Tết Chol Chnam Thmay trên đất Thủ đô
Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vào ngày 15/4 tới đây.
Ảnh minh họa
Tết Chol Chnam Thmay sẽ được tổ với sự tham dự của chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông, tăng ni, phật tử và khoảng 100 đại biểu, khách quốc tế (đến từ các nước: Sri Lanka, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và lưu học sinh các nước trên đang học tập tại Hà Nội).
Cũng như Tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa, nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer và mọi sinh hoạt trong lễ hội đều diễn ra tại chùa.
Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay có nghĩa là “Vào năm mới” (còn gọi là Lễ chịu tuổi), thường tổ chức từ ngày 01 đến 03 tháng Chét theo lịch của Phật giáo Khmer (khoảng 13, 14, 15 tháng Tư dương lịch hàng năm).
Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer cũng giống như Tết Nguyên Đán của người Kinh, là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Tết này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Khmer vì nó vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới, cũng là ngày hạnh phúc tươi vui nhất trong năm mới. Đây còn là dịp nam nữ thanh niên trong phum, sóc quen biết, tìm hiểu nhau, có thể tiến tới cuộc hôn nhân tốt đẹp trong tương lai…
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2009-19/4/2014) sẽ có hai hội thảo được tổ chức, gồm: Hội thảo “Xây dựng Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015-2020” (ngày 17/4) nhằm hoàn thiện và xây dựng hệ thống các chủ đề, nội dung hoạt động cho các sự kiện thường niên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2015-2020; Hội nghị – Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời xác định phương hướng, biện pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, từ ngày 15 – 20/4/2014, không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam sẽ được giới thiệu tới đồng bào và du khách với những nét ẩm thực tiêu biểu của các vùng Bắc, Trung, Nam, trong đó điểm nhấn là ẩm thực các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh, Hoa, Khmer…
Thùy An