Lễ hội Cổ Loa: Nhiều tích trò vui đến rằm tháng Giêng

Ngày 24/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Mùi), hàng vạn người dân Thủ đô và du khách thập phương đã nô nức về dự lễ khai Hội Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã được vua Hùng Vương thứ 18 nhường ngôi vào đầu thế kỷ 3 trước công nguyên, đặt tên nước Âu Lạc và định đô tại Cổ Loa. 

le1

Lễ hội Cổ Loa là lễ hội truyền thống đầu xuân lớn nhất trên địa bàn huyện Đông Anh, nó là dịp để nhân dân trong vùng vui xuân cùng với nhau, đồng thời tưởng nhớ công ơn các bậc hiền nhân có công dựng nước và giữ nước.

Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 16 tháng giêng. Hội được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung. Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.

le2

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội Cổ Loa 2015 phát biểu khai mạc lễ hội: “Thành Cổ Loa là tòa thành cổ nhất, quy mô lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Việc chọn đô ở Cổ Loa chứng tỏ sự lớn mạnh của dân tộc ta hồi đó, tiến về đồng bằng để xây dựng và phát triển, đó là một bước tiến vĩ đại để tăng cường quyền uy và nhất là yêu cầu chống giặc ngoại xâm. Cứ ngày mùng 6 tháng Giêng nhân dân Cổ Loa và du khách thập phương lại nô nức trảy hội bằng tục rước Bát Xã Loa thành thể hiện sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết cộng đồng làng xã mà chỉ có ở truyền thống của người Việt”.

le3

Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội.

Sáng ngày mùng 6 Tết làng tổ chức lễ rước văn tế từ nhà vị tiên chỉ ra đền để tế thần. Theo thông lệ, văn tế soạn thảo được đặt lên giá, khi 12 ông trưởng xóm đến đông đủ cả thì bắt đầu sửa lễ. Mở đầu là năm lá cờ ngũ hành, tiếp đó đến phường bát âm giá văn tế đặt trong kiệu long đình có lọng che. Nối tiếp là quan viên trong làng và các vị kỳ mục đi theo. Sân đền được bài trí cờ quạt rực rỡ cho cuộc tế thần. Ngoài sân đền, cờ hội, cờ đuôi nheo cắm thẳng hàng từ đường xóm vào tận sân đền Giữa sân là cột cờ lớn, phía trên phấp phới lá cờ đại. Sát cửa đền, hai bên là đôi ngựa hồng, ngựa bạch đầy đủ yên cương sặc sỡ. Tiếp ra phía ngoài là đồ lễ bộ và bát bưu. Khoảng giữa sân là kiệu của 12 xóm.

le4

Khi một hồi tù và rúc lên báo hiệu đám rước văn đã tới, long đình được kính cẩn khiêng đến đặt phía trước hương án. Lúc này phường bát âm nổi nhạc, tiếng tù và hân hoan đón chào. Cuộc tế lễ bắt đầu, kéo dài tới quá giờ Ngọ. Trong lúc quan viên, kỳ mục lần lượt làm lễ tế trước bàn thờ, một số kỳ mục được cử ra tiến hành đại diện cho xóm làng cầu nguyện nhà vua phù hộ cuộc sống yên bình, thịnh vượng.

Sau đó chuyển sang cuộc rước thần. Đi đầu cũng là cờ quạt rồi đến long đình cũng các lộ bộ bát bửu. Tiếp theo là phường bát âm và các quan viên đội mũ tế áo thụng, đai hia, tay bưng các vũ khí của nhà vua. Liền sau đó là chức sắc và trai đinh xóm Chùa thuộc làng Cổ Loa khiêng long đình trên có bài vị của nhà vua. Rồi đến chức sắc và dân của các làng khác, mỗi làng rước kiệu của mình, với cờ quạt, phường bát âm riêng. Toàn bộ đám rước rất dài, lại đi rất chậm, đàn sáo tưng bừng.

Đường đi bắt đầu từ Đền Thượng vòng quanh Giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Đi sau mỗi kiệu có 4 trai đinh mỗi người cầm một cây cờ đại, vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay vào đình Ngự Triều, được đặt trước sân đình và dân Cổ Loa lại làm lễ thần lần nữa.

le5

Còn phần hội thì kéo dài tới rằm tháng giêng bằng nhiều trò vui. Tối ở đình làng có đốt pháo hoa, hát ca trù, hát tuồng. Ban ngày, các cụ ông chơi bài, đánh cờ. Các cụ bà đi lễ đình lễ chùa. Thanh thiếu niên nam nữ có trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo dây, bắn cung nỏ, cờ người, thổi cơm thi, chọi gà, đánh đáo mẹt… tạo nên một không khí vui tươi, sống động trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Trong những ngày hội Cổ Loa, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem thật đông, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa. Lễ hội Cổ Loa khép lại vào ngày 16 tháng Giêng, với phần nghi thức tế tạ trời đất, mọi người ai nấy ra về trong niềm phấn khởi về một chuyến du xuân thú vị và thầm hẹn gặp nhau trong mùa trẩy hội tới.

Loan Vũ
(HNMO)

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button