Lễ mít tinh, diễu binh mừng Quốc khánh 2/9

30.000 người đại diện cho các lực lượng quân đội, công an và nhiều tầng lớp nhân dân đã tham gia lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành qua nhiều tuyến phố trung tâm thủ đô trong sự chào đón của người dân.
8h45
Kết thúc lễ diễu binh, diễu hành qua lễ đài ở quảng trường Ba Đình, 30.000 người chia thành hai ngả đang tiến sâu vào các tuyến phố Hà Nội. Ngả thứ nhất là quảng trường Ba Đình – Hùng Vương – Nguyễn Thái Học – Kim Mã – Liễu Giai. Ngả thứ hai quảng trường Ba Đình – Hùng Vương – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hàng Khay – Tràng Tiền – Nhà hát Lớn – Trần Khánh Dư.
do4-1864-1441163200.jpg
do1-1597-1441163201.jpg
8h40

Tại quảng trường Ba Đình, lễ mít tinh chuẩn bị khép lại với màn văn hóa – nghệ thuật, giai điệu bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên. Trong khi đó, tại Sài Gòn, đường phố vắng vẻ. Ở quán cafe, nhiều người dân theo dõi diễu binh, diễu hành qua màn ảnh nhỏ.

Ông Văn Quốc Huy (61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, 70 năm Quốc khánh là mốc trọng đại của dân tộc, việc theo dõi diễu binh cũng là cách nhìn lại chặng đường đã qua. “Tôi kỳ vọng đất nước sẽ ngày càng phát triển, đời sống thịnh vượng hơn”, vị cựu chiến binh nói.

Ông Hà Văn Tải (86 tuổi), nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, cán bộ tiền khởi nghĩa từng tham gia cướp chính quyền, dạy bình dân học vụ, chia sẻ cảm xúc khi theo dõi lễ diễu binh.

8h35
Tại quảng trường Ba Đình, kết thúc phần diễu hành là đoàn xe Quốc hiệu, đi đầu là biểu tượng nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên, sau đó là biểu tượng nhà nước Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Kết thúc phần nghi lễ tại quảng trường Ba Đình, đoàn diễu binh, diễu hành sẽ chia làm hai ngả về phía Kim Mã và ngược lên Văn Miếu.Trên các tuyến đường đoàn diễu binh đi qua, người dân đứng, ngồi kín hai bên. Nhiều cựu chiến binh đã trải qua chiến tranh, từng nếm trải những mất mát, đau thương; hay các em bé lần đầu tiên được xem diễu binh đều chăm chú theo dõi.

Bà Nguyễn Thị Hằng (83 tuổi ở Kim Mã) mang ghế ra vỉa hè ngồi từ 5h sáng. Cách đây 70 năm, bà Hằng là cô bé 13 tuổi theo bố mẹ đi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập. Khi đó không được vào quảng trường nhưng bà vẫn rất háo hức. “Đất nước 70 tuổi rồi, chỉ mong sẽ ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no, lớp trẻ lớn lên được hưởng thành quả tốt nhất”, bà nói.

8h24
Tại quảng trường Ba Đình, khối nông dân, trí thức, doanh nhân, thanh niên đang tiến qua lễ đài. Trong khi đó, các khối quân đội, công an nhân dân chia thành hai ngả đã tiến sâu vào các tuyến phố. Người dân đứng kín hai bên đường vỗ tay chào đón. Rất nhiều người đã dùng điện thoại, máy ảnh để ghi lại cảnh diễu binh.
8h15

Tại quảng trường Ba Đình, các khối công an nhân dân gồm: cảnh sát cơ động, giao thông, phòng chống tội phạm, đặc nhiệm, phòng cháy chữa cháy… đang tiến qua lễ đài. Ra đời từ khi chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, trải qua các thời kỳ, cảnh sát nhân dân đã gắn bó với nhân dân và các lực lượng chức năng, trừng trị tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tham dự lễ mít tinh có đại diện nhiều đại sứ quán. Tham tán Đại sứ quán Nga gửi lời chúc mừng nhân dân Việt Nam.

8h05

Các khối nam, nữ dân quân tự vệ tiến vào lễ đài. Cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng nữ tự vệ đã có vai trò quan trọng trong cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến, nữ tự vệ vừa lao động sản xuất, bảo vệ nhà máy, vừa chịu đựng vất vả, động viên chồng con lên đường đánh giặc.

Tuổi già, không thể xuống Hà Nội theo dõi lễ diễu binh trực tiếp, ông Hoàng Đình Trân (82 tuổi, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Lạng Sơn, theo dõi qua tivi. Nhận xét các đội diễu binh đi rất đẹp, thể hiện được sức mạnh, ông Trân mong rằng đất nước Việt Nam phát triển mạnh, ai cũng có công ăn việc làm, sinh viên ra trường không còn rơi vào cảnh thất nghiệp. Lao động trong nước không phải đi xuất khẩu mà Việt Nam còn thuê được người nước ngoài về làm giàu cho mình.

8h00

Khối sĩ quan đặc công đang tiến vào lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò lực lượng này: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt”. Thực tế đây là binh chủng mạnh trong quân chủng lục quân.Ở Lạng Sơn, người dân thành phố và các huyện lân cận như Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng đổ đến khu vực tượng đài Hoàng Văn Thụ để theo dõi chương trình giao lưu dân ca chào mừng ngày 2/9. Bà Hà Thị Cồ (62 tuổi, huyện Cao Lộc) cho biết năm nào cũng rủ vài người cùng làng ra thành phố chơi hội 2/9. Đến đây, bà được hát sli lượn giao duyên.

Tại Nghệ An, cùng con cháu theo dõi tivi màn diễu binh 2/9, thiếu tướng Bùi Tùng chia sẻ cảm nhận:

7h50

Khối học viên các trường sĩ quan tiến qua lễ đài. Tham dự đợt kỷ niệm này có rất nhiều trường sĩ quan, gồm: lục quân, chính trị, hậu cần, kỹ thuật quân sự, phòng không không quân, không quân, hải quân, biên phòng, đặc công, tăng thiết giáp, pháo binh, công binh, phòng hóa, thông tin, bộ binh… Các học viên được tập trung tập luyện từ 4 tháng trước.

7h43

Đội hình diễu binh của lực lượng vũ trang tiến vào lễ đài. Đi đầu đội hình diễu binh là xe chỉ huy của trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp theo đoàn diễu binh là các khối quân nhạc, sĩ quan lục quân, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, phòng không, không quân, hải quân.

7h35

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc bài diễn văn hơn 20 phút bằng lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân, đưa đất nước sánh vai cùng bè bạn, giữ gìn toàn vẹn non sông gấm vóc, tin tưởng dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.

​Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chỉ đạo lễ diễu binh, diễu hành trong tiếng quân nhạc. Đi đầu đội hình là xe Quốc huy nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy được đặt trên nền trống đồng tượng trưng cho lịch sử, cội nguồn văn hóa dân tộc. Hành tiến cùng xe Quốc huy là 54 đôi nam, nữ thanh niên, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Tiếp theo là khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc và xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

7h25

Diễn văn của Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng có nhiều khó khăn, như: chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo trên thế giới, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông.

7h20

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Cách mạng tháng 8 đưa Việt Nam từ nước thuộc địa nửa phong kiến thành đất nước độc lập, nhân dân từ thân phận nô lệ thành người tự do, cổ vũ phong trào đấu tranh của các nước thuộc địa trên thế giới. 70 năm qua, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, toàn thể nhân dân Việt Nam đã giữ vững nền độc lập tự chủ, bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng 8.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước cũng thể hiện sự tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước; khắc ghi công ơn to lớn của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân các nước anh em đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay.

7h10

Trên khán đài, Ban tổ chức đang giới thiệu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoàn khách quốc tế tới tham dự lễ mít tinh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc diễn văn, nhắc lại sự kiện cách đây đúng 70 năm, tại vị trí này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên nhiều tuyến phố, người dân tập trung rất đông. Các thanh niên tình nguyện và công an luôn nhắc nhở người dân đứng đúng vị trí, không tràn ra lòng đường.

7h05

Ngọn lửa truyền thống biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và trường tồn của dân tộc Việt Nam được những vận động viên tiêu biểu rước từ Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến vào Quảng trường Ba Đình. Ngọn lửa được trao cho trung tướng Triệu Xuân Hòa, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân để thắp lên đài lửa. Lãnh đạo Đảng, nhà nước và các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành làm lễ chào cờ trước Quảng trường Ba Đình. Cùng lúc, tại Hoàng thành Thăng Long, 21 loạt đại bác đắt đầu nổ vang rền.

7h00

Lễ chào cờ ở Quảng trường Ba Đình bắt đầu. 21 loạt đại bác cũng được khai hỏa tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, cựu chiến binh đến từ Yên Mỹ (Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi may mắn so với nhiều đồng đội đã ngã xuống, được ra dự 70 năm ngày Quốc khánh. Là người dân, thấy thủ đô trang nghiêm, long trọng kỷ niệm ngày lễ lớn như thế này thì không biết nói gì hơn, kính chúc toàn thể người dân và đồng đội Đoàn 814, Mặt trận B2 Nam Bộ luôn mạnh khỏe”.

6h55

Đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước đang tiến ra lễ đài, chuẩn bị cho lễ chào cờ bắt đầu lúc 7h5. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch nước sẽ đọc diễn văn và đến 7h40 bắt đầu chương trình diễu binh diễu hành. Điều hành lễ diễu binh là trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

6h40

Xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, hàng nghìn người dân đang chờ đợi. Sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010, đến nay người dân thủ đô mới lại được chứng kiến các lực lượng phô diễn sức mạnh. Dù quy mô đợt này không như trước, không có sự tham gia của vũ khí trang bị, nhưng người dân vẫn háo hức.

Ở góc đường Nguyễn Thái Học – Lê Trực, hai cựu chiến binh Đoàn Văn Hào (89 tuổi) và Nguyễn Xuân Tiến (92 tuổi) khoác trên mình bộ áo lính gắn đầy huân chương, kỷ niệm chương ngồi lặng lẽ chờ đợi. Ngày 2/9/1945, hai cụ may mắn có mặt ở Hà Nội để chứng kiến lễ mít tinh và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.

“Khi nghe Hồ Chủ tịch đọc tuyên ngôn, chúng tôi vỗ tay giòn vang như những tràng pháo, nhiều người đã khóc vì niềm hạnh phúc khi trở thành người dân của một đất nước độc lập”, ông Tiến chia sẻ. Sau này được dự nhiều lễ diễu binh, diễu hành, nhưng đối với ông, ngày độc lập năm 1945 để lại dấu ấn khó phai mờ.

Tại Hoàng thành Thăng Long, pháo lễ đã vào đội hình, đạn pháo đã lên bệ. 75 lính pháo binh trang phục chỉnh tề sẵn sàng nhận lệnh từ 6 chỉ huy để khai hỏa. Sẽ có 21 loạt pháo đại bác được bắn cùng thời điểm chào cờ tại Quảng trường Ba Đình. Đảm nhận nhiệm vụ này là Lữ đoàn Pháo binh Tất Thắng (Binh chủng Pháo binh), sản xuất đạn pháo 105 mm là Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).

6h30

Trời Hà Nội đang rất đẹp, gió mát, nhiều tuyến phố thoang thoảng mùi hoa sữa – báo hiệu Hà Nội đã vào thu. Người gia đình giục giã nhau dậy từ sớm, sau khi gửi xe ở nhà người quen, hoặc các điểm trông giữ ở đầu phố, thì cùng nhau đi bộ vào trung tâm Ba Đình. Các tuyến phố đoàn diễu binh đi qua sẽ cấm toàn bộ phương tiện, người dân có thể đi bộ vào phố và đứng trên vỉa hè theo dõi.

Nguyễn Minh Nguyệt (Đại học Ngoại thương) cùng bạn đến xem diễu binh từ sớm. “Em thấy mình may mắn khi được sinh ra trong thời bình, có mặt ở thủ đô Hà Nội để chứng kiến những giây phút trọng đại của đất nước như thế này”, Nguyệt nói.

6h25

Từ đêm 1/9, các khối quân, dân tham gia diễu binh từ nhiều ngả đã di chuyển về đường Hoàng Hoa Thám, chuẩn bị cho lễ mít tinh cử hành lúc 7h sáng 2/9 tại quảng trường Ba Đình.

Theo VNExpress

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button