Thi thiết kế Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu

Sáng 12/2, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức giới thiệu cuộc thi “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”.

dautichhoangthanh1

Khu A – B thuộc di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, chính giữa là dấu tích một con sông cổ. Ảnh Huy Anh

Cuộc thi nhằm chọn được phương án thiết kế tốt nhất đảm bảo các nguyên tắc chung về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đảm bảo sự hài hòa với các công trình kiến trúc liền kề và cảnh quan chung của khu vực, tiến tới xây dựng một công viên Lịch sử – Văn hóa Hoàng thành Thăng Long, tôn vinh giá trị di sản và giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, mục đích cuộc thi là xây dựng một không gian văn hóa cộng đồng hài hòa về kiến trúc cảnh quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật trong một tổng thể khu Trung tâm chính trị – hành chính Ba Đình; tổ chức một không gian kiến trúc cảnh quan nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục tuyên truyền, quảng bá và phát triển du lịch.

Thông qua cuộc thi, sẽ phát huy cao hơn nữa tác dụng giáo dục cộng đồng, tuyên truyền quảng bá tới người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về khu vực Hoàng thành Thăng Long, rộng hơn nữa về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

dautichhoangthanh2

Dấu tích giếng cổ thời Lý. Ảnh Huy Anh

Theo Ban Tổ chức, việc tuyển chọn phương án thiết kiến trúc làm cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di tích Hoàng thành Thăng Long trong mối liên kết và phát triển bền vững của khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.

Hội đồng tuyển chọn bao gồm đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, trường Đại học Xây dựng và các chuyên gia trong nước, quốc tế có chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan như quy hoạch, kiến trúc, khảo cổ và bảo tồn di sản văn hóa.

Đến thời điểm này Ban tổ chức đã nhận được đăng ký tham gia của 40 đơn vị, hứa hẹn mang đến cho cuộc thi những phong cách thiết kế đa dạng, là cơ sở để tin tưởng rằng Ban tổ chức sẽ lựa chọn được những tác phẩm thiết kế hợp lý, độc đáo, tôn vinh được giá trị di sản.

  dautichhoangthanh3

Dấu tích đường thoát nước trong khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Ảnh Huy Anh

Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có diện tích 45.530 m2, nằm trong quần thể khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Từ tháng 12/2002 đến tháng 3/2004, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật trên quy mô lớn tại khu vực 18 Hoàng Diệu với tổng diện tích khai quật 19.000 m2 và phát lộ một quần thể di vật phong phú, đa dạng, đan xen, chồng xếp lên nhau, từ thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê, thời Lý, thời Trần, thời Lê Sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Khu di tích phát lộ nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác, cùng với hệ thống thoát nước, giếng cổ, sông, hồ được quy hoạch rõ ràng, tận dụng điều kiện tự nhiên dựa trên các quy chuẩn Nho giáo và thuyết phong thủy. Các di vật tìm thấy bao gồm các loại vật liệu kiến trúc, đồ kim loại, đồ gốm sứ có niên đại liên tục 1.300 năm. Trong đó, có nhiều di vật có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, các nước trong vùng Đông Nam Á, là những minh chứng sống động về một trung tâm giao lưu văn hóa của Kinh thành Thăng Long qua hàng ngàn năm lịch sử.

Các đơn vị dự thi sẽ tiến hành thực hiện bài thi trong khoảng 2 tháng, các tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày triển lãm từ ngày 30/4 – 3/5. Lễ công bố giải thưởng sẽ tiến hành trong thời gian từ 3 – 5/5/2014.

Huy Anh

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button