Đờn ca tài tử được vinh danh di sản thế giới

Ngày 5/12, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) quyết định đưa đờn ca tài tử Nam bộ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức này.

Quyết định được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, tại Azerbaijan từ ngày 2 đến 7/12/2013.

tai-tu

Theo đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…

Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới.

Sau lễ vinh danh, UNESCO hy vọng Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ trao truyền và giảng dạy về Di sản văn hóa phi vật thể này trong chương trình giáo dục chính thức.

Tháng 8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Âm nhạc Việt Nam và 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam và Trung bộ tiến hành công tác kiểm kê lập hồ sơ “Đờn ca tài tử Nam bộ, Việt Nam” trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2012 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Đờn ca tài tử vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

don-ca-tai-tu2

Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO, đã có 14/21 tỉnh thành có Đờn ca tài tử tiến hành tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm và thu được những kết quả khả quan. Qua điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện có 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi Đờn ca tài tử xuất sắc. Phỏng vấn nghệ thuật được 18 tay đờn, sưu tầm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những tài liệu quý giá nhất của Đờn ca tài tử, rất cần thiết vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.

Hội thảo quốc tế ”Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” vừa diễn hồi đầu tháng 1 tại thành phố Hồ Chí Minh có thể xem là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng trong việc lập Hồ sơ quốc gia Đờn ca tài tử đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho Học viện Âm nhạc gấp rút hoàn thành trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một hoạt động có ảnh hưởng then chốt trong chiến dịch tuyên truyền, quảng bá, làm rõ và nâng cao những giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn cả cộng đồng quốc tế. Với sự góp mặt của hơn 120 đại biểu trong nước và 7 đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Síp, Đức, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và Singapo, Hội thảo đã thực sự trở thành những cuộc bàn luận sôi nổi với hơn 30 bản tham luận giới thiệu về các khía cạnh, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử, chia sẻ thông tin, định hướng cho việc phát triển nhằm đáp ứng công tác bảo tồn, quảng bá hình ảnh loại hình nghệ thuật đặc sắc này trong xu hướng hội nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng địa phương, xã hội chung tay giữ gìn, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng và sự hợp tác, ủng hộ, đồng thuận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế trong quá trình đề cử loại hình nghệ thuật độc đào này trong tương lai.

Theo kế hoạch ban đầu, hồ sơ Đờn ca tài tử Việt Nam dự định đăng ký vào danh sách xét duyệt năm 2012. Tuy nhiên, do ưu tiên hồ sơ về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nên hồ sơ về Đờn ca tài tử phải lùi lại đến bây giờ.

Đến nay, chưa có tài liệu nào xác định được năm cụ thể ra đời của ĐCTT. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì ĐCTT hình thành vào cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất phát từ những nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng. Vào đến miền Nam, ĐCTT không còn giữ nguyên chất ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới.

Tuy ĐCTT ra đời hơn 100 năm – khá ngắn so với các loại hình trước đó đã được UNESCO vinh danh như ca trù, quan họ, nhã nhạc cung đình Huế… Song, tuổi đời của ĐCTT không ảnh hưởng đến lập hồ sơ, bởi UNESCO đã phân loại di sản thành di sản nghệ thuật đại diện và di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.

don-ca-tai-tu3

Việc ĐCTT được UNESCO vinh danh khẳng định giá trị truyền thống của cha ông đã, đang và sẽ luôn được người dân gìn giữ và phát huy.

Nhắc đến Đờn ca tài tử người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung. Với người dân Nam bộ, Đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời.

Những ai đã từng sống hay có dịp về thăm nơi đây nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, những dịp cúng tế ở đình, ở miếu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng đều có thể được thưởng thức Đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào; trang phục thường giản dị, bình dân không câu nệ.

Có người hiểu lầm rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, mang tính cách giản dị của dân gian và của những người nghiệp dư. Theo GS.TS Trần Văn Khê, thật ra “tài tử” có nghĩa là người có tài như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh  nhai. Tuy nhiên không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, “rao” sao cho mùi, “sắp chữ” sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.

Những người thích Đờn ca tài tử hay cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hoà đàn để người mộ điệu thưởng thức. Người đàn tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì đàn chơi, còn không hứng thì thôi, không ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.

Không ai quy định một buổi Đờn ca tài tử như thế phải có bao nhiêu người, bất cứ ai biết đàn biết ca đều có thể tham gia, cũng không theo chương trình sắp sẵn mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng hoà đàn. Đôi khi một người một đàn cũng làm nên một buổi Đờn ca tài tử, nhưng lí tưởng thì ngoài người ca còn cần tranh – cò- kìm- sáo (sau này có thêm sến, độc huyền cầm, ghi-ta phím lõm) cùng hoà điệu.

Khác với Ca trù miền Bắc hay Ca Huế miền Trung mà lời ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong Đờn ca tài tử Nam bộ, dàn nhạc được chú ý hơn tiếng ca. Thường người  nghe rất chú trọng vào chữ đàn nhấn có gân, cách sắp chữ duyên dáng, cách xuống câu ngọt ngào, uyển chuyển đến lối đàn bay bướm, đa dạng.

Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên các nhóm nhạc tài tử hợp lại với nhau thành các câu lạc bộ đờn ca tài tử mang tính bán chuyên nghiệp. Bên cạnh nghề nghiệp chính, họ phục vụ văn nghệ khi có yêu cầu. Để trở thành một nghệ sĩ trong ý nghĩa xác thực nhất của từ này, họ phải thực hành trong một thời gian dài.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button