Đã tu bổ, tôn tạo 211 di tích xuống cấp
Năm 2013, tổng hợp nguồn kinh phí tu bổ di tích, TP Hà Nội đã bỏ ra trên 1 nghìn tỷ đồng dành tu bổ cho 221 di tích trên địa bàn thành phố.
Đình thôn Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm
Hà Nội hiện là địa phương có số di tích lớn nhất cả nước, Với 5.175 di tích, trong đó số di tích đã xếp hạng là 2.209 (chiếm 42,65%).
Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội năm 2012, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 600 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, cần trùng tu, trong đó phải trông chờ nhiều vào từ nguồn xã hội hoá.
Nguyên nhân của việc xuống cấp của các di tích được lý giải do nhiều di tích xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian thăng trầm lịch sử chịu tác động cả về yếu tố tự nhiên và con người. Việc trùng tu các di tích là không thể không làm, nhưng để đủ nguồn vốn huy động tu bổ các duy tích thì không phải là chuyện nhỏ.
Ngoài 12 di tích do thành phố quản lý, việc quản lý, tu bổ, tôn tạo các di tích khác thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã. Theo quy định, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 60% tổng vốn đầu tư tu bổ di tích gốc, còn lại các địa phương thu hút từ các nguồn xã hội hoá. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, các địa phương tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện con số khoảng 40% còn lại.
Tính riêng năm 2013, thành phố huy động được hơn 1.027.546 triệu đồng dành để tu bổ 221 di tích trên địa bàn 29 quận, huyện. Trong đó nguồn vốn Nhà nước là 612.228 triệu đồng, nguồn xã hội hoá huy động được là 415.318 triệu đồng.
Đông Anh là địa phương có số di tích được tu bổ nhiều nhất với 40 di tích có tổng kinh phí là 31.141 triệu đồng. Thị xã Sơn Tây là một trong những địa bàn có số lượng di tích lớn của thành phố. Kết quả kiểm kê di tích năm 2013 trên địa bàn thị xã có 188 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng và hơn 300 ngôi nhà cổ. Tổng số di tích đã được xếp hạng là 68, trong đó có 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố.
Theo ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Phòng văn hóa, thị xã Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm và hầu hết các di tích của thị xã có niên đại khởi dựng từ lâu đời đã trải qua thời gian dài chưa được tu bổ, tôn tạo nên nhiều di tích trong tình trạng xuống cấp như đình chùa Ngõ Bắc, chùa Ngọc Kiên (xã Cổ Đông), đình Cam Thịnh, Đoài Giáp ở Làng cổ Đường Lâm… cần tu bổ, tôn tạo gấp.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội nhận định, năm 2013, công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hoá các di tích văn hoá lịch sử mặc dù đã có nhiều cố gắng song còn bộc lộ thiếu sót, một số địa phương thiếu sự giám sát, chỉ đạo việc quản lý trùng tu, tôn tạo các di tích dẫn đến vi phạm pháp luật về di sản.
Vì vậy, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã xác định năm 2014 sẽ tăng cường hơn nữa quản lý nhà nước về di sản trên địa bàn TP Hà Nội. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm và nâng cao năng lực quản lý nhà nước của UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn trong quản ly di tích.
Thành phố cũng đã đặt mục tiêu năm 2014 hoàn thành công tác kiểm kê các di tích trên địa bàn và triển khai kiểm kê di sản văn hoá vi phật thể trên toàn thành phố. Đẩy nhanh tiến độ sưu tầm hiện vật trưng bày Bảo tàng Hà Nội, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý di tích, hiện vật, cổ vật, sách, tài liệu quý.