UNESCO chính thức ghi danh lần thứ 2 Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào Danh mục Di sản Thế giới
Vào lúc 12giờ24phút (giờ Cộng hòa Liên bang Đức), tức 17giờ24 phút (giờ Việt Nam), ngày 03 tháng 7 năm 2015, tại thành phố Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức công nhận lần thứ 2 Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Đoàn Việt Nam tham gia bảo vệ Hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận từ năm 2003 với tiêu chí viii về địa chất-địa mạo. Trong quá trình quản lý di sản, nhận thấy những giá trị về đa dạng sinh học mang tính nổi bật toàn cầu cần được tiếp tục nhận diện để bảo vệ theo quy định của Công ước Di sản Thế giới và pháp luật Việt Nam hiện hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 mở rộng diện tích Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng từ 85.754ha lên 123.326ha, trên cơ sở đó, các nhà khoa học và quản lý di sản đã xây dựng hồ sơ đề cử lần thứ 2 mở rộng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng theo địa giới nghiên cứu đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên 03 trụ cột chính quy định tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới, đó là:
1 – Đạt được các tiêu chí về địa chất-địa mạo và đa dạng sinh học:
– Tiêu chí (viii): Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng góp phần mang lại những hiểu biết vô cùng đáng giá về địa chất, địa mạo và các thời kỳ lịch sử của khu vực. Hệ thống hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng lưu giữ hàng loạt thông điệp của người xưa; là bằng chứng về những thay đổi trong hệ thống các sông ngầm dưới lòng đất, sự bồi đắp, tích tụ để hình thành nên những nhũ đá với hình thù kỳ thú trong các hang động. Di sản có cảnh quan thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, trong đó, hang Sơn Đoòng, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2009, được đánh giá là hang ngầm tự nhiên lớn nhất thế giới.
– Tiêu chí (ix): Hệ sinh thái hang động và các loài động, thực vật sinh sống tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vô cùng độc đáo, trong đó có nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và sống phụ thuộc vào hệ thống hang động. Di sản được bao phủ với 84% diện tích rừng đặc dụng, với hệ thống sinh thái rừng mưa nhiệt đới có tầm quan trọng toàn cầu.
– Tiêu chí (x): Khu vực này có hệ thống đa dạng sinh học hết sức phong phú, với hơn 2.700 loài cây, 800 loài thực vật, trong đó có 133 loài cây và 104 loài thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.
2 – Đảm bảo tính toàn vẹn.
3 – Đã thực thi và bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản.
Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản Tài sản văn hóa (ICCROM) chúc mừng Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên sau khi đoàn Việt Nam bảo vệ thành công Hồ sơ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và các Bộ, ngành liên quan, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản. Điều này đã khẳng định những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cũng như của toàn nhân loại./.
Nguyễn Viết Cường – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
(Đưa tin từ thành phố Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức)