Phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 26-11, Sở VH, TT&DL Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức tọa đàm Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch và kết nối chương trình tham quan du lịch Hà Nội với di sản Hoàng thành Thăng Long. 

hoangthanh1

Theo các nhà nghiên cứu, Hoàng thành Thăng Long là một tài sản vô giá, đặc biệt, nơi đây có cảnh quan đẹp, có nhiều hoạt động trải nghiệm sinh động, phù hợp với khách du lịch

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tiềm năng giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long cho phát triển du lịch thủ đô; Những biện pháp đẩy mạnh công tác phát huy giá trị khu di sản, thu hút khách du lịch tới Hoàng thành Thăng Long và cách thức phối hợp, kết nối chương trình tham quan Hà Nội- di sản Hoàng thành Thăng Long.

Giới nghiên cứu di sản, đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng, với vị trí trung tâm của Thủ đô, địa chỉ du lịch này rất thuận tiện cho việc kết nối các điểm di tích nổi tiếng khác như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đông Ngạc…Do đó Hoàng thành Thăng Long hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Để thu hút khách du lịch tới khu di sản này, theo các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp du lịch lữ hành, cần xây dựng chương trình tham quan hệ thống di sản này một cách hấp dẫn, phù hợp với một tour du lịch, đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là khách nước ngoài.

Ban Quản lý di sản và các đơn vị lữ hành cần thống nhất cách thức phối hợp chặt chẽ nhằm đưa di sản trở thành một lựa chọn hàng đầu trong chương trình du lịch Thủ đô và thực hiện tốt công tác bảo vệ di sản. Kết nối phát triển du lịch Hà Nội – Hoàng Thành Thăng Long.

 

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011. Gồm Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long, tạo nên một quần thể thống nhất, là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long – Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18, với một giá trị văn hóa nổi bật, bề dày lịch sử 1.300 năm và sự giao thoa các giá trị văn hóa suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Kể từ khi mở cửa lần đầu tiên vào năm 2004 Hoàng Thành Thăng Long đã thu hút được một lượng khách tham quan đáng kể, thậm chí lên tới 200.000 lượt khách/ tháng. Qua khảo sát, số lượng khách trong nước chủ yếu là người cao tuổi và sinh viên. Số lượng khách quốc tế ổn định, chiếm khoảng 20% tổng số khách tham quan…

Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mỗi ngày Hoàng thành Thăng Long thu hút khoảng 300.000 lượt khách. Trong năm 2013, khu di sản đã đón khoảng 120.000 lượt khách tham quan.

Lượng khách đến khu di sản thường tăng đột biến vào những tháng cuối năm do nhu cầu tham quan thưởng ngoạn và chụp ảnh tại khu di sản của giới trẻ và học sinh, sinh viên, lượng khách nước ngoài đến theo tour cũng tăng đáng kể, đặc biệt là khách Nhật Bản.

Tuy nhiên vào những thời điểm khác trong năm, khu di sản chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của khách tham quan.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, cần tăng cường khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, kết nối chương trình tham quan Hà Nội – Di sản Hoàng Thành Thăng Long nhằm tôn vinh, quảng bá rộng rãi di sản cũng như giới thiệu với công chúng về giá trị di sản thông qua du lịch.

Đồng thời, tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội với ngành VHTTDL của Hà Nội.

Hiện Trung tâm Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã và đang cố gắng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch như lễ hội Xuân, triển lãm hoa, cây cảnh nghệ thuật, trưng bày hiện vật, cổ vật quý, nhưng những hoạt động mang tính biểu tượng hoàng cung chưa được khai thác để tạo nét hấp dẫn, đặc sắc riêng.

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button