Khai quật điện Kính Thiên

Các hố khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long đã chứng minh nhận định của GS. Ueno (Nhật Bản): “Đây là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á” và nhận định của Chủ tịch hội Sử học Việt Nam GS. Phan Huy Lê: “Càng nghiên cứu càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”.

dienkinhthien1

Đường thoát nước thời Trần chạy theo chiều Đông – Tây dài hơn 16m, gạch xây có một vài viên in chữ Hán “Vĩnh Ninh Trường” là loại gạch có chuẩn thời Trần. Ảnh Huy Anh

Sáng 11/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức công bố báo cáo sơ bộ Kết quả thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2013.

Theo ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cuộc khai quật năm 2013 đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại la qua thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Từ tháng 2 đến tháng 12/2013, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 2 hố có tổng diện tích 100m2, độ sâu trung bình 3m với các lớp thứ tự: Lớp hiện đại dày từ 0 đến 50cm; lớp văn hóa thời Nguyễn có độ dày 50cm có thể là lớp đất tôn nền sân thời Nguyễn, chứa nhiều di vật khảo cổ học như gạch vồ màu xám, đồ sành, đồ gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Lớp văn hóa thời Lê có độ dày 55cm – 60cm, gồm có nhiều lớp đất khác nhau xếp chồng lên nhau. Lớp văn hóa này có hai lớp nhỏ hơn gồm các lớp đất thời Lê Trung Hưng, thời Lê Sơ.

Lớp văn hóa Lý – Trần nằm ở độ sâu 1,75m đến 4,2m, xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần chồng lên kiến trúc thời Lý và thời Đại La. Còn lớp văn hóa Đại La chứa nhiều di vật khảo cổ gạch ngói xám và đồ gốm.

dienkinhthien2

Dấu tích kiến trúc 16 móng trụ gia cố bằng gạch ngói vỡ dầm kỹ, thẳng hàng theo hướng Bắc – Nam, tạo thành kiến trúc có vì 4 hàng chân cột, lòng nhà rộng 5,3m thời Lê. Ảnh Huy Anh

Trong các tầng văn hóa, bước đầu xác định các di tích kiến trúc của các thời kỳ xuất lộ dày đặc, chồng xếp lên nhau, cắt phá và đan xen lẫn nhau vô cùng phong phú, phức tạp.

Dấu tích thời Đinh Tiền Lê và Đại La chứa nhiều di vật gạch ngói màu xám, đặc biệt là đồ gốm có nguồn gốc từ Đương Xá.

Còn ở thời Lý đã xuất hiện đường nước lớn chay theo hướng Đông – Tây, di tích nền đất sét, dấu tích kiến trúc có móng trụ. Đây là lần đầu tiên phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục trung tâm, với 14 móng trụ sỏi, chạy theo hướng Đông – Tây.

Ở thời Trần, xuất hiện 3 kiến trúc có móng trụ được xây cất bằng ngói vụn, dấu tích tường bao, dấu tích bồn hoa. Nền móng tường có gạch xếp theo kỹ thuật so le mạch, cứ 1 viên ngang lại 1 viên dọc, lõi tường được đổ đất sét vàng, dẻo quánh và đầm nện kiên cố.

Đặc biệt, trong năm 2013 cũng tìm thấy một cống nước rất lớn thời Trần có một đoạn chạy song song với đường nước thời Lý năm 2012.

Ở thời Lê Sơ đã xác định được dấu tích kiến trúc của 2 thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Thời Lê Sơ tìm thấy nền đất sét đắp khá kỹ ở tât cả các hố, dấu tích nền gạch vồ chủ yếu màu đỏ. Nền sân gạch này đã xuất lộ trong tất cả các cuộc khai quật ở khu vực trung tâm Hoàng Thành Thăng Long các năm 1999, 2008, 2011, 2012 có kết cấu khá giống nhau đề được lát bằng gạch vồ chủ yếu là gạch màu xám. Riêng khu vực trước thềm điện Kính Thiên thì có nhiều gạch vồ đỏ.

Theo ông Tống Trung Tín, việc định niên đại của sân gạch này không đơn giản, có thể có vị trí nên đại thuộc thời Lê Sơ, cũng có vị trí có thể được thời Lê Trung Hưng sử dụng lại hoặc xây mới. Việc xác định chính xác cần phải được nghiên cứu lâu dài.

Thời Lê Trung Hưng đã xác định dấu tích 2 móng kiến trúc có các móng trụ kích thước rất lớn, bó nền, móng tường bao. Tuy nhiên các dấu tích này chồng xếp khá phức tạp, niên đại cũng chưa khẳng định chắc chắn ngay được mà cần thêm thời gian nghiên cứu.

Di tích thời Nguyễn (thế kỷ XIX) phát hiện 2 di tích là mộ táng và các hố móng gia cố chân cột, 4 móng trụ này thẳng hàng theo hướng Bắc – Nam tạo thành kiến trúc có vì 4 hàng chân cột.

dienkinhthien3

Di vật khảo cổ Rồng thời Lý. Ảnh Huy Anh

Các nhà khảo cổ học khẳng định, qua các cuộc khai quật đã dần dần hé lộ không gian chính Điện Kính thiên thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy rõ được bố cục của kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Do vậy, các suy luận về trục trung tâm của thời Lý và thời Trần cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.Các hố khai quật năm 2012 và 2013 đã chứng minh nhận định của GS. Ueno (Nhật Bản): “Đây là di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á” và nhận định của GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch hội Sử học Việt Nam): “Càng nghiên cứu càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”.

Bà Lê Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, chuẩn bị cho các bước tiếp theo chiến lược dài hạn, Hoàng thành Thăng Long cần có kế hoạch tổng thể về khai quật các di tích trong 3 – 5 năm tới để chủ động kế hoạch về bố trí nguồn lực và phương án phục dựng, bảo quản, tuyên truyền cho di sản. Trước mắt, Hoàng thành Thăng Long cần quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về kết quả các cuộc khảo cổ học này.

Huy Anh

Di vật khảo cổ Rồng thời Lý. Ảnh Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button