Thành nhà Hồ (thuộc 2 xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) là tòa thành duy nhất của Việt Nam được xây bằng đá. Đóng vai trò là kinh đô của nước Đại Việt trong 3 năm cuối của đời Trần, Thành nhà Hồ còn có tên gọi khác là Tây Đô (để phân biệt với Thăng Long – Đông Đô) và sau đó là kinh đô của nước Đại Ngu (1400-1407). Giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã được ghi nhận: “Khu di sản là ví dụ nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn, vừa là một kiểu kiến trúc hoàng thành biểu tượng cho quyền lực hoàng gia tiêu biểu dưới tác động của giao thoa các giá trị nhân văn ở phương Đông, vừa là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo, duy nhất của Việt Nam được thấy ở đây đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á”.

Hơn nữa, trải qua hơn 600 năm thăng trầm của lịch sử, tòa thành vẫn còn khá nguyên vẹn, cho chúng ta những cảm nhận thật khâm phục về một công trình kỳ vĩ, được làm nên từ bàn tay tài hoa của con người.

Những kết quả nghiên cứu khai quật gần đây càng chứng minh và hé mở khả năng tìm lại một quy hoạch hoàn chỉnh cấu trúc của một đô thị cổ điển hình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các chuyên gia trong và ngoài nước khi nghiên cứu các bức tường đá Thành Nhà Hồ đều thống nhất việc đánh giá rất cao giá trị kiến trúc của Thành Nhà Hồ, xem đây là một kiến trúc đá hùng vĩ, một hiện tượng đột khởi trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy kinh đô ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

trienlam3

Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ là hai khu di sản có nhiều đặc điểm tương đồng, minh chứng cho sự tiếp nối liên tục của các triều đại phong kiến Việt Nam trong suốt khoảng thời gian từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15. “Thành Nhà Hồ có sự kế thừa và phát triển quy hoạch và kỹ thuật xây dựng của kinh đô trước đó: Tòa thành đá (Hoàng thành) mở 4 cửa chính, quy hoạch các kiến trúc đăng đối vây quanh Chính điện ở trung tâm, Đông có Thái Miếu, Tây có đàn Xã Tắc, Nam có đàn Nam Giao là sự tiếp nối quy hoạch kiến trúc kinh đô Thăng Long thời Lý – Trần. La Thành đắp bằng đất nương theo thế tự nhiên là sự tiếp nối truyền thống xây dựng hàng nghìn năm trước đó: Từ thành Cổ Loa, thành Hoa Lư đến thành Thăng Long. Bên cạnh đó, các loại gạch chữ nhật, gạch vuông, ngói trang trí lá đề, các tượng rồng, phượng, sấu thần, uyên ương, các chân tảng đá, thành bậc đá … vừa có nguồn gốc Thăng Long thời Lý – Trần vừa được gia công chế tác tại chỗ, là sự hội tụ, kết tinh trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam”.  Vì vậy Hoàng thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ là hai khu di sản có mối quan hệ mật thiết, gắn bó và tương đồng về giá trị lịch sử, văn hóa, về tiêu chí đề cử và giá trị nổi bật toàn cầu.

Triển lãm sẽ góp phần mang lại cho công chúng những nhận thức rõ hơn về vai trò vị trí của hai kinh đô trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, về mối tương quan giữa các kinh đô cổ Việt Nam. Từ đó phần quảng bá rộng rãi giá trị nổi bật toàn cầu của hai di sản quý giá này.

Triển lãm được mở cửa từ ngày 10/10/2013 đến hết tháng 1/2014.

Kim Yến
(Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button