Từ những phát hiện mới về thành Cổ Loa: Nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ

Sau hàng chục thế kỷ những bí mật dưới thành Cổ Loa (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) đã được các nhà khoa học hé mở phần nào. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã công bố kết quả nghiên cứu về tòa thành này kể từ năm 2007 đến nay.

Khẳng định nét tài hoa của người Việt cổ

Trên thực tế, trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, Khu di tích Cổ Loa và vùng phụ cận đã nhiều lần được khai quật khảo cổ, nhưng chưa có đợt nghiên cứu nào mang tính tổng thể đối với cả ba vòng thành (thành Ngoại, thành Trung, thành Nội) như trong thời gian gần đây. Từ những kết quả thu được, các nhà khoa học đã giải mã phần nào những bí mật tồn tại dưới lòng thành cổ suốt hàng nghìn năm.

hoguom

Quang cảnh quần thể Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh). Ảnh: Khánh Huyền

Theo TS Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học), ba vòng thành Cổ Loa có nhiều lớp đất đắp khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau. Nếu như thành Ngoại, thành Trung và vọng gác nhiều lần được đắp theo hình vòng cung, thì việc đắp thành Nội và những ụ hỏa hồi trong các giai đoạn khác nhau đều tạo thành mặt phẳng. Không chỉ khác nhau về kỹ thuật đắp thành lũy, di vật được tìm thấy tại các điểm khảo cổ cũng rất khác nhau. Hàng trăm mảnh ngói, sành, gốm tráng men phát lộ tại hố khai quật trên dải đất cao ở đoạn thành Ngoại gần gò Đống Dân – xóm Bãi (xã Cổ Loa) có hoa văn trang trí hết sức đa dạng với hình văn thừng, hình ô trám… Trong khi đó, hàng nghìn hiện vật tìm thấy ở lũy, hào thành Trung thuộc địa phận xóm Thượng và xóm Bãi (xã Cổ Loa) là những di vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Đáng nói hơn, phần lớn di vật được tìm thấy trong quá trình thám sát thành Nội là tiêu bản ngói Cổ Loa… Từ những phát hiện khoa học này, TS Trịnh Hoàng Hiệp khẳng định, thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ III-II (TCN). Thành Cổ Loa thể hiện sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, thành Cổ Loa là bằng chứng về trình độ kỹ thuật của người Việt cổ. Cũng theo TS Trịnh Hoàng Hiệp, một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện ở khu vực Cổ Loa thời Đông Sơn. “Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, ở lưu vực sông Hồng chưa có di tích nào có quy mô lớn như vậy. Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa, chắc chắn phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và được tập trung hóa”, TS Trịnh Hoàng Hiệp nhận định.Đồng quan điểm trên, PGS. TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học nói: “Trước đây, kỹ thuật đắp thành là vấn đề gây tranh cãi gay gắt suốt nhiều năm liền. Hiện nay, vấn đề này đã phần nào được làm sáng tỏ, chứng minh được đây là thành tựu của người Việt. Chúng ta đã phát hiện các lớp cắt đất của giai đoạn 2 đắp thành Trung rất dày và thô, thiếu đồng nhất, trong khi phương pháp cắt đất ở các di chỉ thời nhà Hán (Trung Quốc) có xu hướng cắt mỏng và có độ dày thống nhất”.Những phát hiện khảo cổ về thành Cổ Loa từ năm 2007 đến nay cho thấy bức tranh tổng thể về xã hội, về cuộc sống, về sự tài hoa của người Việt cổ. Bức tranh ấy càng rõ ràng hơn khi so sánh những phát hiện mới về thành Cổ Loa với những phát hiện trước đó. Ví như tại di chỉ khảo cổ học Đình Tràng (cách Cổ Loa 3km), các nhà khoa học từng phát hiện diễn tiến của các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn trong tiến trình lịch sử.

Khu di tích Cổ Loa có diện tích gần 46ha, gồm ba vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín. Chu vi vòng ngoài thành là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6km. Lũy cao trung bình từ 4-5m, mặt lũy rộng 6-12m. Khu di tích Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ.

Cần tiếp tục nghiên cứuCuộc khai quật khảo cổ kéo dài 8 năm góp phần giải mã nhiều bí ẩn; đồng thời đặt ra những giả thiết quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu. “Đây là một vương thành thì chắc chắn phải có dấu tích đền đài, cung điện, thậm chí có thể là nơi manh nha đô thị đầu tiên. Nếu chúng ta không tiếp tục khai quật khảo cổ học thì chắc chắn chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thứ”, PGS. TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói.TS Trịnh Hoàng Hiệp đặt vấn đề: “Các lần đắp thành Nội và ụ hỏa hồi cách xa nhau hay được tiến hành cùng thời với thành Cổ Loa? Sự hiện diện của các mảnh ngói và đá tạo cấu trúc mái được dựng lên dọc theo bề mặt gốc của tường thành trong giai đoạn giữa nhằm chống lại sự tác động của thiên nhiên, sự tấn công từ bên ngoài vào hay đó là sự cố ý sắp đặt nhằm củng cố sự toàn vẹn cho tường thành, chống lại sự xói mòn do mưa? Với tất cả những câu hỏi đó, hiện chúng tôi vẫn chưa đủ căn cứ, dữ liệu để trả lời chính xác…”.

Để giải đáp những băn khoăn này; đồng thời làm rõ hơn giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, nhiều nhà khoa học kiến nghị các cơ quan chức năng nên chọn những khu vực tiêu biểu của di tích để nghiên cứu, phục hồi; từng bước khai quật lũy phía tây nam thành Ngoại, thành Trung, lũy, ụ hỏa hồi phía tây nam thành Nội và hào thành Ngoại… Sau khi kết thúc các đợt khai quật, nên có nhà mái che bảo vệ di tích và tổ chức giới thiệu cho khách tham quan.

Khách quan mà nói, những đề xuất này là hoàn toàn xác đáng. Vì lịch sử còn ghi, sau khi giành quyền độc lập tự chủ, vua Ngô Quyền đóng đô tại Cổ Loa gần 10 năm, song những bằng chứng khảo cổ về giai đoạn lịch sử này ở Cổ Loa còn rất mờ nhạt. Hơn nữa, nhiều bức tường thành đã bị xói mòn, một phần không nhỏ diện tích của khu di tích có người dân sinh sống… cho nên, có thể nói những gì chúng ta tìm hiểu về di tích Cổ Loa hiện nay mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Hanoimoi

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button