Lũ lụt và hỏa hoạn tàn phá Thăng Long thời Trần
Thời Trần, lịch sử còn ghi lại khá nhiều vụ hỏa hoạn hay lũ lụt hoành hành, tàn phá Hoàng thành Thăng Long.
Ngày nay, trong Đền Bạch Mã (Hàng Buồm, Hà Nội) còn ghi lại bài thơ của thượng tướng Trần Quang Khải mô tả:
Lửa cháy ba lần không phạm tới
Gió cuồng một trận chẳng hề nghiêng
Xin cậy uy linh trừ giặc Bắc
Khiến cho thiên hạ được thái bình.
Bài thơ này của Trần Quang Khải nhắc lại việc khu Chợ Đông 3 lần bị “bà hỏa” ghé thăm, cả dãy nhà phố bị lửa thiêu trụi, nhưng chưa lần nào lửa cháy phạm tới ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này.
Năm 1278, nhà cửa của cư dân Hoàng thành Thăng Long rất hay xảy ra hỏa hoạn vào ban đêm. Cổ sử và giai thoại dân gian còn chép lại chuyện vua Trần Thánh Tông đích thân xa giá tới những nơi xảy ra hỏa hoạn để đốc thúc việc chữa cháy. Vừa muốn thưởng những người có công chữa cháy, vừa muốn thử tài quần thần, khi ngọn lửa được dập tắt, nhà vua bèn sai thuộc hạ tìm cách điểm xem ai là người đến chữa cháy trước và chữa cháy tích cực nhất. Bấy giờ, trong đoàn tùy tùng có Nội thư gia tên là Đoàn Khung tiến lên, bảo mọi người ngồi cả xuống cho ông đếm. Đếm xong hàng người, cũng là lúc Đoàn Khung tâu với vua rõ ràng người nào đến trước, người nào đến sau. Bấy giờ, lửa đã tắt nên rất khó quan sát. Nhà vua ngạc nhiên, bèn hỏi Đoàn Khung tại sao có nhận định ấy? Đoàn Khung trả lời:
– Việc này không khó! Trong lúc đếm người, thần sờ vào đầu từng người. Ai đổ mồ hôi nhiều, ướt tóc và có tro bụi dính vào, ấy là người đến trước và cố sức chữa.
Vua cho là tài, cứ như vậy mà phân định việc thưởng.
Thời nhà Trần, tại Thăng Long, lũ lụt cũng xảy ra liên miên khiến người dân hay bị thất bát mùa màng. Dù các vua Trần cũng đã dụng tâm cho đắp, gia cố nhiều tuyến đê xung yếu, nhưng lũ lụt vẫn không buông tha. Trong những năm 1936, 1938, nước tràn ngập cả Hoàng thành khiến triều thần phải đi thuyền vào chầu vua. Năm 1243, thành Đại La, đồng thời là tuyến đê chặn dòng sông Hồng, bị vỡ, nhấn chìm Hoàng thành Thăng Long trong bể nước. Theo sử liệu, năm 1248, Trần Thái Tông cho đắp hệ thống đê Đỉnh Nhĩ với ước mong chế áp được đỉnh lũ của dòng Nhĩ Hà (sông Hồng) kéo dài từ đầu nguồn cho tới tận cửa biển. Nhà vua lại cho đặt thêm chức quan Hà đê chánh – phó sứ chuyên việc trông coi đê điều. Tuy vậy, đến năm 1270, lịch sử thêm một lần ghi nhận trận lụt gây ngập phố phường, đội ngũ vương hầu, quan lại lại phải dùng đến thuyền để vào chầu vua.
Cùng với 3 lần bị giặc Nguyên Mông tràn vào đốt phá, giặc nước, giặc lửa đã khiến Thăng Long thời Trần bị tàn phá nghiêm trọng. Do vậy, đây cũng là thời kỳ triều đình phải tiêu tốn nguồn lực không nhỏ cho việc duy tu, tôn tạo và kiến thiết Hoàng thành.
Nguyễn Tào