Kiến nghị khẩn cấp của các nhà khoa học về việc bảo vệ di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Việc thi công hệ thống đường bao Nhà Quốc hội đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu di tích khảo cổ học C, D của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long) nằm liền kề. Ngày 18/7/2014, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc bảo vệ di sản Hoàng thành Thăng Long.

hoang-thanh-bi-xam-hai

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), để hoàn thiện công trình xây dựng Nhà Quốc hội (mới), cần có một con đường cứu hỏa (đường nội bộ) giáp với Khu di sản.Theo đó, con đường này lấn sang mốc giới phía Đông Khu di sản là 3m, phía Bắc không đều, khoảng trên dưới 1.5m. Diện tích lấn sang khu di sản khoảng 450m2. Hội đồng tư vấn khoa học của UBND thành phố Hà Nội và các nhà khoa học đã kịch liệt phản đối việc này, vì sẽ vi phạm Luật Di sản Văn hóa và Công ước Di sản thế giới của UNESCO.

Tuy nhiên, do yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng Nhà Quốc hội, Hội đồng tư vấn khoa học đã đưa ra một giải pháp dung hòa là thiết kế xây dựng một ranh giới mềm giữa Nhà Quốc hội và Khu di sản, phần trên rải cỏ với điều kiện đơn vị thi công không được đào sâu vào lòng đất vượt quá 1m để không xâm hại di sản. Đồng thời yêu cầu việc thi công hạng mục tại khu vực C- D phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý di sản là Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối khu di sản.

Để đảm bảo tiến độ thi công công trình Nhà quốc Hội mới, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, theo thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đã tiến hành bàn giao toàn bộ mặt bằng di tích Khu C- D ( (khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới).

Hiện nay, trong quá trình thi công, đơn vị thi công đã bỏ qua các quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản Văn hóa dẫn đến tình trạng xâm phạm nghiêm trọng khu di sản.

Tại khu vực giáp ranh giữa công trường Nhà Quốc hội và Khu di sản đã xây xong phần lớn con đường cứu hỏa với một bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản. Bức tường này có chỗ cao đến 3- 4m, nằm sát thành hố khai quật. Một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của Khu di sản.

Toàn bộ khu C- D đã biến thành công trường xây dựng với những container, vật liệu xây dựng, phế thải, xe máy, nhà ở của công nhân và đặc biệt là một dãy nhà vệ sinh công cộng đặt ngay trên mặt bằng của Di sản Thế giới này.

Các hố khảo cổ bị ngập nước, xói lở, các dấu tích khảo cổ bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều hố khảo cổ bị rác, vật liệu xây dựng vứt ném bừa bãi, làm hư hỏng các di tích khảo cổ đã xuất lộ.

Công nhân xây dựng tự do ra vào Khu di sản trong điều kiện cán bộ quản lý di sản khó tiếp cận, không được theo dõi giám sát nên đã không tránh khỏi va chạm làm một số di tích, di vật trong các hố khảo cổ bị xê dịch và có thể mất mát.

Việc thi công xây dựng không có sự giám sát của cơ quan quản lý bảo tồn đã dẫn đến tình trạng vi phạm trên.

Trước tình hình đó, các nhà khoa học đã kiến nghị Ban quản lý dự án phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý di sản, phải thu dọn nhà ở của công nhân, nhà vệ sinh công cộng và tất cả tình trạng bừa bãi hiện nay, trả lại mặt bằng sạch sẽ cho Khu di sản; Đồng thời cũng đề xuất các phương án bảo tồn cấp thiết khu vực này, trong đó có việc cứu nguy các hố khảo cổ bị ngập nước, nghiên cứu lấp cát bảo tồn di tích trong lòng đất.

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button