Chính điện Kính Thiên: Đề xuất mô hình phục dựng trong năm 2016

Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa vinh dự được trao giải thưởng Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 8- 2015. Trước đó, vào tháng 3/2015 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đề án này. Dẫu vậy, cho khi nào đề án được triển khai trên thực tế, và việc phục dựng điện Kính Thiên mất bao lâu…đó vẫn là những băn khoăn mà nhiều người muốn biết.

Mới là khởi động

Cách đây 6 tháng, ngay sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức một cuộc gặp gỡ báo chí. Khi ấy, ông Trần Việt Anh- Phó Giám đốc điều hành Trung tâm cho hay, lãnh đạo thành phố mới đồng ý phê duyệt đề án nghiên cứu phục dựng, còn khi nào bắt tay vào phục dựng chư thể nói trước.

Theo kế hoạch, đề án sẽ bao gồm 5 nhóm công việc. Thứ nhất là nghiên cứu điều tra, sưu tầm, khảo cứu tư liệu và khảo sát, học tập kinh nghiệm. Việc thứ 2 là nghiên cứu điều tra thực địa, khai quật khảo cổ học. Các việc tiếp theo là nghiên cứu phân tích, tổng hợp, biên tập, hệ thống hóa dữ liệu, tài liệu cơ bản; nghiên cứu lập phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên. Và công việc cuối cùng là khai thác hiệu quả kép của đề án.

DienKInhThien3

Người dân mong mỏi sớm được chiêm ngưỡng không gian chính điện Kính Thiên xưa 

Theo đề xuất ban đầu của các phía thực hiện dự án, việc nghiên cứu này dự kiến tối thiểu cần tới 4 năm để hoàn thành. Nhưng với đề án nghiên cứu đã được phê duyệt, công việc sẽ  phải triển khai tối đa trong 18 tháng để báo cáo UBND TP Hà Nội, và đề xuất về mô hình phục dựng điện Kính Thiên trong năm 2016. Quả là một thách thức cực lớn, bởi đó là một đề án chưa có tiền lệ, nên chưa có trong quy định pháp lý nào. Hơn thế, vấn đề phục dựng điện Kính Thiên đã trải qua thời gian dài nung nấu, rồi trải qua rất nhiều cuộc hội thảo với các quy mô, phạm vi khác nhau. Qua nhiều thời gian, các chuyên gia góp ý, các ban ngành thành phố thẩm định, Bộ VHTT&DL mới có ý kiến để đi đến quyết định cuối cùng về đề án này của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên đây mới chỉ là viên gạch đầu tiên, là cơ sở pháp lý, còn để có những bước đi cuối cùng cho đề án, sẽ là cả một khoảng thời gian rất dài trước mắt. Ngoài ra, theo dự toán của đề án nói trên, nguồn kinh phí thực hiện là  từ nguồn vốn kinh phí ngân sách nhà nước. Trong đó kinh phí nghiên cứu chuẩn bị và lập đề án dự kiến khoảng gần 2 tỷ đồng.

Theo ông Trần Việt Anh, để tiến hành phục dựng được không gian chính điện Kính Thiên, nguồn vốn chính sẽ huy động của xã hội, vốn nhà nước chỉ ở mức độ vừa phải. Hiện tại tất cả mới chỉ là ở bước sơ khai, khởi động của đề án nên chưa có tiền. Vì thế cũng có thể nói rằng, một trong những khó khăn trong việc phục dựng không gian chính điện Kính Thiên chính là nguồn kinh phí.

Còn phụ thuộc vào kết quả khảo cổ học

Nếu hoạt động nghiên cứu đề án nói trên chỉ được gói gọn trong vòng 18 tháng, có nghĩa tới nay Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã “xài” mất 1/3 thời gian. Vậy công việc nghiên cứu đã tiến hành đến đâu? Trao đổi với TS Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng phòng nghiên cứu nghiên cứu, sưu tầm di sản – Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu đề án nói trên, ông cho biết:  vướng mắc lớn nhất hiện nay là tư liệu phục dựng ít và cũ. Cùng với đó, là những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng ở khu vực này để tiến hành khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của UNESCO. Hiện việc khai quật đang vướng hàng loạt công trình khác.

Trước mắt Trung tâm đang tập trung vào nghiên cứu bằng cách khai quật khảo cổ học để tìm hiểu lại nền móng kiến trúc và những giá trị của di sản nằm dưới lòng đất. Đồng thời tiến hành sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài nước, bằng mọi cách làm sao để cuối cùng phải  ra được 1 sản phẩm 3D và mô hình phục dựng  tỷ lệ 1/20 và 1/100 ra mắt nhân dân. Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp nhận những ý kiến đóng góp để từ đó từng bức phục dựng lại không gian điện Kính Thiên như trước kia.

Như vậy việc thiếu vắng tư liệu lịch sử chính là mối quan tâm lớn nhất khi bắt tay vào nghiên cứu đề án phục dựng không gian chính điện Kính Thiên. Chính giới nghiên cứu hiện cũng đang băn khoăn rằng sau khi phục dựng kiến trúc, các thành phần nội thất, yếu tố phi vật thể sẽ giải quyết ra sao?…

Vậy có thể phục dựng được không gian điện Kính Thiên hay không? Theo TS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) cho rằng chúng ta có thể phục dựng di tích này tương ứng với các dữ liệu từ nguồn sử liệu, các dấu tích vật chất hiện còn trên mặt đất và dưới lòng đất qua các cuộc khai quật. Có thể đó không phải là một điện Kính Thiên nguyên bản như đã từng tồn tại trong quá khứ, nhưng nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn ở mức có thể với diện mạo của một công trình trung tâm quan trọng hàng đầu của Thăng Long xưa.

Còn GS Lưu Trần Tiêu lại nhấn mạnh, việc phục dựng phải thật sự thận trọng, trên cơ sở các cứ liệu khoa học và có sự tham khảo của UNESCO. Phục dựng một cái điện tư liệu có nhưng công năng nó trong đó thế nào không phải bài toán đễ. Vua ngự ở đâu? bên trái hay bên phải, thiết triều thế nào, ra làm sao? Tránh làm công trình vĩ đại mà không biết sử dụng vào việc gì là không nên, phải thận trọng. Với góc nhìn của nhà khảo cổ, PGS.TS Tống Trung Tín (Viện trưởng Viện Khảo cổ học- Viện Hàn Lâm Khoa hoc- Xã hội Việt Nam) cho biết: Việc phục dựng điện Kính Thiên cần có nhiều giai đoạn chứ không phải là phục dựng ngay lập tức. Một mặt phải nghiên cứu, sau đó hệ thống tư liệu. Một mặt phục dựng trên các bản vẽ, trên các mặt bằng rồi tiến tới phục dựng trên hình ảnh 3D, 4D đến thực nghiệm mô hình… Tất cả đều cần có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Cuối cùng khi các tư liệu đã được xem xét trên mọi phương diện và tính khả thi khi đó mới tiến tới phục dựng. Cần phải có nghiên cứu, đầu tư một cách bài bản và khoa học cho những công việc này chứ không đơn giản. Giai đoạn đầu tiên là phải tiến hành khảo cổ, tập hợp tư liệu. Đó là cái căn gốc nhất. Nhưng các cuộc khai quật khảo cổ hiện vẫn chỉ được thực hiện trên diện tích nhỏ…

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chia sẻ: Nếu làm việc tích cực và hiệu quả nhất với sự chung tay, đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, các nhà khoa học thì việc phục dựng điện Kính Thiên có thể bắt đầu sau 5 năm tới, khi đã đầy đủ các thông số, thông tin cần thiết. Như thế, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể khẳng định rằng khi nào khôi phục lại diện mạo không gian chính điện  Kính Thiên.

Minh Quang – Minh Quân

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button